Những viên gạch hoa đã tuyệt chủng

Thật sự cũng có nguyên nhân. Chiếc giếng cũ đã hơn 40 năm ở đấy, mưa, nước ngầm xói hàm ếch và “ bùm!”.

Người bạn văn Nguyễn Quang Lập bảo rằng đời người xây nhà có nhiều thì cũng chỉ hai lần. Xây nhà là việc quan trọng ghê gớm, ngoài vấn đề tiền bạc, nó làm tổn hao tâm lực vì ngôi nhà là chuyện của hàng chục năm sau nữa, không phải là hôm nay. Thế mà anh xây nhà đến… năm lần trong đời rồi đấy. Khi định cư ở ngôi nhà cuối tại Sài Gòn, nhìn lại đã gần hết một đời người. Nhân chuyện nhà cửa lại nhớ một “chuyện nhà”.

Khi tôi về cư ngụ, ngôi nhà hương hỏa này tuổi đã hơn nửa thế kỷ. Nó được làm đơn sơ nhưng chỗ nào cũng nắng gió, chỗ nào cũng có thể nhìn ra sân vườn. Nó như ngôi nhà nghỉ ngay giữa cái xóm ngõ quanh co bình dân này. Và cái ngộ nghĩnh là những ô gạch hoa, nó đủ thứ kiểu hoa văn, nghĩa là… hầm bà lằng. Sao bố vợ tôi, người học bên Tây, kỹ sư công chánh từng dạy nhiều thế hệ của trường Kiến trúc Sài Gòn thời xưa lại làm nhà với đủ thứ gạch bông thế nhỉ?

Thì ra đấy là câu chuyện thầy trò.

Ông kỹ sư họ Lục có rất nhiều học trò, dạy học lâu năm. Cuộc sống của ông vì đông con nên chỉ vừa đủ, có thể gọi là thanh bạch. Ông có một chiếc xe hơi cũ làm phương tiện đi lại, đất nhà thì rộng nhưng ngôi nhà khi cần sửa chữa, xây dựng lại cho con cái ở cũng là vấn đề phải tính toán. Học trò ông ra trường làm việc, nghe thầy xây sửa nhà cũ, mỗi người một tay góp gửi vật liệu cho thầy. Những viên gạch bông đủ thứ hoa văn này chính là quà tặng của học trò dành cho thầy cũ của mình. Thời ấy nó là sản phẩm hàng đầu được làm thủ công từng viên mà nay kỹ thuật và những lò gạch ấy đã hoàn toàn tuyệt chủng. Có lẽ ta sẽ chỉ thấy nó còn lại trong những ngôi nhà kiểu Pháp trong phim, trong bưu ảnh hôm nay.

Những viên gạch hoa đã tuyệt chủng ảnh 1

Cái nền nhà gạch bông đủ kiểu hoa văn ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ngôi nhà tôi ở. Càng lâu năm càng bóng láng, khi đi làm về, tháo giày bỏ chân trần đi lại trên nền gạch hoa ấy mới thấy cái mát rười rượi từ bàn chân loang đi cả người.

Chuyện học trò và những viên gạch bông ấy sẽ đọng lại bằng hình ảnh một học trò già hơn nửa thế kỷ đi tìm thầy cũ mà tôi đã từng kể lại cũng ở tờ báo xuân này vài năm trước. Sau nửa thế kỷ thất lạc vì mưu sinh, chiến tranh, một ngày mùng ba tết trước cổng nhà tôi có một ông cụ đứng nhìn vào, bấm chuông và rụt rè hỏi “Có phải nhà thầy Sáu?”. Ông vào thắp nhang cho cụ kỹ sư họ Lục mà mắt rưng lệ. Thì ra bao nhiêu năm qua ông vẫn đi tìm nhà cũ của thầy mà cảnh vật đổi thay tưởng đã vô vọng. Một tết nọ ông đi qua đây, nhìn thấy bàn thờ có hình người thầy mà chính tay ông vẽ ngày xưa cùng những ô gạch hoa cũ trong đấy có ông gửi tặng. Ba cái tết sau đó, cứ mùng ba, người học trò cũ đã trên 80 tuổi lại đến thắp nhang cho thầy cũ của mình theo lệ “mùng ba tết thầy”.

Chỉ vài năm vừa qua không còn thấy ông cụ đến nữa. Tôi đoán ông tuổi cao sức yếu chắc cũng đã theo thầy mình nhưng cái tình thầy trò ấy để lại cho chúng tôi, những người đang ở trong ngôi nhà này hôm nay một bài học lễ và nghĩa vô cùng lớn lao, cảm động.

Xưa, thầy dạy học trò ra sao mà cái nghĩa cứ theo suốt đời thế nhỉ?

Rồi cái sàn gạch hoa hơn nửa thế kỷ qua cứ âm thầm sáng bóng trong nhà. Năm sau, ngôi nhà hương hỏa được bàn tính, con cái góp tay xây sửa lại khang trang hơn. Mỗi người một ý kiến, phần tôi chỉ duy nhất xin giữ lại một khoảnh những viên gạch hoa cũ cho nơi thờ tự ông bà và “cụ Sáu”. Chỉ một góc ấy thôi.

Để những viên gạch hoa tình nghĩa thầy trò mãi mãi như một trang giáo khoa thư chưa từng có về đạo nghĩa thầy trò.

Để những ngày tết, khi thắp nhang cho ông bà, cha mẹ mình, tôi cũng sẽ có thêm một nén nhang thơm cho người học trò cuối cùng của cụ Sáu cũng đã khuất bóng: cụ Thi!

ĐỖ TRUNG QUÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm