Những người hào kiệt dung dị

Bởi đây là một tập truyện nên người đọc có quyền chọn truyện nào mà nhìn cái tựa đoán có vẻ hay hay thì đọc trước. Tim tôi rung lên khi nhìn thấy cái tựa truyệnChú bé Cả Xên - quật khởi. Vậy là tôi bập vào say sưa đọc như đã từng làm cách đây hơn 20 năm, khi còn là cậu bé tiểu học. Lúc ấy, truyện này được in hẳn thành cuốn riêng, hình như có cả tranh minh họa, rất phù hợp cho lứa tuổi học trò.

1. Truyện viết về chú bé Cả Xên, tức anh hùng lực lượng võ trang giải phóng miền Nam Nguyễn Văn Quang sau này. Cha mẹ bị Tây giết, chú phải về ở với người cô, lưng nằm chưa ấm đã phải đi ở đợ để trả nợ cho cô. Hành động “hào kiệt” đầu tiên là trước khi đi ở đợ, chú cởi cái quần cộc duy nhất ra cho thằng bé Còn, đứa em con cô cậu của chú. Số phận đẩy đưa, chú lại về ở đợ cho Tư On, tên nhà giàu “thân Tây” tàn ác. Con giun xéo lắm cũng oằn, nhiều lần chú sử dụng chiếc ná giàn thun để chống lại bọn cường hào ác bá…

Có thể nói cậu bé nông thôn nào từng đọc truyện này đều ít nhiều nhìn thấy hình ảnh của mình trong đó, ít nhất là cái khoản sử dụng ná giàn thun để bắn chim, bắn chuột. Nhưng chuyện chú bé Cả Xên không chỉ là chiếc ná giàn thun. Sau khi đe dọa được tên chủ Tư On, Cả Xên còn dấn tới trừng trị cả vợ Tư On để dằn mặt chuyện mụ hành hạ người ăn, kẻ ở... Sau vụ này, Tư On canh me giáng đòn trí mạng khiến Cả Xên thừa sống thiếu chết. Tỉnh dậy, chú ráng lết bỏ trốn khỏi nhà Tư On rồi đi theo cách mạng và trở thành anh hùng.

Trong truyện, tôi thích nhất đoạn phản kháng một cách “tự phát” của Cả Xên. Đoạn này có câu lý giải sự vùng lên của chú khiến tên chủ phải thoái lui, nhường bước như sau: Sự phẫn nộ của lòng căm thù còn dữ dội gấp nghìn lần cơn điên tiết của một kẻ cướp. Đó cũng là cách lý giải của tác giả, nhà văn - Đại tá Minh Khoa về sức mạnh chiến thắng kẻ thù của cả dân tộc này. Và đó cũng là sợi chỉ xuyên suốt tập truyện.

2.Nhưng tập truyện không chỉ hấp dẫn ở mỗi chuyệnChú bé Cả Xên. Những người hào kiệtcủa Minh Khoa là tập hợp những câu chuyện về các anh hùng, dũng sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hình ảnh của họ hiện lên rỡ ràng trên từng trang văn với các chi tiết sống động, đời thường. Đó có thể là những anh hùng đã lưu danh như anh hùng Huỳnh Văn Đảnh ở Long An, với 20 viên đạn đã chặn đứng một tiểu đoàn địch (truyệnMột viên đạn một quân thù); là những người nông dân bình dị đứng lên chống lại quân xâm lược như ông Bảy Đờn lấy cái chết bảo vệ người cách mạng (truyện Một tiếng đờn kìm) hoặc ông Sáu Thìn chống lại quân thù bằng cây tầm vông (truyện Bông nở ngày)…

Dù ở vị trí, cương vị nào, hành động của họ đều toát lên khí phách hiên ngang của một dân tộc anh hùng. Tính hào kiệt ấy được làm nên từ chính những con người bình thường, dung dị trong cuộc sống hằng ngày. Nó phảng phất tính cách hào sảng, bộc trực, nói đi đôi với làm của người Nam Bộ như Lục Văn Tiên “giữa đường gặp chuyện bất bằng chẳng tha”…

Từng là thành viên Hội đồng Tuyển chọn anh hùng, dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất (tháng 5-1965), tác giả có điều kiện tiếp xúc với nhiều tấm gương anh hùng bằng xương bằng thịt. Đó chính là lợi thế khiến truyện của ông đậm chất hiện thực, có sức lôi cuốn và hấp dẫn cao. Sách được NXB Văn hóa - Văn nghệ tái bản trong dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam nên càng thêm ý nghĩa.

BÌNH NGÔ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm