Nhà thơ Trương Nam Hương – người mang Hà Nội đi theo suốt hành trình thơ

“Vốn liếng” dày dặn ấy đã giúp tác giả Khúc hát người  xa xứ, Viết tặng những mùa xưa, Ngoảnh lại tháng năm, Ban mai xanh, Ra ngoài ngàn năm … có cơ hội tặng cho cuộc đời ngót 100 bài thơ đặc sắc về Hà Nội.

Nhà thơ Trương Nam Hương – người mang Hà Nội đi theo suốt hành trình thơ ảnh 1

Nhà thơ Trương Nam Hương

Mang Hà Nội theo suốt hành trình thơ, cũng có nghĩa là mang Hà Nội theo suốt những thăng trầm của đời mình. Mười tập thơ của  nhà thơ Trương Nam Hương, chưa tập nào thiếu vắng Hà Nội, thiếu vắng những khắc khoải về Hà Nội. Xa Hà Nội từ năm 12 tuổi, cũng tức là  xa những kỷ niệm ấu thơ hạnh phúc nhất được ở bên mẹ, bên bà… Dễ hiểu vì sao, ký ức tuổi thơ Hà Nội lại trở thành nơi nương tựa tâm hồn nhà thơ trong suốt cuộc đời. 

Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà thơ Trương Nam Hương bộc bạch: “Mỗi lần viết về Hà Nội là một lần tôi được “truy lĩnh” những năm tháng hồn nhiên trong trẻo của đời mình…”. Mới nghe thấy vui vui, ngồ ngộ, nhưng ngẫm một chút thôi, tâm sự của nhà thơ dễ làm ta cay sè khóe mắt, bởi lẽ song hành với “truy lĩnh” niềm vui cũng là gặt hái về bao nhiêu tiếc nuối! Có thể nhận ra sự đan xen hai nét tâm trạng ấy trong những câu thơ đầy ắp hương vị, sắc màu Hà Nội:

Hà Nội trong anh là quả sấu hườm
Lăn chua ngọt dọc thời bé dại
Que kem cầm mát lạnh gió Hồ Gươm
                            (Ký ức Hà Nội)

Thành phố tuổi thơ là bài thơ của nhiều ký ức cảm động về Hà Nội. Cũng lại bắt đầu bằng những hình ảnh gợi không gian rất tuổi thơ Hà Nội : “Những quả sấu giòn rơi trưa tháng sáu”, “Suối ve trào vòm phượng - nắp vung sôi”, nhà thơ dẫn người đọc đến không gian Hà Nội thời chiến tranh bom đạn:

Nhớ Hà Nội những đêm báo động
Mặc bom rung dế vẫn gáy trong hầm
Hoa sữa còn thơm, biết mình còn sống
Mẹ khóc thầm trong giá rét căm căm

Không gian Hà Nội thời bom đạn ấy còn nhiều lần trở lại trong thơ anh. Gần đây, nhiều độc giả đã kịp ghi lại ấn tượng về một thời Hà Nội thật đẹp, thật “thảo thơm” mà chất ngất “buốt đau” với “Khâm Thiên trắng xót mái đầu khăn tang” (trích Hà Nội một thời - bài thơ đoạt giải nhất trong cuộc thi thơ và nhạc phổ thơ “Thăng Long - Hà Nội trong trái tim tôi” được tổ chức đầu năm 2010). 

Thật khó để thống kê đầy đủ những không gian Hà Nội trong thơ Trương Nam Hương. Nhưng nếu ai đó công phu thử làm một cuộc dạo chơi dọc hành trình thơ anh có lẽ sẽ nhận ra điều này : đó là cái nhìn thật trong trẻo, trẻ trung, lãng mạn về Hà Nội. Hình như chàng thi sĩ sinh từng gắn bó đất Hà Thành đã nuôi dưỡng tình yêu với Hà Nội bằng chính những nét trẻ trung, lãng mạn ấy. Có cảm giác như nhà thơ Trương Nam Hương lúc nào cũng ý thức gom về những “Mưa Hồ Tây – nắng Hồ Gươm”, “Sương đẫm nhòa Cổ Ngư”, “Lộc đào Quảng Bá”, “Hè phố Khâm Thiên vị bàng chát mãi”, “Tiếng con gái Ngọc Hà đáo để”, “Hương hoa sữa thơm xanh chiều heo may”, “tiếng sâm cầm Hồ Tây”, “lộc vừng lấm tấm”, “kẹo lạc”, “kẹo vừng”… để kết dệt thành một bức tranh thơ về Hà Nội lãng mạn say đắm ngọt ngào:

Em trẻ quá trước Thăng Long nghìn tuổi
Liễu Hồ Gươm sớm ấy rủ ta về
Hôn lên rét khẽ chạm bờ vai gió
Giọt mưa phùn nhấm nháp tuổi so le
                         (Em với Hồ Gươm)

Cái nhìn trẻ trung ấy còn khiến nhà thơ như bao dung hơn trước những thay đổi khó tránh khỏi của nếp sống Hà Nội hiện đại. Trước “Áo lưng lửng lẳn eo mùa/ Thun thăn váy lá bỏ bùa ai đây”, thay cho cái nhíu mày là nụ cười hóm hỉnh:

Váy người ngắn đến mê ly
Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài
Áo sương cúc gió lơi cài
Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm
                  (Viết ở Nghi Tàm)

Cạnh bức tranh thơ tươi tắn trẻ trung về Hà Nội, ta còn gặp những trang nhật ký –thơ chứa đựng tiếc nuối về ký ức tình yêu đã xa.Trở về sau “diệu vợi tháng năm xanh”, con người thơ Hà Nội đa tình này cứ như bị vây bọc giữa làn hương ký ức tình yêu, rồi chợt nhận ra “Thời hai ta nông nổi đã qua rồi”. Sương khói Hồ Tây giờ gợi nhắc: 

Hư ảo Tây Hồ sương buổi ấy
Như mắt em buồn hôm tiễn vậy
Sâm cầm thót giọng hót về đâu
                         (Ký ức) 

Và còn cả những trăn trở suy tư của một con người nặng lòng với Hà Nội, khi “Ngước lên phố cổ thương màu rêu phong”, thấy “Tháp Bút đã sơn, người định tát hồ”, mà âu lo “Lá sen còn gói cốm làng Vòng”…Có phải đó là những băn khoăn trăn trở khi nhận ra Hà Nội “ba mươi sáu phố” đang “mỏng” dần đi trong cuộc sống hiện đại ?

Tôi chợt tiếc, giá mà được cầm trên tay tập thơ ngót một trăm bài thơ hay về Hà Nội của nhà thơ Trương Nam Hương trong đại lễ Ngàn năm Thăng Long – Hà Nội… 


         Theo Huệ Triệu (CAND, ra ngày 2-10)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm