TS Trần Trọng Dương: Tiếng Việt 600 năm trước

Sau năm năm miệt mài lao động, mới đây TS Trần Trọng Dương cho ra mắt cuốn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển (NXB Từ điển bách khoa), dựa trên cuốn Nguyễn Trãi quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi - tác phẩm được coi là “Kinh thi của Việt Nam” bởi sự sáng tạo ngôn ngữ bậc thầy, làm giàu đẹp thêm lời ăn tiếng nói của dân tộc. Đáng nói TS Trần Trọng Dương là một người còn rất trẻ, sinh năm 1980.

Thử thách nhiều chiều

. Phóng viên: Hẳn anh đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện cuốn Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, nhất là khi thiếu sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước?

+ TS Trần Trọng Dương: Khó khăn về vật chất là đương nhiên rồi, tôi không muốn nhắc tới. Còn khó khăn về chuyên môn thì đến từ nhiều chiều. Thứ nhất, nếu như Truyện Kiều của Nguyễn Du có hàng chục văn bản gốc thì Quốc âm thi tập chỉ còn một văn bản đầy đủ. Trong khi ngôn ngữ của Truyện Kiều chỉ cách chúng ta quãng 200 năm, còn ngôn ngữ trong Quốc âm thi tập thì cách chúng ta gần 600 năm. Khó khăn thứ hai là về mặt ngôn ngữ, nếu như Truyện Kiều là tác phẩm đỉnh cao để xác định tiếng Việt như là một ngôn ngữ hiện đại thì Quốc âm thi tập lại thuộc về giai đoạn tiếng Việt cổ, tức là giai đoạn tiếng Việt diện mạo rất khác so với ngày nay, rất nhiều từ cổ, ngữ âm cổ hiện nay không dùng nữa.

TS ngữ văn Trần Trọng Dương vốn là người quan tâm sâu sắc văn tự học Hán Nôm, ngôn ngữ học lịch sử, lịch sử cổ trung đại Việt Nam.

Thấu hiểu hơn cái đẹp của tiếng Việt

. Cuốn sách có ý nghĩa nào gần gũi với bạn đọc, thưa anh?

+ Đó là cái đẹp của tiếng Việt. Cái đẹp thể hiện ở những câu, những từ mà chúng ta quen dùng thường ngày nhưng ít ai để ý đến lịch sử của nó. Ví dụ như từ “bia miệng” trong câu “Trăm năm bia đá thì mòn, nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Đó là câu ca dao nhiều người thuộc nhưng lịch sử của từ “bia miệng” thì ít ai để ý đến. Làm từ điển này tôi phát lộ ra là từ thế kỷ 15 cụ Nguyễn Trãi đã sử dụng chữ “bia miệng”: “Để truyền bia miệng kiếp nào mòn. Cao thấp cùng nhau giữ trật còn”. Tôi truy ngược ra nữa thì chữ này dịch từ chữ “khẩu bi” là một công án thiền trong sách Ngũ nguyên hội đăng... Tiếng Hán “khẩu bi” (bia miệng) là một cách nói hình ảnh của sự truyền tụng, ca ngợi của người đời đối với công đức giáo hóa, cứu vớt chúng sinh của một vị thiền tăng. Vào trong thơ Nguyễn Trãi, “bia miệng” cũng mang tính tích cực nhưng chuyển sang ca dao thì lại thành nghĩa tiêu cực, mang ý lời đàm tiếu, dùng để răn đe người đời. Lịch sử của mỗi một từ sẽ làm nên lịch sử của một ngôn ngữ, lịch sử của một ngôn ngữ sẽ làm nên lịch sử của một dân tộc. Cụ thể hơn, lịch sử tiếng Việt sẽ soi sáng lịch sử của dân tộc Việt Nam.

. Qua quá trình khảo cứu, anh nhìn nhận thế nào về cách thức sử dụng tiếng Việt trong tác phẩm của Nguyễn Trãi?

+ Để có một hình dáng như ngày nay, tiếng Việt đã phải trải qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn có nhiều trăn trở, lao động của các nhà văn hóa lớn, ở đây là trường hợp Nguyễn Trãi. Qua khảo sát thơ của cụ, tôi mới thấy ở thế kỷ 15 cụ đã có ý thức rất rõ ràng về xây dựng ngôn ngữ dân tộc. Chẳng hạn thơ Đường luật nhưng cụ lại lấy rất nhiều ca dao tục ngữ, đưa nhiều hình ảnh thơ ca ngôn ngữ dân tộc hay nguồn văn hóa dân gian vào đó. Cụ còn có ý thức chuyển tải lớp văn hóa của Đông Á các tri thức tư tưởng của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo, Pháp gia, Mặc gia vào ngôn ngữ tiếng Việt. Chính cách làm như thế làm cho tiếng Việt trưởng thành phong phú hơn về mặt từ vựng và được nâng cấp về nội hàm biểu đạt.

Ngôn ngữ là căn cước của một dân tộc

. Học giả Phạm Quỳnh từng nói: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn”, còn theo anh, điều gì làm nên sự trường tồn bền bỉ của tiếng Việt như lịch sử đã chứng minh?

+ Theo tôi thì yếu tố trường tồn cũng như làm phong phú tiếng Việt khi bản thân tiếng Việt phải là ngôn ngữ mẹ đẻ của một số lượng lớn các dân tộc cư trú trên lãnh thổ này. Nó đủ mạnh để cho những luồng văn hóa ngôn ngữ khác dù có cố gắng xóa bỏ nó, cạnh tranh với nó cũng không thể tiêu diệt được nó. Theo tôi hiểu thì ý của Phạm Quỳnh nói rằng “tiếng Việt còn thì người Việt còn”. Sẽ chẳng có ai được coi là người Việt nếu không biết nói tiếng Việt. Dòng máu là chỉ dấu cho ADN, còn ngôn ngữ là căn cước của một dân tộc.

. Sau Nguyễn Trãi quốc âm từ điển, anh còn có dự định nào dành cho tiếng Việt?

+ Cuốn sách lần này tôi coi như là một “hố” khảo cổ ngôn từ để chúng ta hiểu được tiếng Việt cách nay gần 600 năm và nó sẽ là cơ sở để tôi biên soạn Nguồn từ tiếng Việt - một cuốn từ điển khác khoảng 2.000 trang sưu tầm toàn bộ ngữ liệu của hàng trăm danh nhân nổi tiếng từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 20.

. Xin cảm ơn anh.

VIẾT THỊNH thực hiện

GS-TS Vũ Đức Nghiệu: Công trình có độ tin cậy cao

Về bản chất, đây là cuốn từ điển tác phẩm. Trên thế giới và ở nước ta đều đã có những từ điển của một số tác phẩm (ở ta có từ điển Truyện Kiều chẳng hạn). TS Trần Trọng Dương làm cuốn này kỳ công lắm. Tôi hiểu nhưng không lường được bao nhiêu công sức anh ấy đã phải đổ ra. Lại khổ vô cùng vì rất “khó nhằn” nên chẳng mấy ai muốn làm đâu. Tôi có biết vài ba người rất có kinh nghiệm đã định làm từ điển này từ lâu nhưng chưa thành.

Tôi rất trân trọng Nguyễn Trãi quốc âm từ điển. Tôi không nói rằng đây là công trình nghiên cứu hoàn hảo nhưng tôi đánh giá rất cao vì nó được thực hiện rất nghiêm túc, cẩn thận; và quan trọng nhất là về mặt khoa học, nó có độ tin cậy cao. Các nghiên cứu về văn học cổ, về ngôn ngữ, văn tự, văn hóa, ngữ văn Việt Nam... đều có thể dùng công trình này như một nguồn, một công cụ tra cứu rất tiện dụng, hữu ích và tin cậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm