Tác phẩm phái sinh: Còn nhiều cách hiểu

Trên số báo ngày 8-5, Pháp Luật TP.HCM có bài viết Ồ ạt xuất bản sách hết thời hạn tác quyền. Bài viết đề cập đến việc hiện nay là thời điểm rất nhiều sách văn học của các tác giả nước ngoài hết thời hạn bảo hộ tác quyền theo Công ước Berne. Đây là mỏ vàng cho nhà xuất bản, tuy nhiên nếu các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách không cẩn thận trong các bản dịch thì tác phẩm họ có khả năng phạm luật.

Dịch không khéo sẽ phạm luật

Theo Công ước Berne, tác phẩm hết thời hạn bảo hộ quyền tác giả sau 50 năm hoặc 70 năm (tùy theo quy định cụ thể của từng quốc gia), kể từ ngày tác giả mất. Tuy nhiên, các đơn vị phát hành đừng lầm tưởng rằng hết thời hạn bảo hộ thì muốn làm gì thì làm.

Thực tế, Công ước Berne lẫn Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định tác phẩm dịch được coi là tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc. Luật này cũng quy định tác phẩm phái sinh sẽ được bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.

Ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết: “Tác phẩm dịch phải tuân thủ theo tác phẩm gốc. Với những tác phẩm hết thời hạn tác quyền là chỉ hết phần quyền tài sản (tức các đơn vị phát hành sách trong nước không cần trả phí tác quyền cho tác giả - PV) nhưng quyền nhân thân vẫn phải đảm bảo. Ví dụ, không được xuyên tạc, cắt xén tác phẩm, đảm bảo toàn vẹn tác phẩm, phải ghi tên tác giả… là bảo đảm quyền nhân thân”.

Các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách trong nước khi không trả phí tác quyền và ồ ạt xuất bản sách hết thời hạn tác quyền phải chú trọng việc chọn lựa tác phẩm dịch tốt, không sai để tránh vi phạm quyền nhân thân của tác giả.

Tác phẩm phái sinh: Còn nhiều cách hiểu ảnh 1

Hạt cơ bản, Bản đồ và vùng đất, Lolita, Những thứ họ mang… là những tác phẩm dịch tạo tranh cãi trong thời gian qua. Ảnh: QT

Tác phẩm phái sinh tác quyền thuộc ai?

Tác quyền tác phẩm gốc thì không khó để thực thi nhưng với tác quyền tác phẩm phái sinh vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Theo ông Phạm Sỹ Sáu, đại diện NXB Trẻ, thì “khi tác phẩm hết thời hạn bảo hộ tác quyền dành cho tác giả (tác phẩm gốc) thì dịch giả mới có quyền. Và dịch giả cũng có quyền như tác giả gốc theo Berne (sau 50 năm hoặc 70 năm kể từ ngày dịch giả mất - PV). Còn với tác phẩm còn quyền tác giả thì về cơ bản dịch giả không có quyền gì hết. Tác phẩm dịch lúc đó chỉ là tác phẩm phái sinh được tác giả gốc cho phép đơn vị mua bản quyền chuyển ngữ. Lúc này, đơn vị nắm được bản quyền phát hành sách trong nước lẫn dịch giả chỉ là người “làm thuê” cho tác giả gốc. Tác giả gốc mới là người nắm bản quyền chính thức bản dịch chứ không phải dịch giả!”.

Ông Phạm Sỹ Sáu còn cho biết một số tác giả gốc chỉ cho đơn vị nhượng quyền được làm sở hữu quyền trong thời gian nhất định. Và trong thời gian nhượng quyền, bản quyền của tác phẩm tiếng Việt vẫn thuộc về tác giả gốc, dịch giả chỉ là người chuyển ngữ.

Ngược lại cách hiểu của ông Phạm Sỹ Sáu, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty First New, ví von “dịch giả giống người nặn tượng, 100 người nặn tượng có tượng đẹp, tượng xấu nhưng 100 người đó đều là tác giả của mỗi tác phẩm của họ”.

Theo ông Phước, công sức người dịch cũng là công lao động nên họ có quyền sở hữu bản dịch. “Nếu tác giả gốc mất thì tác phẩm dịch vẫn còn được bảo hộ của dịch giả, ngay cả người họa sĩ thiết kế bìa, biên tập viên… vẫn còn quyền”.

Dù còn tranh cãi xung quanh việc tác quyền tác phẩm phái sinh nhưng quan trọng nhất, với tác phẩm dịch là phải đảm bảo được sự toàn vẹn của tác phẩm trong quá trình chuyển ngữ. Nói như ông Vũ Ngọc Hoan thì “khi tác phẩm gốc đã hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản trong quyền tác giả thì việc vi phạm quyền nhân thân cơ quan quản lý rất khó thẩm tra. Thế nhưng các nhà làm sách hãy chú ý, chưa cần đến cơ quan quản lý, chính độc giả sẽ là người phát hiện ra những sai sót. Độc giả bây giờ rất nhiều người đọc tác phẩm gốc và so sánh với bản dịch. Thế nên, không phải không trả phí tác quyền thì muốn làm gì thì làm”.

Dịch thuật văn học: Phục tùng hay sáng tạo ?

Buổi tọa đàm với chủ đề “Dịch thuật trong thực tế xuất bản” (diễn ra vào ngày 8-5 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội) tiếp tục đặt ra thực tế lựa chọn của dịch giả trước vấn đề dịch thuật: Tôn trọng tuyệt đối văn bản của tác giả hay sáng tạo để phù hợp với văn hóa tiếp nhận của bạn đọc bản địa. Đó có lẽ cũng là vấn đề mấu chốt liên quan đến những tranh cãi chưa có hồi kết về một số câu trong cuốn Những thứ họ mang (nguyên tác The things they carried - Tim O’Brien) với bản dịch của Trần Tiễn Cao Đăng, do Nhã Nam liên kết cùng NXB Văn học xuất bản. 

Một diễn giả chứng minh việc dịch thuật đang được công chúng rất quan tâm bằng lập luận: Công chúng còn chịu chê các bản dịch tức là họ còn chịu khó đọc. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế, không phải công chúng nào ở nước ta khi chỉ trích về một cuốn sách dịch chưa đúng, thậm chí là dung tục cũng đều đã đọc qua tác phẩm. Có bạn đọc bày tỏ phản ứng của mình đơn giản chỉ bằng một trích dẫn trên mạng từ một bạn đọc khác vô tình “vấp phải sạn”.

Dịch giả lão làng Lê Hồng Sâm thừa nhận kể cả các bậc tiền bối trước kia cũng có sai sót trong các bản dịch của mình, dù đôi khi chỉ sót một chữ nhưng cũng cho thấy việc dịch không thể có được một sản phẩm tuyệt đối.

TS, dịch giả Nguyễn Duy Bình đánh giá một bản dịch thường có ba cấp độ: Chính xác và hay; chính xác nhưng không hay; hay nhưng không chính xác. Ba cấp độ này có thể cùng tồn tại trong một bản dịch.

Chia sẻ quan điểm của một học giả người Đức rằng dịch thuật là “nghệ thuật của sự chính xác”, dịch giả Trịnh Lữ cho rằng một bản dịch đúng, dịch chính xác chỉ nên dành cho những lớp đào tạo, dịch văn bản hành chính, pháp luật… mà thôi. “Nhiều người đọc đòi hỏi chất lượng tác phẩm dịch phải cao, nhiều khi độc giả đòi hỏi cao quá mức. Nhưng họ quên mất tác phẩm dịch còn mang văn phong, cảm thụ của người dịch” - dịch giả Trịnh Lữ giãi bày.

So sánh dịch giả như một nghệ nhân, dịch giả Lương Việt Dũng tự nhận mình cũng có những lỗi sai trong văn bản dịch nhưng đó không phải là sai do thái độ thiếu cẩn trọng mà vì bản thân người dịch không sinh ra, không thấm đẫm văn hóa, ngôn ngữ bản địa của người viết nên không chuyển tải được một cách đầy đủ ý người viết.

Dịch giả Đặng Thị Hạnh cùng với việc mong mỏi độc giả không nên quá hoang mang hoặc cực đoan và quay lưng với bản dịch, nên có cái nhìn tác phẩm trong toàn bộ tổng thể, không nên chỉ vì một vài tiểu tiết mà phủ nhận công sức dịch giả.

VIẾT THỊNH

Nhiều tác phẩm dịch từng gây tranh cãi trong nước như Bản đồ và vùng đất và Hạt cơ bản (tác giả: Michel Houellebecq, dịch giả: Cao Việt Dũng); Những thứ họ mang (tác giả Tim O’brien, dịch giả: Trần Tiễn Cao Đăng; Lolita (tác giả: Vladimir Nabokov, dịch giả Dương Tường)… Ranh giới giữa đúng, sai trong dịch thuật không chỉ là vấn đề cần tranh luận trong giới dịch thuật mà việc dịch không làm sai lệch tác phẩm cũng giúp thực thi tốt việc bảo hộ quyền tác giả.

QUỲNH TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm