Xuân về miền Trung quê tôi

Có nhà còn bỏ thêm trong giỏ cau trầu, rượu để tỏ ý hòa nhã “kẻ xấu có ngoan cố tới, xin mời ăn trầu, uống rượu rồi đi nơi khác mà không thù oán mình”. Khi cây Nêu đã được dựng lên, việc đồng áng dường như chững lại, nhường chỗ cho việc đón tết.

* * *

Những ngày này, đàn ông con trai trong làng lục tục vác cuốc ra đồng giẫy mộ. Các cụ già cũng đi theo bày cho con cháu nhận diện mồ mả tổ tiên để sau này thay họ chăm sóc hương khói. Chiều đến, trong áo dài đen, khăn đóng hoặc bộ cánh mới, người ta dâng hương làm lễ rước Ngài Tổ nhập tộc đường. Sau đó, họ quây quần bên mâm cỗ, uống vài chén rượu, hỏi han nhau về việc chuẩn bị đón tết. Những ngày kế tiếp, mọi người dọn dẹp trang trí nhà cửa, tỉa tót những cành mai, cành đào, vạn thọ, mẫu đơn... trong vườn để chưng ba ngày tết. Ở quê tôi, bàn thờ là nền tảng của sự gia nghi. Ai cũng chăm lo nơi thờ phụng ông bà mình sao cho thật trang nghiêm, tinh tấn vì đây là tiêu chí đánh giá sự hiếu đạo của con cháu trong gia đình.

Xuân về miền Trung quê tôi ảnh 1

Ngày tết. Ảnh: ST

Không khí đón xuân trở nên rộn ràng khi tiếng heo bị giết thịt để gói bánh vang trong các xóm. Nơi bến sông, chị thì vút nếp, rửa lá, chị thì đánh chùi soong nồi, tiếng nói cười râm ran cả khúc sông. Bánh tét, dưa món là món ăn không thể thiếu trong ba ngày tết ở quê tôi. Ngoài việc dâng cúng ông bà và lễ tết cho nhau, bánh còn dùng để tiếp khách đến chúc xuân gặp bữa. Chậm nhất là tối 29 tết, nồi bánh phải đỏ lửa để kịp chín nhừ vào chiều 30. Canh nồi bánh chưng đêm, người thân hàn huyên trò chuyện sau một năm trời xa cách. Chiếc vung trên nồi bánh được thay thế bằng chiếc thau kim loại lớn, luôn chứa đầy nước nóng bốc khói. Nước này được múc ra, thế vô liên tục để những người trong gia đình thay nhau tắm tẩy uế cuối năm.

Ngoài trời gió bấc lạnh run, cái rét cứa vào da thịt đau như cắt. Trong mái nhà tranh, cả nhà quây quần bên bếp lửa hồng, vừa sưởi ấm vừa trông nồi bánh tét. Ông bà say sưa kể chuyện đời mình cho con cháu nghe với tâm trạng tiếc nuối một thời oanh liệt. Các em thôn nữ mặt thẹn thùng khi nghe bàn đến chuyện cưới xin năm tới. Nơi quê nghèo ấy, ly cà phê mang hương vị ngào ngạt được chuyền tay nhau làm câu chuyện của người đi xa càng thêm thú vị.

* * *

Chiều 30 tết, người ta lại làm lễ rước tổ tiên và ông Táo về nhà mình. Bàn thờ bày biện các thức ăn, vật uống mà lúc sinh thời các cụ ưa thích. Ngoài trời, một bàn hương án với đủ vật phẩm dành cho những vong linh đói rét không nơi nương tựa. Xong phần cúng quảy, cả nhà quây quần bên mâm cỗ tất niên.

Lễ đón giao thừa là nghi thức quan trọng không thể thiếu được với người dân quê tôi. Lúc này, trẻ nhỏ xúng xính vui mừng trong những bộ cánh mới, người lớn cũng diện những bộ áo quần đẹp nhất. Tùy theo tín ngưỡng của từng gia đình mà nghi lễ và vật phẩm cũng khác nhau. Thông thường người ta đặt một bàn ngoài sân quay về hướng mặt trời mọc, gồm bánh trái hoa quả, trầm hương. Trong nhà, trên bàn thờ là những món ăn nhẹ, tinh khiết, đèn nến sáng trưng, trầm hương nghi ngút.

Khi tiếng chuông nhà thờ ngân vang hòa cùng tiếng chuông chùa rền đổ là giây phút giao thừa đã đến. Đó là thời khắc thiêng liêng giao thoa giữa trời đất với vạn vật. Trên không trung, cảm giác như có một làn gió ấm mang nàng xuân xuống trần. Lúc này, hương đã thay mới. Người trong gia đình đứng hai bên bàn thờ, lần lượt dâng hương mừng tuổi người đã khuất. Rồi tùy theo ngôi thứ trong gia đình mà người ta thứ tự ngồi vào vị trí của mình, người lớn tuổi nhất ngồi gần phía bàn thờ để con cháu thay nhau chúc thọ. Sau đó, con cháu nhận lại lời chúc phúc và hồng bao mừng tuổi từ người lớn. Xong xuôi, cả nhà quây quần ăn bánh mứt, uống nước trà, đàm đạo... Kể từ lúc này, hương đèn trên bàn thờ ông bà được giữ cháy liên tục trong ba ngày tết.

Sau khoảng thời gian đón giao thừa ấy, người ta lại lục tục đến chùa, nhà thờ làm lễ cầu nguyện chung. Trên đường về tùy theo quan niệm, mê tín mà người ta sẽ hái lộc ở những cây ven đường mang về nhà mình.

Việc lễ tết ông bà, cha mẹ, thầy cô thường được mọi người thực hiện xong trong ngày mùng 1 tết. Sau đó, mọi người vi vu chơi xuân, chúc tết bạn bè và bà con lối xóm, không bỏ sót nhà nào để khỏi bị chê trách. Ở quê tôi, khi vào nhà nào chúc tết, việc đầu tiên là thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên của họ để chúc tuổi người đã khuất trước, sau đó mới quay sang chúc mừng người sống. Tùy theo sự thân tình mà khách ngồi lại lâu hay mau, nhưng không được từ chối chén rượu nồng chúc xuân của gia chủ. Cứ như vậy từ nhà này qua nhà khác, có khi tối mịt mới về được nhà mình trong tình trạng say khướt.

Có lẽ mùa đông đang còn tiếc nuối nên cái giá lạnh của nó vẫn không chịu dừng lại cả khi xuân sang. Tuy vậy, cái rét đầu năm giúp người ta dễ chưng diện, ăn được nhiều, uống rượu mềm môi mà không biết say. Sang mùng 3 hoặc mùng 4 tết, người ta làm lễ tiễn ông bà, hạ cây Nêu xuống. Bà con nông dân trở lại đời sống thường nhật trên đồng ruộng.

* * *

Bên kia sông, đằng đông mặt trời ló dạng giữa cánh đồng bắp xanh ngút ngàn. Từng tia nắng dịu dàng rải vàng trên khắp ngọn bắp non. Gió xuân lay động ngọn ngô như con sóng nhỏ khiến sắc màu của lá thay đổi liên tục một cách kỳ ảo. Bên trong bãi bắp ấy, nhấp nhô những chiếc nón mới trắng tinh của người nông dân làm cỏ. Giữa sông vang lên tiếng coòng đuổi cá phấn chấn của dân chài xuất hành đầu năm. Trên con đường làng ven sông, người ta lại lục tục quay về thành phố, để lại sau lưng mình bao nỗi nhớ cộng dồn tháng ngày xa cách...

Hẹn năm sau, ngày trở lại.

TRẦN THANH THU

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2011)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm