Tự truyện Trần Văn Khê: Những câu chuyện từ trái tim

Từ nhỏ, ý chí đã giúp Giáo sư Trần Văn Khê “Vượt khỏi bóng mây buồn tuổi thơ mồ côi”. Ông mất mẹ từ năm lên chín. Một năm sau, cha lại qua đời nên ông đã có ý thức tự lập từ nhỏ. Ý chí đã biến hoàn cảnh côi cút của ông trở thành “cơ hội đáng quý để tôi tự tôi luyện bản thân”. Nhờ có ý chí, Giáo sư Trần Văn Khê vẫn minh mẫn đến tận nay, sắp sinh nhật thượng thọ lần thứ 90 của ông sau khi chiến thắng mọi bệnh tật bằng tinh thần lạc quan, kiên trì luyện tập. Giáo sư kể có thời điểm mỗi ngày ông phải tập cả trăm động tác để chống bệnh thấp khớp toàn thân nên cũng thấy ngán. Ông bèn đặt ra bốn câu thơ để vừa tập vừa đọc: “Ta tự căng cột sống/ Sắp lại các đốt xương/ Thần kinh thông bất thống! Ta đi đứng như thường”. Nhờ vậy, ông thấy bớt ngán và còn cảm thấy vui.

Tự truyện Trần Văn Khê: Những câu chuyện từ trái tim ảnh 1

Nhờ ý chí luyện tập, Giáo sư Trần Văn Khê vẫn có thể hòa đờn ở tuổi 90. Ảnh: TRÀ GIANG

Tập sách cũng bày tỏ tình yêu lớn duy nhất trong đời của giáo sư là âm nhạc dân tộc. Ông coi dân tộc như người tình không bao giờ phản bội ông, lúc nào cũng ở bên ông, để từ đó ông thương đất nước, thương con người Việt Nam. Cả đời, lý tưởng của Giáo sư Trần Văn Khê là âm nhạc. Thậm chí nếu phải xa gia đình vì sự nghiệp âm nhạc, giáo sư cũng chấp nhận và coi đó là cái giá phải trả. Quyết liệt từ bỏ mọi hạnh phúc cá nhân để theo đuổi sự nghiệp là một điều người đọc cảm nhận được qua những câu chuyện kể của Giáo sư Trần Văn Khê.

Xen lẫn những câu chuyện nghề là những kinh nghiệm sống của một vị giáo sư đã từng ngoại giao gần khắp thế giới. Ông nhẩn nha kể những cách ứng đối với đời, với người như những chia sẻ chân thành về cách đối nhân xử thế với người trẻ. “Mong các bạn trẻ không coi đây là những “bài học” mà là những lời tâm huyết của một người đi trước, nhắc nhở người đi sau tránh những khó khăn trong cuộc đời” - Giáo sư Khê nhắn nhủ.

Sách do Đào Trung Uyên chấp bút và giữ nguyên phương ngữ rặt Nam Bộ của Giáo sư Trần Văn Khê. Nhờ đó, giọng văn nghe càng gần gũi, thân thiện như bạn đọc đang đối diện với chính vị giáo sư già tâm huyết với âm nhạc quê hương.

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm