Tư vấn xử phạt vi phạm giao thông đường bộ

Hỏi:

Em lên công an nộp phạt lấy xe nhưng bên công an yêu cầu người đứng tên đi cùng.Trường hợp của em là người đứng tên xe không chịu đi mà chỉ chịu làm lại giấy tờ mua bán.Vậy cho em hỏi em cầm giấy tờ mua bán(sau khi bị bắt xe mới làm lại) lên công an có được lấy xe không? Và người đứng tên có bị phạt lỗi giao xe cho người không có điều kiện sử dụng nữa không ?

Em xin cám ơn!

 

Trả lời:

Căn cứ pháp lý:

- Luật Giao thông đường bộ năm 2008

-Thông tư số 06/2009/TT-BCA-C11 quy định về cấp, thu hồi, đăng k‎ý các loại phương tiện giao thông đường bộ.

-Nghị định số 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ : Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

- Nghị định số 107/2014/NĐ-CP của chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 71/2012/NĐ-CP

-Nghị định 115/2013/NĐ-CP ban hành ngày 03/10/2013 quy định về quản lý, bảo quản tang vật , phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính.

Nội dung tư vấn:

Thứ nhất, Về việc chuyển quyền sở hữu xe

Theo quy định của pháp luật thì “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc nhận xe phải đến cơ quan đăng ký xe đang quản lý xe đó làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe”( mục II.B thông tư số 06/2009/TT-BCA-C11 quy định về cấp, thu hồi, đăng k‎ý các loại phương tiện giao thông đường bộ.)

Cũng theo thông tư này thì giấy tờ mua bán, tặng cho xe của cá nhân phải có xác nhận của đơn vị công tác hoặc có chứng thực chữ k‎ý của người bán, cho tặng xe theo đúng quy định của pháp luật, cụ thể tại điểm 3.1.5 mục II A thông tư  06/2009/TT-BCA-C11 quy định về cấp, thu hồi, đăng k‎ý các loại phương tiện giao thông đường bộ  quy định “ Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có xác nhận của đơn vị công táchoặc có chứng thực chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định”.

Và theo quy định tại khoản 2 Điều 439 Bộ Luật Dân Sự 2005 thì “Ðối với tài sản mua bán mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì quyền sở hữu được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản đó”.

Do đó dựa vào những căn cứ trên thì việc mua bán xe của bạn là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, nên về mặt pháp l‎ý thì xe của bạn mua vẫn thuộc sở hữu của người bán có nghĩa là người bán vẫn là chủ xe theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa theo quy định tại điều 16, nghị định 115/2013/NĐ-CP về trình tự, thủ tục khi trả lại tang vật, phương tiện bị tạm giữ thì người quản lý, bảo quản chỉ trả lại phương tiện bị tạm giữ khi đã kiểm tra quyết định trả lại và kiểm tra chứng minh nhân dân và giấy tờ có liên quan của người đến nhận. Theo yêu cầu của công an thì chủ xe phải đến lấy mà bạn không phải chủ xe theo quy định của pháp luật thì bạn không thể lấy xe được.

Thứ hai, Điều kiện của người tham gia giao thông được quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật giao thông đường bộ năm 2008 như sau:

Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông

1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái."

Việc bạn không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông là căn cứ xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ xe về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông quy định tại điểm đ, khoản 3, mục 8 Điều 1 Nghị định số 107/2014/NĐ-CP như sau:

" 3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

....

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông."

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm