Vĩnh biệt người viết “nhật ký thời bao cấp”

Vĩnh biệt người viết “nhật ký thời bao cấp” ảnh 1
Đặng Phong sinh năm 1939 tại Hà Tây, tốt nghiệp khoa Lịch sử Đại học Hà Nội năm 1960 và khoa Kế hoạch Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1964. Cuộc đời làm khoa học của ông gắn bó với công việc nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử kinh tế. Trên cương vị nhà giáo, ông đã đào tạo hàng ngàn sinh viên với một phong cách giảng dạy độc đáo và thú vị, rất được sinh viên ưa thích. Trên cương vị nhà nghiên cứu, ông từng là chủ nhiệm nhiều đề tài cấp bộ như: Biên niên kinh tế Việt Nam, 60 năm kinh tế Việt Nam 1945-2000, Những mũi đột phá trong kinh tế Việt Nam v.v…

Đặng Phong còn là tác giả của nhiều cuốn sách về sử kinh tế, trong đó có hai cuốn rất nổi tiếng thời gian gần đây là Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989 (2008) và Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (2009), đều cộng tác với Nhà xuất bản Tri Thức.

Sử kinh tế là lĩnh vực khô khan nhưng qua cách viết của Đặng Phong, hai cuốn sách chứa đựng những nội dung bổ ích trong một hình thức thể hiện hấp dẫn: Ngoài việc đưa vào những phát biểu, hồi tưởng chân thật của các nhân vật lịch sử, tác giả còn trích cả nhiều mẩu báo, tranh châm biếm cùng thời kỳ. Điều đó đã làm nên sự nhẹ nhàng cho tác phẩm, cũng là phong cách riêng của Đặng Phong.

Tư duy kinh tế Việt Nam 1975-1989Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới trở thành hai cuốn sách được đông đảo người đọc yêu thích. Trong đó “Tư duy kinh tế Việt Nam” được mệnh danh là “nhật ký thời bao cấp”, bán rất chạy và được tái bản trong thời gian ngắn.

Ông ra đi đúng vào khi cuốn sách cuối cùng, Chuyện Thăng Long-Hà Nội qua một đường phố, viết về đường Lê Duẩn ở thủ đô, vừa hoàn tất những trang in cuối cùng và sẽ ra mắt độc giả trong tuần tới với hai phiên bản tiếng Việt và Anh.

Khi ông mất, gia đình có người ở nước ngoài còn chưa về kịp nhưng nhiều học trò ông - những sinh viên yêu mến tài và đức của thầy đã thay phiên túc trực đầy đủ bên giường.

Sự ra đi của Đặng Phong dù đã được báo trước nhưng vẫn gây cảm giác hụt hẫng cho những người yêu mến ông và tác phẩm của ông: Từ đây, lĩnh vực lịch sử kinh tế của Việt Nam có một khoảng trống lớn tạm thời chưa thể được lấp đầy.

ĐOAN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm