Nhà văn Nguyễn Minh Sơn: "Tôi đặc biệt say mê núi rừng"

Nhà văn Nguyễn Minh Sơn: "Tôi đặc biệt say mê núi rừng" ảnh 1

Nhà văn Nguyễn Minh Sơn - Ảnh CTV

Sau Quán rượu cao bồi in năm 2006, Nguyễn Minh Sơn vừa cho ra mắt Lãnh địa mèo rừng... Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với anh:

* Trong Lãnh địa mèo rừng, tính hồi ức, tự truyện thấy rõ trong từng truyện, nhưng tính giai thoại, huyền ảo cũng đầy ắp. Dường như trong vai trò người kể chuyện, nhiều khi anh cũng lẫn lộn thực hư?

- Hồi nhỏ tôi sống ở vùng quê miền núi Cà Tang Hạ (Quế Sơn, Quảng Nam - NV), giữa thế giới những câu chuyện truyền kỳ. Chuyện ảo nhưng tôi thấy rất thật vì gắn với từng sự kiện, sự vật và con người cụ thể. Tôi thấy nó rất gần gũi, không hề phi lý hay hoang đường. Khi kể lại chuyện, tôi có cảm giác như một người lữ hành đi theo hình chữ chi dọc biên giới của hai thế giới thực - ảo, hiện tại - hồi ức, thời gian - phi thời gian và sinh - tử nữa. Bạn đọc xâu chuỗi lại có thể thấy phần lớn nhân vật chính của tôi đều chết một cách vô lý trong khi lẽ ra phải được sống.

* Con chó nhứt, con trâu xanh, con sói đỏ, con ong chúa, con mèo rừng... - từng con vật làm nhân vật chính trong từng truyện ngắn của anh. Có lẽ anh muốn mượn thế giới loài vật để nói về thế giới loài người?

- Những con vật trong truyện không vượt ra ngoài trải nghiệm riêng của tôi. Gần gũi và chịu khó quan sát những con vật đó, chúng ta có thể học được những tập tính và đức tính hay ho. Giữa một thế giới đầy phản trắc nên học sự trung thành của con chó, tính nhẫn nại của con trâu, sự khôn ngoan, dũng mãnh của con sói hay tổ chức khoa học của loài ong... Tôi không dám chắc nhưng tùy cảm nhận của bạn đọc mà có thể hiểu và liên hệ những ẩn dụ đó.

* Suốt tuổi thơ sống ở rừng núi, sau này làm báo chuyên mảng ký sự đường rừng, anh có thể nói gì về sự trải nghiệm với thiên nhiên?

- Làng Trung Phước, trong đó có phái Cà Tang là nơi sinh ra các nhà thơ Tường Linh, Tạ Ký. Ðây cũng là nơi tản cư suốt một thời gian dài của các thi sĩ Tú Quì, Bùi Giáng, giáo sư Hoàng Châu Ký... Thung lũng sau lưng khu di tích Mỹ Sơn có núi Cà Tang, theo nhà thơ Tường Linh trong tiếng Chăm có nghĩa là "vách nhà", là hậu cứ của vương quốc Champa và còn là nơi sinh ra danh sĩ nổi tiếng Quảng Nam: cụ phó bảng Nguyễn Ðình Hiến. Khởi nghiệp Cần Vương, Nguyễn Duy Hiệu cũng đặt đại bản doanh tại đây...

Tôi có may mắn sinh ra và lớn lên ở núi rừng, gắn bó cuộc sống với rừng nên đặc biệt say mê rừng núi. Ở làng tôi miếu thờ lớn nhất là miếu sơn thần. Người ta thuận theo thiên nhiên như một tôn giáo. Cái đó tôi dám chắc là do kinh nghiệm sinh tồn của cha ông để lại. Còn bây giờ thì quá buồn... Con người trở nên thực dụng và bất chấp.

Tập truyện ngắn chia làm hai phần: Bốn mùa giữ trâu (10 truyện) và Câu chuyện giữa rừng (4 truyện). Với giọng văn giản dị, thâm trầm, cách dùng phương ngữ vùng Quảng Nam nhuần nhuyễn, Nguyễn Minh Sơn đã đưa người đọc vào thế giới kỳ dị của núi rừng. Con chó săn của làng Xoài Ðôi thà đói chết chứ không ăn thịt đồng loại; con trâu đầu đàn lông "xanh nghít", nhưng đó là màu xanh trong ánh mắt tuổi thơ mộng mị... Và còn biết bao con thú khác: con sói đỏ của mùa thu, con mang trắng - linh hồn ngọn núi, con sóc nâu thông tuệ, con kiến vàng cần lao...

Nhà văn Nguyễn Minh Sơn: "Tôi đặc biệt say mê núi rừng" ảnh 2

Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành - Ảnh: C.N.

Trong trang văn của Nguyễn Minh Sơn, hình ảnh các loại hoa rừng cũng hiện lên tuyệt diệu: bông mua, bông chạc chìu, bông vang, bông nàng nàng... Ðẹp và buồn và thật đáng ngẫm ngợi, gấp lại trang sách chợt thấy trỗi lên ham muốn mình cũng được sống những ngày thanh sạch trong rừng, giống như tác giả khi nhớ về người cha đã mất, luôn thấy rưng rưng một trời kỷ niệm núi rừng và "ước chi được đi cùng ba một đoạn đường dài như rứa nữa".

Theo TRẦN NHÃ THỤY (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm