Những lá thư thời lửa đạn

Cả hai tác phẩm này đều là những tâm tình dâng hiến của cái tôi trữ tình cá nhân và cái tôi xã hội công dân với lý tưởng, với cuộc đời và quan trọng nhất, với những người yêu thương.

Những lá thư thời lửa đạn ảnh 1

Thư của ông Huỳnh Tấn Phát và ông Lê Chí Nhân -Ảnh: Thanh Đạm

Những lá thư thời mưa bom, lửa đạn còn tạo được sự rung cảm nơi người đọc vì những cảm xúc thật đến tận cùng của người viết trong hoàn cảnh khắc nghiệt, giữa lằn ranh mỏng manh sống chết. Những lời tâm tình với người thân, sự quyết tâm với lý tưởng cách mạng và con đường chiến đấu được thốt ra đầy tình cảm ấy đã được kiểm chứng bằng chính những hiểm nguy mà họ phải đối diện. Đó là sự bảo đảm bằng máu! Vì thế mà nó thật và nó làm rung động trái tim độc giả.

Không cầu kỳ chữ nghĩa, chẳng tu từ hay màu mè, chỉ có những tâm tình rất thật, rất cảm động. Đó là những tình cảm gia đình thiêng liêng khôn tả: một người cha (ông Lê Chí Nhân) phải “bật hộp quẹt lên cho sáng để nhìn rõ mặt hai con” một cách vội vã vì sợ bị giặc phát hiện, cũng người cha ấy đã “để hình ảnh của ba con và mẹ con trong túi áo” để “khi đêm tối, khi vắng vẻ, cha cứ lấy ra và nhìn, để lên môi hôn và nước mắt cha cứ trào ra”; một người anh (nhà thơ Lê Anh Xuân) nhắn gửi người em trai qua bức thư gửi cha mẹ: “Con nhớ em Thắng lắm... Nó ít nói nhưng tâm hồn nó dễ xúc cảm và suy nghĩ. Cho con ôm hôn em Thắng nhiều cái”...

Đó là tình vợ chồng phải xa cách, trong cảnh chăn đơn gối chiếc giữa bom đạn mà không thôi da diết nhớ về nhau và gửi cho nhau những “bí quyết” chăm sóc bản thân khi không có người thương bên cạnh, như thư của ông Huỳnh Tấn Phát gửi vợ: “Anh lo nhất là chân em lạnh không ngủ được nên anh sửa soạn hiến kế cho em là làm như anh: đút chân vô hai ống quần nếu em không còn đôi vớ” hay: “Đêm hơi lạnh..., anh hơi khó ngủ hơn trước, không phải vì lạnh mà vì nhớ em nhiều và cũng có những mùa lạnh khác có anh có em thì cũng đỡ lạnh lưng cho em...”.

15 tác giả của hơn 40 lá thư đặc biệt này là 15 hoàn cảnh tương đồng trong chiến tranh nhưng khác biệt thời hậu chiến: có người đã hi sinh anh dũng, có người còn sống nhưng đầy thương tích, cũng có người may mắn hơn khi đoàn tụ gia đình... nhưng những bức thư của họ sau bao nhiêu năm tháng vẫn mang lại những giá trị tinh thần đáng trân trọng với độc giả hiện nay.

Như một lời nhắc nhở: có một thời mưa bom bão đạn vẫn không vùi dập được những giá trị thiêng liêng như tình yêu, tình chồng vợ, tình mẹ con...; tại sao hôm nay những giá trị ấy lại đang xuống dốc và thậm chí có không ít những trường hợp suy vi đáng báo động dù những khắc nghiệt và chia cách đã không còn?

Những lá thư thời lửa đạn ảnh 2

Sách do Sở VH-TT&DL, Bảo tàng tỉnh Bến Tre thực hiện - Ảnh: Minh Đức

Hôm nay 26-10, ấn phẩm Những lá thư thời mưa bom, lửa đạn chính thức ra mắt tại Bảo tàng Bến Tre và sẽ lưu hành trong các thư viện và trường học.

Bà Phạm Thị Lan, phó giám đốc Bảo tàng Bến Tre, cho biết năm 1981 khi Bảo tàng Bến Tre mới thành lập, những cán bộ làm công tác sưu tầm hiện vật của những vị anh hùng cách mạng đã tìm đến gia đình của những vị này, thuyết phục họ chuyển giao hiện vật, trong đó có những lá thư viết trong thời chiến. Bà Lan cũng tự đi sưu tầm khá nhiều thư, trong đó có thư của nguyên phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát và phu nhân Bùi Thị Nga.

Gần 200 lá thư đã được bà Lan và những cán bộ của Bảo tàng Bến Tre sưu tầm trong hơn 30 năm qua. “Việc trưng bày những lá thư trong bảo tàng không thể nào giới thiệu rộng rãi ý nghĩa của các lá thư đến nhiều người được. Đồng thời, cũng rất khó giữ trọn vẹn những lá thư đó qua thời gian. Vì thế, ấn phẩm Những lá thư thời mưa bom, lửa đạn sẽ là cách tốt để các thế hệ hiểu rõ hơn về thời kỳ chống Mỹ ác liệt của quân và dân ta” - bà Lan tâm sự.

Các lá thư khi đưa vào ấn phẩm được đánh máy lại nguyên văn, những chỗ viết tắt, sai lỗi chính tả vẫn được giữ nguyên, chỉ kèm theo chú thích và ở phần cuối quyển sách là một vài bức thư được scan lại. “Mình không dám sửa vì có những từ viết tắt mà chính tác giả cũng không nhớ đó là nội dung gì. Nếu mình sửa thì phải sửa đồng loạt, nếu chỗ nào biết sửa lại còn chỗ nào không biết thì không sửa sẽ thiếu sự tôn trọng tác giả” - bà Lan nói.

Hiện bảo tàng đã phát hành 1.000 bản để tặng gia đình của chủ nhân những bức thư, một số đại biểu đến dự buổi ra mắt tác phẩm và các trường học trong tỉnh.

THÚY HẰNG - SƠN LÂM

Theo HỒNG HẠNH (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm