Nhập siêu sách thiếu nhi - Kỳ 1: Rẻ như... sách Trung Quốc

Nhập siêu sách thiếu nhi - Kỳ 1: Rẻ như... sách Trung Quốc ảnh 1

Trang 16 cuốn sách phát triển 3Q Những câu chuyện phiêu lưu kỳ thú kèm trò chơi bóc dán của NXB Kim Đồng có in hình xe cứu thương 120 (số gọi khẩn cấp của Trung Quốc) - Ảnh: THANH ĐẠM
Một bạn đọc đã gửi đến danh mục hơn 500 đầu sách thiếu nhi đang lưu hành trên thị trường, trong đó hầu hết là sách dịch, nhiều hơn cả là dịch từ Trung Quốc với các NXB: Triết Giang, Hunan Juvenile & Children’s Publishing House, Trung Quốc, An Huy, Yunnan Aurora Publishing House, Sichuan Art Publishing House, Jilin Fine
Arts Publishing House, Tứ Xuyên...

Có thể nói không ngoa rằng các đơn vị làm sách thiếu nhi của Việt Nam đều từng mua bản quyền từ Trung Quốc. Thậm chí thị trường ghi nhận có những đơn vị chuyên mua tác quyền và dịch các sách Trung Quốc để phát hành tại Việt Nam.

"Ðiều này là bình thường kể từ khi Việt Nam gia nhập Công ước Berne về quyền tác giả. Việc mua bán tác quyền với các nước cũng là một nội dung hội nhập, vì ta có thể học hỏi họ về cách làm sách, và các nước đã đi trước ta rất xa về công nghệ làm sách thiếu nhi. Thế nhưng, nếu một nền xuất bản mà ai ai cũng mua tác quyền trong khi sách nội địa không có mấy thì lại là không bình thường" - ông Cao Xuân Sơn, giám đốc chi nhánh NXB Kim
Ðồng tại TP.HCM, nhận định.

Nhưng điều không bình thường ấy lại đang được nhân rộng khắp thị trường sách Việt Nam. Bên cạnh các dòng sách cho người lớn tràn ngập sản phẩm từ Trung Quốc, các sách thiếu nhi từ truyện, tranh truyện đến sách tham khảo, sách rèn luyện kỹ năng... cũng nhập từ Trung Quốc.

Ðiều này bắt nguồn từ thực tế thị trường: cách thức giao dịch với Trung Quốc giản đơn, nhanh gọn, đặc biệt là Trung Quốc bán bản quyền sách rẻ hơn hẳn so với các nước Âu - Mỹ. Ðiều này đóng vai trò quyết định với việc mua tác quyền sách từ bên ngoài. Bởi với các NXB Âu - Mỹ, khi quyết định bán bản quyền cho một đơn vị nào họ đều tìm hiểu kỹ, đánh giá mức độ hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh rồi mới quyết định giao dịch tác quyền. Trong khi với các NXB Trung Quốc, họ chào hàng vô vàn sách với giá cực rẻ, thông thường là rẻ hơn 50% so với các sách Âu - Mỹ, chỉ cần gật đầu đồng ý mua là ký hợp đồng và họ gửi ngay bản thỏa thuận tác quyền có đóng dấu Trung Quốc. Sản phẩm
giao dịch là đĩa chứa file sách.

Với các sách thiếu nhi có nhiều hình ảnh, nhất là sách mảng khoa giáo, việc mua từ Trung Quốc như vậy xem như người mua không mất công thiết kế, dàn trang mà có thể chuyển ngữ ngay trên file và cho vào máy in ngay. Chính cách làm "ăn liền" này đã khiến những lỗi kỹ thuật kiểu cờ Trung Quốc vẽ trên cổng trường đã không được các nhà làm sách Việt Nam phát hiện và chỉnh sửa.

Nhưng không chỉ có Trung Quốc, sách thiếu nhi Việt Nam còn tràn ngập sản phẩm từ nhiều nước khác. Thống kê của hệ thống phát hành Fahasa cho thấy top 20 đầu sách thiếu nhi bán chạy nhất là từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ (Disney)
với các dòng truyện tranh.

Bên cạnh việc nhập khẩu các danh tác nước ngoài cho thiếu nhi Việt Nam "hội nhập", vấn đề tổ chức bản thảo các sách thiếu nhi thuộc nội dung khoa giáo như các sách rèn luyện kỹ năng cho trẻ mầm non, tiểu học, các sách kỹ năng sống và trau dồi kiến thức... từ tác giả trong nước luôn là
khoảng trống.

Vì sao rẻ?

Trả lời câu hỏi tại sao Trung Quốc bán bản quyền sách rẻ, ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc Công ty Trí Việt - First News, cho biết thật ra Trung Quốc hiện có hai loại tác quyền sách: những sách do Trung Quốc sáng tác và những sách do Trung Quốc dịch lại của Âu - Mỹ. "Tại các hội chợ sách quốc tế, những sản phẩm sách của người Trung Quốc thì họ bán giá đắt tương đương Âu - Mỹ, nhưng bên cạnh đó với các sách dịch từ Âu - Mỹ thì họ bán cho Việt Nam với giá rất rẻ" - ông Phước ghi nhận.

Việc bán rẻ như vậy là do Trung Quốc không tuân thủ Luật sở hữu trí tuệ, bởi khi mua tác quyền một quyển sách tiếng Anh, Trung Quốc chỉ có quyền dịch sang tiếng Trung và phát hành. Việc bán bản dịch tiếng Trung như một sản phẩm phái sinh của bản gốc tiếng Anh để dịch sang một thứ tiếng khác là không thuộc quyền của Trung Quốc, vì chủ sở hữu nguyên tác vẫn giữ quyền sở hữu hợp pháp bản dịch. Ðơn cử trường hợp NXB Trẻ hợp đồng với tác giả J. K. Rowling khi dịch và phát hành Harry Potter tại Việt Nam: dịch giả Lý Lan là người giữ quyền được dịch, NXB Trẻ giữ quyền phát hành bản dịch, và bà Rowling vẫn giữ quyền sở hữu bản Harry Potter tiếng Việt.

Thế nhưng, trong danh mục các sách thiếu nhi đang phát hành tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc, hiện có rất nhiều sách vốn do Trung Quốc dịch lại từ các nước khác.

Theo LAM ĐIỀN (TTO) 
_________________

Kỳ 2: Sứ mệnh từ nội địa

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm