Vợ chồng tay chơi - truyện ngắn Ngô Khắc Tài

Gió sông thổi lồng lộng làm tóc tai của chị Năm bù xù, chị không để ý, quần ống thấp ống cao cứ đứng lên ngồi xuống đón đò. Mỗi lần như vậy cơn giận của chị tăng theo đến đỉnh điểm dồn  hết lên đầu. Chỉ còn hai chuyến đò nữa thôi  mà chồng chị trôi nổi đâu, theo quân ngũ nào. Chị đưa mắt nhìn cảnh hành khách xăn quần lội xuống bùn để leo lên bờ trở về sum họp gia đình. Rồi người múc nước rửa chân, vô nhà mở giỏ xách vừa đi chợ ra, mấy đứa con vây quanh  mặt mũi hớn hở đợi quà. Cảnh gia đình sum họp sao mà nó vui. Quá giận, chị không ngồi xuống nữa mà theo đứng mọc rễ bên bờ sông. Nắng chiều rực rỡ, mặt nước sông như có sao lấp lánh, ánh sáng từ dưới chiếu ngược lên bờ chia ra làm hai, bên kia vàng rực hoàng hôn, bên này chỗ hai mẹ con lại ngả bóng râm. Xóm ruộng thưa thớt nhà cửa khói lam chiều từ những mái lá bay lên hắt hiu, êm ả. Chị Năm một người đã không còn nước mắt, khóc khô không lệ, êm ả kia thay vì làm chị bình tâm trở lại thìứ nó như trêu cợt.

- Lần này tao cho thằng chả chết, thằng chả không chết thì tao chết.

- Bà nóng quá thiên hạ cười, bà ơi. ổng đã như vậy rồi.

Nãy giờ thằng bé Tư đi theo không biết làm gì, nó ngồi nhổ cỏ gà chơi, rồi đưa cỏ lên miệng, nếm thử cỏ có mùi ngòn ngọt. Nhưng bé Tư để ý từng cử chỉ của mẹ. Chị Năm giận lên làm bất cứ chuyện gì cho đã nư giận rồi thôi. Giận anh, heo chưa đúng lứa chị bắt ra làm thịt ăn bõ ghét. Có lần giận chị hăm đốt nhà, tưởng chị nói cho hả hơi, ai ngờ làm thiệt. Khi lửa leo lên nửa mái vách  chị mới bừng tỉnh, nhảy cà tưng lên la làng. Chị trút giận vào bất cứ thứ gì gần tay mình, đến chó mèo cũng biết ý thấy chị giận chúng chạy ra xa. Tính của chị như vậy, giờ không có anh, chị trút cái giận qua bé Tư. Hai đứa kia lanh lẹ tay chân liền theo miệng giống chị. Bé Tư lại giống anh mềm mỏng, ăn nói nhẹ nhàng, làm cái gì cũng có vẻ chậm, lù khù. Đã ba bốn lần dời nhà, đi tới đâu ai cũng thương. Để rồi mọi người biết mình lầm muộn màng bật ngửa ra, những đứa lù khù lại vác lu chạy. Từ ai cũng thương đến ai cũng phải sợ. Anh có những hành động mà chỉ có những ai ghiền xì ke mới nghĩ ra. Hồi gia đình ở Long Xuyên quê anh, cù lao bốn bề sông nước. Mùa nước nổi năm bảy tám như là trời giận, mưa cầm chỉnh, nước theo mưa khoả liền ruộng vườn. Con sông hoá ra không bờ, nước hung hăng băng băng chảy xuôi một dòng. Dọc theo bờ sông hội Hồng thập tự lập các trạm cứu hộ treo cờ đỏ, sóng lưỡi búa bổ vòi sẵn sàng nhận chìm ghe xuồng nào yếu tay dầm dám gan bơi qua sông. Khắp xóm đã nghe lời chị dặn  không cho anh quá giang ghe xuồng. Nước vây quanh tưởng anh ngồi yên. Hơn nữa anh cũng đã bỏ được, nhà cũng có sẵn thuốc an thần để phòng hờ cho anh. Tình cờ chiếc bè chuối của ai dùng để chống đi lại trong vườn lùa vịt sút dây trôi ngang. Tưởng anh đã quên, nào ngờ ma tuý có người nói nó là con ma. Không quen biết nó thì thôi, biết rồi mà rắp tâm xa lìa, nó im lặng chờ đợi cơ hội. Lập tức anh nhảy lên chiếc bè bất chấp nguy hiểm đang chờ. Anh bất chấp mọi người rồi đây sẽ nói mãi về anh. Mặc cho ai nói gì đó thì nói anh chỉ biết thế giới riêng của mình, sóng gió bập bùng đưa chiếc bè chuối trôi nhanh về hướng Long Xuyên cách cù lao bốn năm cây số.

- ổng như vậy hả, vậy sao được. Lớn lên rồi mày giống y chang thằng cha của mày làm khổ mọi người.

- Giống sao được má, ổng khác tôi phải khác. Ai như ổng vậy.

- Mà mày giống tao cho mày chết. Như bữa nay tao cho thằng chả chết. Tao quyết định rồi, đến lúc phải hạ màn…

- Má làm như gánh hát.

Chị Năm nhảy cà tưng, cà tưng lên, chị không nhận thấy bé Tư có ý chọc cho chị vui để bớt cơn giận. Bỗng chị thấy bé Tư mỉm cười đưa mắt liếc xeo xéo phía sau lưng. Lập tức chị nhìn theo hướng bé Tư. Từ ven bờ rừng tràm, anh Năm xuất hiện, mồ hôi đầm đìa mặt mũi xanh rớt. Hoá ra, khi về ngã tư xóm ruộng chị cũng dặn dò lối xóm, lại quên, cách đây khá xa còn có một ngã ba bến đò đi xuống mũi, về Cà Mau. Nếu anh đi theo đường mòn, lối xóm cũng chạy đến báo tin, đằng này anh lội tắt đường đồng vượt qua lung trấp đầy lục bình, đỉa, vắt. Trừ khi đi kiếm ăn người ta mới lặn lội dưới lung đặt lờ lợp, bình thường chẳng ai đi. Kẻ ghiền gặp tướng tá coi yếu đuối, ai ngờ đến cữ ghiền lại mạnh mẽ đến vậy. Đã bảo nó có con ma trong người. Từ trong bụi sậy hai mẹ con đứng lên. Anh đang đi, hoảng hốt lùi lại miệng lấp bấp. Cha đi đâu từ sáng đến giờ. Chị hét lên rồi không cần anh trả lời, chị sấn tới đưa tay lục khắp người anh lấy ra một cục sái á phiện đen như hắc ín. Trả lại tao mày ơi - Anh rên rỉ - Đã nói tao bỏ từ từ mà. Chị nhìn anh, một cơ thể tàn tạ ốm như còn có bộ xương. Cục sái á phiện đó đem về nấu thành nước để dành chích vô gân tay mỗi khi lên cơn. Nhưng bao giờ mới chấm dứt, phương pháp cay gừng gì kéo dài bao nhiêu năm rồi. Hay là chị nhầm lẫn nghe theo lời của anh.

- Tui không thể chịu đựng được nữa. Lần này tui quăng nó xuống sông.

- Vậy tao chết mất.

- Hôm nay tui cũng dự định cho anh chết. Chị cầm cục sái thuốc đưa lên trời. Anh vụt quỳ xuống ôm lấy chân, chị rồi lạy chị như tế sao…

- Bé Tư mày coi thằng cha mày lạy tao kìa.

Bé Tư nghe thấy hết, phần cha rõ ràng đã đánh mất tư cách. Riêng chị kêu con nhìn cảnh tượng kia thì rõ chị cũng như điên. Thằng bé buồn bã định can nhưng không kịp chị quăng mạnh cục sái ra ngoài sông. Anh hét lên một tiếng nhảy tới chụp, giống cầu thủ đá banh chụp trái banh, chụp hụt anh ngã lăn xuống bãi bùn.


*

Đã lâu anh lãng quên cuộc đời mình chuyện lớn cũng như chuyện nhỏ, nó có gì vui. Nhưng nó lại là một chuyện anh chẳng bao giờ quên, năm 1985, buổi lập thu chiều hôm đó anh chết. Về đến nhà, chị bỏ mặc anh nằm bên chái hè, sắn tay áo vô công việc, miệng la mấy đứa nhỏ. Từ phía sau tiếng nước dội rửa chuồng trại, bầy heo kêu eng éc, tiếng của chị sai khiến bé Tư đi dỡ lưới kiếm cá về lo buổi cơm, bé Ba đi bẻ rau. Tất cả quyết định cho anh phải chết nên không để ý thân xác anh nằm kia đang dẫy dụa. Đờm dãi đã trào ra miệng, anh ngóc đầu lên nhả ra không được và đôi mắt túa lên nhiều màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng. Sức mạnh cuối cùng bẻ thân xác anh cong ngoằn lên rồi hạ xuống nhiều lần, tay chân lạnh dần, các ngón bị vọp bẻ co rút lại. Anh nằm dẫy dụa giữa đàn muỗi đói kêu vo ve mà chẳng ai hay. Thôi thế là hết. Tất cả bộ phận cơ thể không điều khiển được, các mạch máu não cũng từ từ lịm dần. Trong giây phút cuối cùng chia lìa trần thế, bỗng dưng anh nhớ mẹ của anh. Hình ảnh bà út gầy gò, chịu đựng nỗi khổ tâm dằng dặc không nói được, bà út chỉ còn nước xuống tóc. Từ khi đầu trọc bà út cũng tịnh khẩu luôn, đúng hơn là bà vì các con, nhất là vì anh mà bà á khẩu ôm trong lòng mối ân hận. Về cõi bên kia anh nhất định sẽ đi tìm mẹ nhưng biết bà chẳng bao giờ cho anh gặp mặt. Lỗi lầm do nơi anh. Chồng mất sớm bà út ở vậy nuôi con, có bao nhiêu đất bán đi cho con cái học tới cùng. So với tuổi thơ khác, ở cù lao chẳng mấy ai được học hành, hết Tiểu học là nghỉ, anh em của anh như vậy hơn hẳn mọi người. Tưởng sao, hai người anh chê Long Xuyên dạy không hay, nằng nặc đòi lên Sài Gòn, lên đó hai người lại lo ăn chơi. Tới lượt người chị, đang học nửa chừng chưa kịp thi vụt bỏ ngang đi lấy chồng, anh chị chẳng ai đỗ đạt bằng cấp nào. Cù lao nằm giữa bốn bề sông nước, người ngày một đông, đất đai có giới hạn, đất đai là nguồn sống. Xung quanh người đã quen cách nghĩ lấy thúng đong lúa, nay có người đàn bà gan dạ nghĩ khác, dám bán đất để mua chữ nên không ưa bà út lắm. Từ chỗ không ưa họ trở lại thương hại, thấy bà lo cho ba đứa lớn không xong, nay còn anh, tiếp tục hi sinh nữa đất cát biết đâu lại tiêu hết lấy gì lo việc hậu sự sau nầy. Trong khi bà con dè dặt góp ý, ngầm coi bà giống người chơi canh bạc cuối cùng. Ngược lại lần này bà đặt hết niềm tin vào con. Anh có nhiều cái nhất vượt trội. Trong số mấy đứa con, anh trắng trẻo mặt mũi sáng sủa nhất, lại hiền ít nói, thường loanh quanh ở nhà lo học hơn đi chơi. Anh có hoa tay khéo nhất. Không học cũng ngồi lấy giấy ra kẻ ô vuông tự học vẽ, rồi học đờn. Chẳng có ai dạy mà món nào cũng biết. Nhất là anh năm nào cũng lên lớp, thi đâu đậu đó. May nhờ có anh mà mẹ như được bù trừ niềm vui, xóm làng vui lây theo, hãnh diện vì anh. Anh đậu trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Đây là cả một sự kiện vì cuộc thi  rất khó, năm đó Long Xuyên chỉ có ba người đậu, trong đó có anh, đứa học trò nhà quê đã mang vinh dự về cho quê hương. Tất cả đang kỳ vọng vô ông bác sĩ  tương lai… bỗng bật ngửa ra phát hiện phát hiện anh chơi ma tuý. Lần đầu tiên là lần duy nhất, chắc là không có người thứ hai. Anh là đứa có nhiều cái nhất, trong đó lại có cái nhất nhất là chơi ma tuý. Anh chơi nó ngay năm học Đệ Tam (lớp 10 ngày nay) năm có kỳ thi Trung học Đệ Nhất Cấp. Nhưng ai có hỏi anh lại nói mình ghiền lúc làm ở phòng mổ, thời chiến tranh mỗi ngày mổ xẻ khâu vá biết bao nạn nhân, sử dụng thuốc an thần có chất gây nghiện, riết rồi anh ghiền theo. Chẳng qua anh biện hộ để bớt phần xấu hổ  mọi người sẽ thông cảm, vì nghề nghiệp mà anh trở thành kẻ ghiền. Anh không thể tha thứ cho mình, một đứa bản chất tốt thì không thể nào hư, cho dù gặp hoàn cảnh nào đi nữa, anh chẳng thể đổ thừa. Sự thật năm 1967 lính Mỹ đã đổ quân vào miền Nam, đám viễn chinh cao lêu nghêu đi lang thang khắp ngóc ngách kiếm đàn bà con gái. Đất Long Xuyên tuy là ít khi nghe tiếng súng, đánh đấm ở đâu trên biên giới nhưng không khí chiến tranh phủ trùm lên đời sống, nhất là lính Mỹ đi đâu những điều tệ hại theo đến đó, trong đó có ma tuý. Nó được bán gần như công khai ở mấy tủ thuốc lá dọc đường. Cần sa có mùi khét lẹt làm người  bên cạnh khó chịu. Đặc biệt heroin khi đó là chất bột trắng mịn không có mùi vị, trộn heroin vào điếu thuốc lá, giây lát thế giới kỳ ảo bềnh bồng hiện ra chẳng ai phát hiện. Đám học trò trừ khi chơi quá liều tay chân co giật, mắt trợn trắng mới bị phát hiện, bình thường thầy giáo đành chịu thua. Bối cảnh trường học những năm này dễ cho ma tuý xâm nhập. Bắt đầu kỳ thi Trung học, tiếp theo là các kỳ thi Tú tài phần I, phần II, thi vô Đại học, ai thi rớt buộc phải nghỉ học nhập ngũ. Đám học trò trở nên ngơ ngác như chỉ biết sống cho hiện tại, lần này may mắn đậu, lần sau rủi ro thì sao. Ngày mai ra sao thì ra, nó là tương lai vô định, lần lượt những đứa con trai mới lớn ngã vô chuyện rượu chè, hút xách. Đứa sửa soạn đi lính tìm tới điếu thuốc lá trộn bột heroin quên buồn và chuyền cho đứa ở lại chia xẻ nỗi buồn. Với ma tuý thay vì buổi đầu nói không, đằng này anh nghĩ thử một lần rồi bỏ chẳng sao, để chia sẻ với đám bạn kém may mắn hơn mình. Nhưng ma tuý như tên gọi, nó là con ma chẳng cho phép ai được làm quen lại rắp tâm xa lánh. ở những buổi đầu con đường nghiện ngập anh vẫn giữ được tư cách, sự chừng mực, có ai mời mọc hay sẵn dịp nào đó “phiêu” cho vui. Nếu có mua cũng chỉ mua chút ít đủ pha vô điếu thuốc, không nhiều, chẳng ngờ đó lại là cái bẫy gài chính mình - Thà trở thành con nghiện rồi bỏ, kiểu lấp lửng chơi cà giựt là tự dối lừa mình. Anh cho mình làm chủ bản thân, nhưng thử không ai bán nữa, lúc đó mới biết ai làm chủ. Mặc dù có chơi heroine, anh vẫn tiếp tục trải qua các kỳ thi. Làm cho những người quen biết ngạc nhiên, cho anh là tay chơi thứ thiệt. Vậy mới là dân chơi. Lần nữa anh lại ngộ nhận lập luận, đời tạo ra những thứ cho người, người ta hơn nhau ở chỗ xài nó cho có liều lượng. Anh mê muội, không nhận ra mình đã biến đổi thành con người khác. Giữa đám sinh viên, anh là một đứa bụi bậm tỏ ra bất cần. Bất cần ăn sáng, tóc tai tới kỳ phải hớt, quần áo nhiều bộ để thay đổi. Bất cần bè bạn rủ rê uống nước trao đổi chuyện trò. Ngay cả xà bông cũng hà tiện, mỗi ngày chỉ gọi một lần là đủ sạch. Trở thành một tay biến hóa, lấy chỗ này bù vào chỗ kia tài tình. Tiền của bà út gởi lên cho học cua, mua sách vở tài liệu, anh học nửa khóa, tiết học nào đặc biệt mới học, về tài liệu thì chịu khó đi mượn phôtô ra cho đỡ tốn. Thêm một lần nữa những ai quen biết anh phải trố mắt ngạc nhiên. Những năm 70 phong trào sinh viên, học sinh xuống đường kêu gọi hòa bình, người Mỹ về nước, các hoạt động dán áp phích, đốt lửa trại, hát nhạc phản chiến thu hút sự chú ý của các tầng lớp sống nơi đô thị. Một con người lạ lùng như anh lại hiện diện tham gia phong trào nhiệt tình. Chẳng ai hiểu anh như thế nào, nhưng rõ ràng ai sao anh vậy. Khi phong trào bị lực lượng cảnh sát đàn áp, cảnh sát lùng sục khắp nơi, đám sinh viên phải ngồi lại tính toán. Việc học giờ đây không quan trọng, lúc nào học không được, đất nước hoà bình học cũng không muộn. Một số sinh viên tập họp tìm đường vô chiến khu, anh lại xin đi theo. Mọi người biết hoàn cảnh của anh, thương anh lắm, xác nhận anh là người tốt. Nhưng với tổ chức thì khác, chuyện đi vô trong lâu nay chưa có trường hợp như anh. Bấy lâu anh cũng nghe người phê bình mình nhưng không ai nói thẳng sợ anh mích lòng. Đây là lần đầu tiên anh được nghe lời nhận xét thẳng thắn, chẳng nể nang nữa, nhờ vậy anh mới hiểu được mình là ai. Rõ ràng anh như thể đùa giỡn chẳng giống ai, xem nhẹ cuộc đời. Rồi từ tư, ứ tất cả sẽ xa lánh một kẻ như vậy. Len lỏi theo vỉa hè phố khuya trở về, nhìn cái bóng gầy guộc thả xuống lòng đường anh chợt có cảm giác cô độc. Rồi đó như là cái cớ để anh lại tìm tới điếu thuốc trộn bột héroine. ảo giác bắt đầu hiện lên xanh, đỏ, tím, vàng bảy sắc cầu vồng, những ngôi sao nhảy múa. Nhưng lần này nó pha thêm cảm giác xấu hổ. Vừa khoái tê mê, vừa xấu hổ, tình cờ đánh thức sợi thần kinh nào đó trong đầu còn tỉnh táo. Anh quyết tâm trở về nhà để cai nghiện. Thấy con về bà út vui mừng. Cũng như bao bà mẹ khác luôn nghĩ về con bao điều tốt đẹp. Niềm vui vụt tắt bà út ngờ ngợ quan sát con mình, niềm hy vọng của bà đó sao … Thằng con hoang cho dù có đánh phấn trắng để dấu nước da xanh xao, vàng vọt, nhưng mặt mũi hốc hác làm sao dấu được. Bà không nói ra lời. Thỉnh thoảng anh đưa tay che dấu cái ngáp, ngáp đến chảy nước mắt. Rồi như trong mình có gì cắn rứt anh gãi sồn sột, gãi đến da tứa máu lên. Cù lao hiền hòa cách biệt giữa sông nước, bấy lâu người ta nghe nói về tệ nạn xì ke, ma túy chẳng ai biết mặt mũi nó ra làm sao. Mọi người, mẹ anh giờ mới biết, bật ngửa ra. Con mình đã quá lậm, sa vô tay con ma có trong chất bột trắng giống bột xà bông kia. Ban đêm cả nhà không ai ngủ nghê, vì không có thuốc tay chân anh cứ đập rầm rập xuống giường. “Lấy chồng say trong chai, ngoài bội. Lấy chồng ghiền như hội tầm dương”. Hội tầm dương đêm xách lồng đèn đỏ, xanh đi chơi là nói đùa, sự thật không khí trong nhà người nghiện rất u ám. Mỗi lần bà con đến chơi hỏi han anh, là mỗi lần gợi lên nỗi đau. Mà không hỏi thì mẹ cũng xót ruột, cho là thiên hạ, bà con đến nhà lúc này để dòm ngó tò mò. Ngặt vậy, giữa gia đình có người nghiện với làng xóm bỗng dưng không được tự nhiên như trước đây. Khi nghe anh xin vô trại cai nghiện, bà út như luýnh quýnh lên. Tội nghiệp nước đến chân bà vẫn nghĩ, sau khi đi cai về anh nối lại chuyện học dở dang. Bà lấy ở đâu ra niềm hy vọng cho đứa con đã hư, nào ngờ từ trại cai nghiện ra, thời gian sau anh lại trở vô. Anh vẫn ít nói, lầm lì như ngày xưa. Nhưng sự yên lặng của anh lần này làm ai cũng sợ, bế tắc, chẳng hiểu con người anh như thế nào. Rơi vào chỗ tiến thối lưỡng nan, cả nhà buồn dằng dặc không nói được, phần gia đình cũng đang rơi vô chỗ túng quẫn tìm chỗ vay mượn. Mở lời mà không có ai cho mượn là mất mặt, bà con cũng ngượng vì mình. Bất ngờ một bên thì chê, một bên thì gặp đâu bắt lính bừa bãi, què xụi cũng bắt trám vô chỗ thiếu quân số. Anh bị bắt lính bà út thêm nỗi lo mới, trở thành người trầm uất. Trớ trêu cho chính quyền Sài Gòn, nhè anh, họ đưa vô ngành quân y, làm trong phòng mổ, có lẽ vì thấy anh là sinh viên y khoa. Nhè người có máu nghiện được đưa vô chỗ xung quanh nhiều loại thuốc giảm đau an thần, êm dịu thần kinh, thì đó là cả cơ hội, khúc quanh cuộc đời của anh…


*

Đã đến lúc hồn anh không thể nấn ná, từ đỉnh đầu hồn thoát ra nhẹ như gió mây. Trước khi đi anh nhìn lại, cái xác lạnh ngắt chẳng còn hơi ấm, đàn kiến ở góc nhà rõ ràng lanh lẹ sắp hàng dọc từ từ bò tới, trong khi lũ muỗi bay dạt ra. Bấy lâu anh sợ chính mình, nhiều năm không cần gương soi chải đầu, cạo râu cũng không nhìn. Nay được dịp nhìn thấy cái xác sao quá tiều tụy, anh ngạc nhiên. Thằng cha nào đó không phải anh, tay chơi thứ thiệt ai cũng nể mặt. Thằng cha đang nằm kia rất là xa lạ xấu xí, không phải anh. Nhìn cái xác hờ hững rồi sau đó hồn rơi vô một đường hầm tối đen hun hút, hồn như bị một sức hút kéo lao ra ngoài cửa chói chang ánh sáng có những điều mới lạ đang chờ. Đang bay bỗng nghe tiếng kêu thất thanh “má ơi ra lẹ lên, ba chết rồi”. Tiếng của bé Tư. Chị, rồi bé Hai, bé Ba chạy ra khóc rộ lên mé đìu hiu. Mấy mẹ con vừa khóc vừa trách móc. Bé Tư nghẹn ngào:

- Cho bà vừa bụng. Bà giết ổng đó.

- Tao giết hồi nào. ổng tự huỷ hoại cuộc đời ráng chịu.

- Lúc nào bà cũng muốn ổng chết, sao bà khóc chi vậy.

- Cái thằng này, chồng chết không cho khóc. Vậy tao khóc cho thằng cha hàng xóm.

- Bà mà thương ổng

Hồn anh tò mò ngừng bay ngơ ngắc lắng nghe, nghẹn ngào giây lát chị mới thút thít lên tiếng. Vợ chồng không thương sao có tụi mày. Nhưng mà tao cũng thương cho tao. Công lao của tao đối với ba mày suốt hai chục năm. Đời bỏ rơi ba mày. Gia đình bên nội cũng bỏ. Gặp ba mày tự nhiên tao thấy thương tình, tội nghiệp, ai bỏ để đó cho tao. Hình như là số trời, nhào vô tao lãnh sẹo. Tụi bây thấy rồi đó. Bên ngoại ngăn cản tao không được, cũng từ luôn cả hai. Đứa nào chạy đi  lấy nước nóng lẹ lên. Tắm rửa cho ba mày sạch sẽ trước khi bà con  lối xóm tới. Tới đây tưởng như chị Năm thôi nói, hồn anh định bay nhưng tiếng kể lể tiếp tục vang lên. Tụi mày cũng phải làm chứng cho tao, mẹ con mình làm đủ mọi cách  cho ổng bỏ, cuối cùng mới biết cha mày quá cứng đầu. Tiếc cho cha mày chỉ có mỗi bao nhiêu đó. Thật ra chưa bao giờ cha tụi mày đánh con, nặng lời với tao. Thật tình ổng rất thương vợ con. Giọng nói của chị lúc nhặt lúc thưa khiến hồn chen vào. Thôi đừng kể nữa, tui ở đây nè, nhưng chẳng ai nghe được. Chị Năm cứ tiếp tục lải nhải. Tụi mày không biết lúc chưa sinh tụi mày, ổng nói bà bỏ tui đi, lấy chồng khác cho sung sướng, theo tui chi cho khổ thân. Mấy đứa mày coi, ổng biết xấu hổ, biết điều, biết hết phải trái ngặt không bỏ được bệnh ghiền. Giọng ai oán của chị làm bầu không khí xung quanh như cô đặc, sóng sánh như đường kết tinh, mà hồn bây giờ là thể hơi. Chịu không nổi những lời than vãn muốn bay đi nhưng lúc này  hồn bỗng cảm giác nặng hơn  không cất lên được. Đành phải đứng lại, rồi mọi thứ từ lâu anh cố quên bỗng dưng được nhớ lại. Với đám con cái anh thương chúng nó, chúng nó thương anh không nói chi. Riêng chị với anh hoàn toàn trái ngược. Anh là người có trình độ, chị nói mình học lớp năm, không biết học ở đâu thầy giáo nào dạy học trò lớp năm bốn phép tính chị lại không rành. Hàng ngày mua bán, chị tính toán theo kiểu. Hai kí lô rưỡi khô. Để coi, một kí lô mười lăm, hai kí ba chục, nửa kí thôi cho nó tám ngàn. Hai kí lô rưỡi ba mươi bảy ngàn rưỡi. Trong khi anh sống khép kín, ít nói, đi làm về leo lên võng nằm đu đưa đọc sách báo, nghe nhạc, rồi chơi một mũi morphin chìm trong thế giới phiêu lãng. Ngược lại miệng của chị lách chách, bụng nghĩ gì bên ngoài biết hết, chợ sớm chợ chiều  tay chân lăng xăng. Hai người không có điểm nào tương đồng, vì sao chị đi thương người như anh. Hai người như có duyên tiền định.


*

Tình cờ anh được đưa xuống làm trong bệnh viện Cà Mau ngẫu nhiên quen với chị. Một đêm trời mưa lâm thâm, ông bác sĩ phụ trách phiên trực nằm dựa lưng ra ghế mơ màng nghe mưa rồi cất tiếng ngáy ngủ quên  để công việc cho anh. Có thể ông tin tưởng anh tự giải quyết được, trừ gặp trường hợp khẩn cấp mới kêu mình. Đêm ấy anh gặp một nạn nhân  chạy xe vấp phải ổ gà lủi vô hàng rào, ba vết thương, hai vết chỉ cần rửa ráy băng bó, một vết rách thịt nằm ở háng cần phải khâu. Tai nạn cũng nhẹ nhưng con bệnh khá đặc biệt. Người đó là chị, đang nằm yên nhưng đợi lúc anh sửa soạn  kim chỉ chị lại ngóc đầu dậy.

- Chuyện này sao anh không kêu mấy cô y tá. Chắc là chị cảm thấy mắc cỡ khi thấy phần thân thể kín đáo của mình được phơi bày trước người đàn ông xa lạ trong phòng đèn neon sáng trắng chỉ có hai người, quạt máy kêu sè sè. Vô tới bệnh viện còn e thẹn gì, anh chưa gặp trường hợp như vậy nên quay đầu lại nhìn. Phải chi cô gái đẹp, đằng này cô không ngộ lắm, đàn bà con gái gì có hai cặp gò má nhô cao, nên anh bỗng thấy vui vui.

- Xin lỗi cô nghe, nghề này chỉ thấy chỗ nó cần làm, chỗ khác có thấy cũng như không. Câu nói của anh làm chị sượng trân, nằm xuống không nói gì thêm. Hiếm khi nghề nghiệp gặp chuyện vui vui nên anh tiếp tục tưng tửng mặc dù anh ít khi đùa.

- Hồi nãy thì tôi giúp cô… bây giờ xong rồi cô tự kéo quần lên nghe. Nếu có nhớ đến vài ngày nữa đến đây, mà đến cắt chỉ nghe, đừng có nghĩ quấy nữa. Chị lẹ làng đứng lên ra tới cửa còn quay đầu trở lại liếc xéo, miệng lầm bầm “đồ quỷ vương, ai tới nữa mà hẹn hò”. Về đến nhà, thay vì quên đi, lúc tắm rửa nhìn vết sẹo chị lại bần thần nhớ. Rõ ràng lãng xẹt .. nhưng mà anh ta sao có giọng nói  nhỏ nhẹ êm ru hình như đã nghe ở đâu đó. Không riêng gì chị, ai mới đầu cũng lầm giọng nói của anh. Chị nhớ ra. Chị ngồi bán khô ở khu chợ, mỗi ngày gặp mặt nhiều người không thể nhớ, nhưng đàn ông xách giỏ đi chợ chẳng mấy người, nên khó quên. Đúng rồi anh thường đi chợ, lân la lựa trái cây, nhất là hay lân la nói chuyện với cô con gái bà chủ vựa bán khô. Phút đầu tiên không ngờ lại dẫn đến duyên nợ  cắc cớ, trớ trêu. Bên cạnh các cặp vợ chồng xứng lứa vừa đôi, còn có những cặp cần đến  chữ nhẫn, chịu đựng. Người đó không phải là anh , bấy lâu chọn lấy con đường cô độc, cái nhu cầu khác có hay không cũng được, anh mơ hồ. Phần chị coi như đã lầm lẫn. Gặp lại anh trong chợ, chị thấy ở anh có điều gì đó thu hút nghĩ tới mái ấm. Một dự cảm, rồi mình thuộc về thằng cha y tá coi bộ hiền hậu này. Chiến tranh trai thiếu gái thừa, đàn ông không dễ gì điều khiển được, mình sẽ khiển thằng cha này. Chuyện gì đó tính sao, phải lẹ tay chụp lấy cơ hội, kẻo đứa khác lẹ hơn. Anh là người nhất nhất. Chị cũng thuộc loại bướng bỉnh, muốn là cho bằng được.

- Con ơi, mày biết nó xì ke sao đi thương, bộ hết thằng thương rồi sao con. Tội nghiệp, ba của chị cố khuyên lơn, ngăn cản.

- Ba ơi! Bốn vách tứ đổ tường, không ngã vô vách này cũng ngã vô vách kia. Đời mấy ai trọn vẹn, mấy thằng  cha cờ bạc, rượu chè đánh đập vợ con không chừng còn tệ hơn.

- Nhưng thà không biết

- Biết hay không gì ba, ai trước đó cũng phải hư rồi sau mới nên.

Ông già khuyên cách gì chị cũng cố cãi cho bằng được. Đến chừng đuối lý lẽ chị Năm phải viện tới chuyện giặc giã. Trai tráng phải đi lính đổi đi đầu này, đầu nọ, biết chết nay sống mai. Dù sao anh Năm cũng có nghề y tá khỏi lo chuyện đánh đấm. Rõ ràng chị đã đuối lý nhưng lá bài cuối cùng lại là lá bài chiếu bí. Có ba cô con gái, ở giá hết hai mạng, ba của chị đành phải chấp nhận ông con rể bất đắc dĩ, rồi đây làm khổ gia đình dài dài.

Lần nữa anh rẽ vô khúc quanh cuộc đời với người vợ bình dân không tương xứng trình độ. Nhưng liệu có trình độ có trở thành người vợ như chị, lo lắng  cho chồng mọi mặt, lo từng ly. Mọi thứ sinh hoạt, ăn uống, cafê gì anh cứ ngồi ở nhà chị mua đem về. Thật ra chị đã chủ động trước, cần phải cách ly chồng với chỗ đông người, hơn là để cho anh la cà. ở mấy quán cafê là nơi gặp đủ thành phần, lê la trước sau gì ngưu cũng tầm ngưu. Để tiện việc theo dõi, canh chừng, chị bỏ hẳn chợ búa về nhà mua thuốc Tây bán cho khu phố, đồng thời cho anh hành nghề khám chữa bệnh. Tự nhiên chị trở thành thầy thuốc tự lúc nào, thành một hộ lý cho chồng. Chị đếm từng viên thuốc an thần, từng ống thuốc chích, giảm liều lượng mỗi ngày chỉ cho anh còn một cữ đi “phiêu”, bềnh bồng. Khiển gì anh cũng nghe, giống như đứa trẻ ngoan ngoãn nghe lời mẹ dạy. Mà sự thật chị cũng như sinh ra anh lần thứ hai. Trong khu phố cũng ủng hộ, thương cặp vợ chồng, họ thấy ông trời như sắp đặt, đứa miệng lách chách, tay chân lăng xăng, đứa lại ít nói hiền khô. Nhưng không ai biết anh ngoài anh ra, còn ý chí hay là vì nghiện ngập đã đánh mất, trời sinh anh ra như để đùa cợt. Hàng ngày anh đi đến bệnh viện rồi trở về đúng giờ giấc, leo lên võng ngồi đu đưa đọc sách báo đợi khách đến khám bệnh, mua thuốc. Anh làm cho chị yên tâm, vừa khéo léo tránh bao cặp mắt tò mò, mặt mũi anh tỉnh bơ thật ra đã lén lút chơi thêm ở đâu đó. Sống với ông chồng xì ke nên chị có kinh nghiệm, khuôn mặt tơ lơ mơ, đôi tròng mắt mở to của anh làm chị sinh nghi - thằng cha này xé rào. Anh trả lời lúng túng. Chị nổi cơn tam bành lục tặc la hét. Anh vẫn ngồi yên để cho vợ la cho đến khi khản cả tiếng kham kháp không còn la nổi, chị ngơ ngác đưa mắt nhìn. Tự nhiên chị tròng dây vô cổ chuốc lấy nỗi khổ. Chồng mình đã không còn lương tâm. Biết mình lầm nhưng tính bướng bỉnh, chị cương quyết không chịu thua ai. Chị lại tiếp tục kiểm soát từng viên thuốc, từng ống thuốc chích, dặn dò bà con trong phố tiếp tay chị theo dõi anh chặt chẽ hơn trước.
Bây giờ hồn của anh đứng bên cạnh chị mà chẳng ai nhận ra trừ mỗi con chó ngơ ngác cất tiếng sủa. Chị lấy cây đánh con chó, con vật thôi không sủa nữa mà tiếp tục kêu ăng ẳng … Lẽ ra mấy mẹ con nên chú ý đến con vật linh tính và khứu giác bén nhạy của nó nhưng ai nấy tập trung vô lo cho cái xác vô tri. Bỗng hồn anh giật mình nghe chị tiếp tục kể lể - Lúc trước ông đâu chú ý đến tui con nhỏ bán khô mà để mắt tới con gái chủ vựa. Người ta là cô giáo. Ông viết thư gửi cho người ta, đâu hay biết, nó đưa cho tui coi. Tui nói thẳng - thằng cha đó xì ke. Ông đừng nghĩ  là tôi phá đám nói xấu ông, vì tôi biết rành con nhỏ đó hơn ai, có tiền, có ăn học nên chảnh chọe đôi mắt ngó lên không ngó xuống đâu. Nếu nó đã thương thì ai nói gì nói nó vẫn chịu. Đàng nầy ông thấy rồi, nó không thương nên mới đến lượt tui nhào vô.

- Cái bà nầy, ai làm sao kệ người ta, rủi họ nghe được mích lòng

- Tao đang nhắc chuyện cũ, ở đâu xẹt ngang. Tao nói tới đâu rồi. ừ, sau đó thấy ông ít đi chợ, tui biết đã xảy ra chuyện gì. Tui mới đi tìm ông. Đang buồn, thấy tôi tới, ông bất ngờ. Chuyện giữa tui với ông do trời đất sắp đặt. Ông không biết tui thương ông cũng ở chỗ nói thẳng: “Đời anh như vậy đó, ai mà muốn có chồng cũng như không có chồng, tự lo thân được mới làm vợ anh”. Không có đàn bà con gái nào để lọt tai câu nói của ông. Nhưng tui lại chấp nhận, thật ra chỉ có tôi biết ông là người tốt chẳng đến đỗi. Ba của tôi làm dữ mò lên tận Long Xuyên tìm nhà, cũng vì thương hoàn cảnh má của ông nên đành phải xuôi theo cái việc con cái đặt ra, nhưng cưới vợ phải có đôi bông, sợi dây chuyền cho nó coi được. Ông đâu biết đôi bông, sợi dây chuyền là của tui đưa cho má của ông. Sau này ông cứ ngỡ là của má ông cho, lúc túng thiếu nằng nặc kêu tui đi bán. Tui làm sao bán đi được, tui để dành đó cũng là lo cho ông, cho mấy đứa con của ông thôi. Đời của tôi coi như giao cho tay cha con ông rồi, ông Năm ơi là ông Năm ơi. Chị vừa kể vừa nắm bàn tay xác chết lắc lắc, như hỏi cái xác có nghe không. Hồn ngơ ngơ ngác ngác. Hóa ra, chuyện chồng vợ bấy lâu nay nhiều chuyện hồn vẫn chưa biết. Rõ ràng chị đã sắp đặt hết mọi thứ và lèo lái cuộc đời anh. Chính chị năm 72 đã lên gặp bác sĩ giám đốc bệnh viện xin chuyển anh về xã vùng sâu để cách ly với môi trường xấu, chợ búa đông người. Chị lèo lái, cố sửa đổi chuyện gì anh cũng ngoan ngoãn nghe theo lời, đến lúc này chắc là chị biết, rốt cuộc anh vẫn là anh.


*

Trong thâm tâm anh bao giờ cũng sợ một người, vì người đó quá biết rõ về anh. Đấy là người mẹ bất hạnh. Tội nghiệp bà út giờ rất thương con dâu mà không biết làm sao giúp đỡ. Coi như bà bó tay bất lực ở xa mong tin con. Rất lâu hai vợ chồng mới về Long Xuyên, bà vừa mừng con về vừa xót xa cho đứa con dâu, anh đi đâu chị cũng đi theo giữ, hở ra là anh chạy đi kiếm heroin vậy làm ăn gì nữa. Sau này gia đình khốn khổ của anh không về, bà út không buồn vì biết, anh quá quắt nên  dâu con chẳng cho đi nữa, dù có nhớ bà cũng đành ôm bụng chịu. Mẹ nào quên được con nhưng hoàn cảnh buộc phải quên. Bà đâu biết… ở tận cái xã xa xôi nào đó dưới Cà Mau, anh hết bệnh một thời gian rồi vẫn tiếp tục nối dây với mấy đứa xì ke thậm thụt, dường như đã có lời thề mang nó theo xuống mồ. Năm 1974 nửa nước được giải phóng về tay chính quyền mới. Những viên chức  chế độ cũ được lưu dụng làm việc trở lại, anh có tay nghề vững vàng tuy nhiên tai tiếng khiến không ai chịu chấp nhận. Tay chơi đùa giỡn số phận cuối cùng phải rơi vô nẻo cùng đường. Bên vợ coi như chịu thua sống chết mặc xác không thèm biết tới nữa. Rốt cuộc cả gia đình khốn khổ lại phải trở về Long Xuyên chẳng khác gì cóc chết quay  đầu về núi. Năm 78 cuộc sống đâu đâu cũng thay đổi, ở cù lao cuộc trang trải ruộng đất coi như xong. Chuyến trở về của anh chẳng ai mong đợi, ai cũng phải lo thân, chẳng còn rảnh rang đùm bọc như lúc trước. May sao mẹ anh nhờ có tiêu chuẩn đất đai cho người già, bà để công đất phần của mình lại cho, muốn sống gia đình phải siêng năng làm lụng như bao người xung quanh. Bao nhiêu cặp mắt hướng sự chú ý về chị, vì chị coi như là lao động chính, ba đứa trẻ không kể tới. Làm rẫy vất vả, ngày hai lượt gánh nước tưới rau, suốt ngày ngồi phơi nắng bắt sâu, nhìn chị vóc dáng ốm yếu ai cũng e ngại. Sau đó ai cũng đâm ra thán phục người phụ nữ mới nhập cư lanh lẹ, giỏi giang, gánh nước, đội giạ lúa đi băng băng trên bờ đê không thua gì nam giới. Dân lao động thấy ai vất vả  giống mình thì thương lắm, nhất là mấy đứa nhỏ suốt ngày lặn lội khắp sông rạch mò cá, đãi hến. Nhìn chị, nhìn mấy đứa nhỏ, người ta không nỡ bỏ rơi con. Việc khám chữa bệnh lúc này khá phiền phức, phải tới trạm y tế, phải có giấy tờ, để rồi bệnh nhân nào cũng được phát xuyên tâm liên đắng nghét. Người ta dần dần tìm đến anh, bắt đầu tin tưởng tay nghề của anh. Tưởng anh chém thiên hạ giá cao để lấy tiền hút chích, không ngờ giá lại rẻ hợp túi tiền. Bắt đầu có tiếng đồn về người y tá chích thuốc mát tay, hai năm sau gia đình lập tức khá lên ngang với mọi người, mấy đứa con thôi mò cua bắt ốc để đến trường học. Giống anh, đám con lại học giỏi năm nào cũng lãnh thưởng đem về khoe cha mẹ, khoe bà nội. Bé Tư ngạc nhiên thấy bà nội vuốt đầu mình khen ngợi. Ba của con hồi nhỏ cũng học giỏi lắm, năm nào cũng lĩnh thưởng. Nhưng sao bà nội lại buồn bã, quay mặt đi chỗ khác như che dấu những giọt nước mắt vừa chảy ra, rồi lấy khăn lau. Mới mười tuổi, bé Tư cảm nhận được vì sao bà của mình buồn. Mẹ nó cũng vậy. Khách đến nhà chị vui vẻ chuyện trò, chuyện giá cả thị trường lên mà giá đồ rẫy bán không cao. Khách ra về, gương mặt của chị mới để lộ nét đăm chiêu. Rõ ràng chị khéo léo để xung quanh không tò mò nhưng sao qua mắt được bà út, vì bà cũng như chị. Một già một trẻ, bụng dạ cứ  phập phồng. Heroin lúc này không còn là chất bột trắng mà chuyển qua dạng thuốc viên. Nó tạm lắng xuống mấy năm đầu giải phóng, sau đó lại nổi lên. Tệ nạn lan tràn đến đâu, cù lao hiền lành có đứa nào vướng phải nó chưa. Hai mẹ con không biết, chỉ biết áp phích nói “không” với ma tuý dán ở các bến đò ngang, dán ở trường học, nhìn áp phích lại nhớ ở nhà. Anh tuy đã bỏ nhưng ban đêm phải chích thuốc, uống an thần mới ngủ được. Chị ngỡ anh cương quyết từ bỏ, không ngờ. Một hôm chị từ ngoài đồng về, thấy nhà mình có khách ngồi uống trà. Nhìn mặt khách chị vụt để rớt đòn gánh xuống đất. “Đây là anh Tám bạn học cũ”. Anh giới thiệu lúng túng. Cái gương mặt kia các cơ mặt chảy xuống, đôi mắt nở to, đúng là tay chơi héroin, bạn bè cũ không rủ cũng tìm tới. Trốn nơi đâu cũng có đứa tìm. Chị kiểm tra số thuốc men bán ra với tiền bạc thấy mỗi ngày mất một ít, vậy là anh đã dấu diếm. Còn chế độ cũ, nổi cơn giận chị còn la hét, qua chế độ mới không thể như vậy, nó sẽ đến tai chính quyền đang bài trừ tệ nạn xã hội. Anh bị bắt đưa vô trại cải tạo, cứ lòng vòng bao nhiêu đó gia đình vẫn không chấm dứt nỗi khổ tâm. Chị không nói dai nữa mà dồn cơn giận hét lên: “Ông Năm muốn sung sướng hay khổ. Muốn tui sống hay chết”. Bà út ở đầu vườn nghe tiếng hét của con hiểu hết mọi sự. Bé Tư đang ngồi nhổ tóc ngứa cho bà, lập tức bà kêu nó trở về nhà: “Con về nói với ba con, rồi bà nội cũng chết theo cho xong món nợ mà bà đã tạo ra”. Ai không có lúc giận dữ thỉnh thoảng lớn tiếng với ai đó trong gia đình, xung quanh nghe tiếng hét của chị rồi nó cũng tan biến. Cù lao xanh mát, ruộng vườn không khí êm ả hòa tan hết bao nỗi vất vả, giận hờn. Tưởng không có điều gì khuấy động nếp sống kia. Khi anh chị dời nhà đi, mười mấy năm sau gặp nhau trong đám tiệc người ta vẫn đem chuyện anh ra bàn tán. Coi như không có trường hợp thứ hai. Kẻ khác lại nói ghiền xì ke chuyện nào cũng có thể xảy ra, chẳng ai phát hiện thôi. Vào buổi chiều xóm quê mưa rơi lắc rắc đường xá ướt át kéo dài cho tới trời tối buông xuống  nhà nhà lên đèn. Mấy người hàng xóm cơm nước xong dạo chơi ngang qua nhà thấy chị vẫn ngồi bên mâm cơm như chờ đợi, anh Năm và mấy đứa nhỏ đi đâu đó. “Chú Năm đi đâu rồi thím không ăn cơm đi, hơi sức nào đợi”. Hỏi han ít câu rồi trở về nhà mình, bảy giờ tối xóm quê vắng tanh, chẳng ai ra ngoài đường vào đêm mưa ẩm ướt, gió rung vườn cây xào xạc. Tưởng như không có điều gì xảy ra, bất ngờ mọi người nghe tiếng la thất thanh:

- Bớ làng xóm có người thắt cổ.

Tiếng la làm ai nấy giật mình bỏ nhà cửa kéo tới  nhà của anh. Vừa tới nơi người ta thấy anh ở đâu về kịp lúc lẹ làng chạy vọt vô nhà, anh bắc ghế đứng lên trên chỏng mở sợi dây treo ngang thanh xà, đặt xác chị nằm dưới đất. Không được để vậy nhập thổ, biết đâu nó còn sống. Một giọng nói vang lên, nhiều người phụ họa theo rồi mạnh ai nấy nói,  rồi mạnh ai nấy nghe – Tao vừa mới nói chuyện với nó lúc nảy mà. Cảnh tượng náo nhiệt làm xóm nhà bên kia sông bất chấp trời mưa rơi ướt át cũng bơi xuồng qua. Cả khúc đường quê bỗng đen nghẹt người, quậy bùn nổi dậy lên. Anh Năm tuy bụng dạ chết điếng nhưng còn đủ bình tĩnh làm hô hấp nhân tạo, kề miệng thổi mạnh vô mũi vợ. Chị thở khì. Anh cũng khì thở ra. Mọi người bu quanh chị Năm reo lên mừng rỡ, anh để chị nằm đó, ra sau nhà thụt rửa ống chích bơm mũi thuốc khỏe mang ra. May quá không khéo nó trở thành con ma. Con nhỏ này coi vậy mà gan, lần đầu tiên thấy người thắt cổ ghê quá. Những lời bàn tán vô tình chẳng kể chủ nhà  gặp chuyện buồn phiền, đêm mưa êm đềm trở thành đêm không ngủ xôn xao. Mọi người sực nhớ. Lúc sụp tối thấy chị ngồi trong nhà một mình bên mâm cơm. Vừa tròng đầu vô sợi dây lập tức con cái kịp la lên, anh ở đâu đột nhiên xuất hiện đúng lúc. Mọi người tán gà, tán vịt rốt cuộc lại đúng. Mấy ngày sau thiên hạ trở mắt ra ngỡ ngàng, tất cả do chị bày trò. Hóa ra đêm đó, chuyến đò cuối cùng về gần tới, chị sai mấy đứa con ra chận mấy ngả đường chờ anh. Rõ ràng anh dấu diếm tiền bạc để đi hút chích , chứ không có lý do nào khác. Đợi cho anh về tới gần nhà, đứa con lập tức chạy nhanh về báo tin để chị thắt cổ. Một trò thật dại dột coi tính mạng như không. Giả sử câu chuyện xoay qua hướng khác ngoài ý muốn. Rủi đứa nhỏ chạy về nhà báo tin rồi không ở nhà với chị, mà xẹt qua hàng xóm coi tivi. Rủi anh đột ngột gặp ai đó đứng lại chuyện trò. Cái sống, cái chết chỉ diễn ra trong tích tắc thôi, kể như chị tiêu tán đường. Rồi như chưa hết chuyện một số kéo qua nhà mẹ của anh. Mà chia sẻ được gì. Những người lắm chuyện thấy bà út chẳng nói năng, bà làm thinh ngồi lần chuỗi tràng hạt. Tuổi già còn khổ vì con, thấy bà như vậy ai cũng xót xa lặng lẽ rút lui. Mấy ngày sau bà mới nói chuyện được với con dâu.

- Lửa ở trong nhà không giữ được bây làm nó cháy lan ra ngoài đường. Một mình nhà của bay mà cả xóm xúm lại lo lắng vậy sống sao nổi.

Chị đã hiểu bà mẹ chồng muốn nói điều gì. Chị cũng đã suy nghĩ, ở đâu có người là nơi đó có tệ nạn, phải tiếp tục cách ly anh khỏi môi trường xấu. Chị tính  cuối cùng rồi cũng phải trở lại Cà Mau quê của chị, những xóm rừng xa heo hút tận ngoài mé biển, làng mạc thưa thớt, hoang vắng. Đành phải đưa gia đình về đó, chị cương quyết dành lấy anh không cho rơi vô cái chết dần mòn, mấy đứa con còn nhỏ cần có anh dạy dỗ. Trở về quê lần thứ hai sống được bốn năm, lại nghe vợ tính chuyện đi nữa anh bối rối. Nhưng không thể ở lại được, sau cái chết hụt của chị Năm, anh biết chị chẳng phải là hăm doạ. Muốn sống thì khó, tìm lấy cái chết rất dễ, thuốc chuột, thuốc sâu rầy những thứ độc hại rất tiện lợi cho những ai chán đời. Tử thần đang dòm ngó ngôi nhà của mình, anh đành phải nghe theo lời vợ. Nhưng anh, dù cho có đi cuối đất cùng trời không phải chỉ có chân đi mà còn có ý chí làm lại cuộc đời. Con người đã mất ý chí coi như đã báo trước cái chết.


*

Vì thế anh không thể nào quên năm 85 là năm anh chết. Ban đầu hồn anh lìa khỏi xác nhìn lại xung quanh, năm 80 gia đình đưa nhau về đây, xóm làng hoang vu, xa xa một mái nhà, phía sau lưng nhà là rừng tràm, cánh đồng lau sậy chạy dài. Hai vợ chồng chiếm một khoảnh đất, lấn dần ra mỗi năm một ít. Anh tính nghĩ nghề chích thuốc, nhà sắm sửa tủ thuốc để dành phòng hờ chỗ khỉ ho cò gáy nữa đêm gió máy không kịp xoay trở. Dần dần bà con từ những con rạch xa biết anh trước đây là y tá tìm tới nài nỉ, anh lại tiếp tục nghề cũ. Gia đình anh chẳng có gì mới mẻ, biết bao lần suy sụp rồi lại khá lên. Cảm giác bềnh bồng khi có héroin anh đã quên thế nhưng nửa đêm về sáng, những chuyến đò về Cà Mau kêu xình xịch trên sông đã đánh thức thói quen. Lương tâm dằng xé anh, cuối cùng anh chịu thua, bắt đầu biện hộ trở lại. Người ta có thể sống được với bất cứ đồ độc hại nào, miễn chơi có liều lượng. Vì thế lần nầy anh phải chết để cho vợ con sống. Hồn bắt đầu bay đi. Vụt thằng bé Tư khóc ré lên. Hồn ngập ngừng. Lại định bay đi, chợt chị Năm cất tiếng kể lể, không khí trong tự nhiên sóng sánh như có chất keo khiến hồn không thể bốc hơi. Giọng người đàn bà có “ca” có “kệ” giống như đọc kinh, nghe đến đâu hồn nhớ lại đến đó. Từ 68 đến nay hồn có 27 năm thâm niên, bỏ được rồi lại hút, chuyển qua uống, qua chích. Thâm niên một tay chơi thứ thiệt, đạt kỷ lục Guinesse. Hồn đang tự hào, cái giọng người đàn bà kể lễ nghe sao nhột nhạt. Vừa công nhận kỷ lục vừa kết tội là sao? Đúng, anh rõ ràng là tay chơi thứ thiệt, nhưng chỉ chơi có một trò. Trong khi người đàn bà kia đã từng đùa giỡn với cái chết. Chẳng lẽ anh đi thua người đàn bà miệng lách chách, tay chân lăng xăng kia? Hồn từ từ nhích tới bên xác. Và… anh nghe tiếng mấy mẹ con mừng rỡ:

- Má ơi, cái đầu của ba sao còn ấm.

- Để tao lấy cái thứ quỷ ra chích cho thằng chả.

- ủa ở nhà còn sao ổng lội đi mua vậy má

- Còn, nhưng tao ghét thằng chả đem dấu đó. Thằng chả tưởng hết.

- Bà cho ổng chết sao bây giờ lại cứu vậy, bà.

- Tụi bây đừng nói bá xàm. Số con người ta, kẻ có năm đồng, người được tiền rưỡi. Số của tao chỉ có năm mươi xu.

Đang kể lể vụt chị kêu con đi nấu nước. Đang nói liền lại khóc lóc. Cứ như một diễn viên. Mà cuộc đời trên sân khấu đâu giống cuộc đời bên ngoài? Đang la khóc kể lể vụt cái, hai mẹ con giật mình kêu: “Sống rồi!”.

Mở mắt, khoát tay ra dấu. ít nhiều gì cũng biết chứng bệnh của mình, anh yếu ớt kêu bé Tư nấu cho mình nước gừng, một nồi xông hơi, kế đó là nồi cháo, lấy thêm hai viên an thần. Anh đã tính kỹ cơ thể đang lạnh, uống nước gừng cho ấm lên, xông hơi ra mồ hôi cho khỏe, ăn cháo xong uống hai viên an thần để chịu đựng, đêm này là định mệnh, chuyển từ trạng thái chết lâm sàng qua sống là hết sức dữ dội. Quả nhiên, suốt đêm anh vật vã chết đi sống lại mấy lần, hai viên thuốc an thần không đủ hỗ trợ giấc ngủ nhưng anh cương quyết không uống thêm. Chị thức theo anh canh chừng,  nhìn thấy anh thân thể oằn oại ướt đẫm mồ hôi luýnh quýnh hoảng sợ. Định lấy cái lọ sái nước á phiện quỷ quái ra chích cho anh một mũi để nằm êm. Nhưng anh khoát tay cương quyết từ chối. Bốn giờ sáng, sau những cơn động kinh anh mệt lả ngủ được chút ít. ý chí bấy lâu ngủ yên nay như đốm lửa bắt đầu nhen nhúm, phải giữ để lửa sáng lên. Sáng ngày hôm sau tỉnh dậy, chị nấu sẵn nồi cháo gà, châm trà nóng cho anh. Sau khi ăn xong, uống nước anh mới nhớ lại từng chi tiết của đêm qua, biết nó còn tiếp tục hành dài dài nữa. Muốn từ bỏ không dễ. áp dụng phương pháp chữa trị nào bây giờ? Suy tính rồi anh nói:  “ Em đi lò rượu chú Mười đặt cho anh loại rượu mạnh nhất, thứ rượu đốt cháy ngọn lửa xanh”.

- Trời đất, đã vậy còn uống rượu sao cha.

- Thì cứ mua về.

Có rượu, anh để nó trước mặt, ngồi nhìn, đón cái cảm giác tơ lơ mơ của ma tuý theo chu kỳ mò tới. Nó vừa đến… lập tức anh rót rượu. Ly thứ nhất, ly thứ hai, thứ ba… anh bắt đầu say. Lúc này anh phân thân, sức mạnh của ông thần men đang chống trả với sức mạnh của con ma bấy lâu chung sống với anh. Thần men như chưa đủ công lực, nên về đêm anh vẫn còn nằm lăn lộn. Sau một tuần lễ lắng nghe cơ thể chuyển biến, anh biết mình cần phải làm gì thêm. Một sáng anh kêu vợ chuẩn bị cho mình các món, trà rượu, thức ăn, thuốc khỏe, tay chân yếu ớt anh cầm lấy cây cuốc ra đồng. Độ mười nhát cuốc mồ hôi của anh ra như tắm, chất độc tích tụ trong cơ thể lâu ngày đã được bài tiết. Ngặt cái, quá lâu không động tay chân mới mấy nhát cuốc đã nhọc lử. Lại thêm còn lâu mới đến mùa cày cỏ năng mọc dày bịt, đám ruộng này nối đám ruộng kia kéo dài mênh mông đến tận chân trời, chỉ nhìn thôi đủ ngao ngán. Nhưng đã tính thì phải tính cho đến nơi đến chốn, anh không nhìn lên nữa mà ngó xuống chỉ biết cây cuốc với mặt ruộng, rồi quăng cây cuốc té xỉu. Mẹ con chị lẹ làng dìu anh vô nhà chích cho mũi thuốc khoẻ, nghỉ ngơi ăn cơm. Xế trưa anh lại cầm chai rượu và cây cuốc ra đồng. Hai tháng sau anh thấy mình có biến đổi từ từ, mất cảm giác bồng bềnh rũ rượi, thay vào đó là cảm giác thèm rượu, người hăng hái lên, sức khỏe cũng dần tăng theo. Một năm sau đó anh hoàn toàn không nhớ, thêm hai năm nữa ở trên đồng làm lụng miệt mài thần kinh mạnh lên, ở không là cảm thấy buồn, bấy giờ mới hiểu là mình đã thắng. Từ một thân hình gầy còm gió thổi muốn bay anh trở nên một người lực lưỡng thịt da săn chắc đen mun như bức tượng đồng. Uống rượu như uống nước, hào sảng cười nói.


*

Đến năm thứ 4, vào mùa tát đìa xóm rừng nhộn nhịp lên. Tôm cá xứ Cà Mau phải biết, cá lóc đen bóng rất lớn có con to bằng bắp đùi, cá rô mề lớn bằng bốn ngón tay. Long Xuyên cũng thuộc xứ tôm cá nhưng chưa hề có con nào lớn chừng ấy. Phải chi gặp ai quen ở chỗ heo hút này để đãi họ một bửa cá ra trò, bỗng nhiên ngồi đăm chiêu rồi muốn về thăm nhà. Bà út chắc là giận con nên mấy năm rồi không cho ai tìm kiếm, liên lạc. ở bên Mỹ người ta cũng còn tìm, chẳng lẽ anh biệt xứ.
Trời sinh ra anh như để dành cho những chuyện làm chẳng giống ai. Thay vì hai vợ chồng đi xe, anh mướn một chiếc ghe để khoang trống chứa cả trăm kí lô cá. Từ đất mũi chèo ghe về Long Xuyên, họ đi quanh co theo các ngả kinh rạch, theo các cánh rừng. Lúc nào mệt thì đậu ghe lại chờ ghe lớn đi ngang xin quá giang, lúc nào khỏe tháo dây ra chèo. Từ khi làm vợ anh chưa lúc nào chị có dịp đi chơi với chồng, nay chèo chiếc ghe từ Cà Mau về Long Xuyên coi như cả hai làm chuyến du lịch. Ba mươi năm làm vợ của một tay chơi, cuối cùng chị có được ba năm thảnh thơi, hai mươi ngày lênh đênh trên sông  nước, hai lượt đi về thời gian hơn một tháng, là thời gian hạnh phúc nhất của chị. Tưởng như anh bất lực nào ngờ tình dục anh trở lại mạnh mẽ hơn xưa, chiếc ghe lắc lư, cá nhảy đùng đùng dưới khoang gây cảm giác mới lạ chưa từng có. Chị hình dung khi về đến Long Xuyên, những người ở vùng cù lao sẽ xúm lại mừng rỡ nhất là khi thấy những con cá lóc mọc râu. Người vui mừng nhất chắc chắn là bà út, cuối cùng tuổi già của bà được vui. Tinh nghịch anh nghĩ ra được chuyến trở về bất ngờ này, rồi người ta sẽ tiếp tục nhắc mãi hai vợ chồng. Chị đâu biết đó là những ngày hạnh phúc ngắn ngủi, mẹ chồng đã qua đời hai năm. Lúc đau, bà hận con đến độ không muốn ai nhắn tin cho anh, bà căn dặn tới căn dặn lui để cho được chết thảnh thơi. Chị càng không hay gan của anh một phần do ma tuý, một phần do thứ rượu cao độ đốt cháy đã trở nên chai cứng, nổi u. Anh đã gặp một thách đố không thể vượt qua. Hơn một tháng vợ chồng lênh đênh trên sông nước, đi qua biết bao làng mạc, những cánh rừng… chính là kỷ niệm sau cùng anh muốn dành tặng chị, anh muốn chị vui, ngước mặt lên nhìn đời. Hoàn toàn hồn nhiên chị mời bà con thưởng thức đặc sản từ rừng Cà Mau, chia vui xong với chị ra về mỗi người còn được tặng con cá lóc nặng tới vài ba kí lô ăn nhớ đời.

Ngày trở về giống như con nước, trôi đi rồi trở lại bến cũ, mà điều con nước nào thể như xưa. Anh để chị trò chuyện cùng bà con lẳng lặng ra ngồi bên mộ mẹ đã thắp nén nhang, đưa mắt nhìn theo khói hương. Bao năm bà út dõi mắt trông ngóng con, khi thằng con hoang trở về thì bà đã không còn. Bao nhiêu năm sống như đùa cợt với cuộc sống để rồi giờ đây âm thầm khóc… “Tay chơi” ngồi bên mộ mẹ cho tới khi hoàng hôn xuống mường tượng, mai này, khi bé Tư nên người và anh đã không còn… Cũng một nấm mộ, thằng nhỏ ngồi bên. Khói bay về trời, tro tàn rơi xuống đất.

Theo hoinhavanvietnam.vn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm