Nhà sư chuyển thơ thiền Lý - Trần sang lục bát

Ý tưởng chuyển thơ thiền thời Lý Trần sang thể lục bát đến với hòa thượng Thích Giác Toàn từ đầu năm 2010. "Sự kiện lịch sử trọng đại 1000 năm, kể từ lúc vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long (Hà Nội ngày nay) vì "mưu kế cho con cháu muôn đời", đã gây xúc động trong tôi và giúp tôi có tâm nguyện làm một việc gì đó để bày tỏ tấm lòng tri ân non sông đất nước, tiền nhân, chư vị tổ sư, các vị thiền sư...", hòa thượng nói về mối duyên với công việc dịch thơ của mình.

Nhà sư chuyển thơ thiền Lý - Trần sang lục bát ảnh 1
Bìa cuốn thơ thiền Lý Trần "Hương thiền ngàn năm".

Với niềm cảm xúc này, từ đêm giao thừa năm 2010, nhà sư Thích Giác Toàn bắt tay vào công việc khó khăn. Ngày làm việc của ông khởi động từ 2 giờ sáng. Miệt mài trong hơn 120 ngày, ông chọn ra tác phẩm của 37 thiền sư (32 vị thời Lý, 5 vị thời Trần) để dịch. Ngay cả trong những chuyến công tác nước ngoài tại Nhật Bản, Myanmar... mỗi khi xong việc, Thích Giác Toàn lại đắm mình với bài thơ tâm đắc để nghĩ ra câu, vần thích hợp nhất cho thể thơ 6-8.

Bên cạnh việc cần thấm nhuần thể thơ của dân tộc, Thích Giác Toàn cho biết, ông phải đọc đi đọc lại nhiều lần các câu thơ mình dịch. Song song đó, ông đối chiếu so sánh cẩn thận với bản dịch của tiền nhân, của nhiều học giả đi trước như: Lê Mạnh Thát, Nguyễn Huệ Chi, Băng Tâm, Nam Trân... nhằm giúp cho bản dịch không quá xa so với nguyên bản.

Làm thế nào để chuyển tải tính triết lý Phật giáo và tính nhân văn của các bậc tiền nhân qua các tác phẩm họ đến được với người đọc hôm nay một cách gần gũi là trăn trở của nhà thơ - nhà sư Thích Giác Toàn. Ông chọn thể lục bát vì đây là thể loại thơ ca thân thuộc, dễ đọc, dễ nhớ với người bình dân cho đến các bậc trí thức.

Cứ thế, từ đầu năm cho đến tháng 7, Thích Giác Toàn từng bước hoàn thiện công việc để ra mắt cuốn Hương thiền ngàn năm gần 700 trang, với 120 tác phẩm (thi kệ, phú, tản văn), khởi đầu bằng bài thi kệ của thiền sư La Quý (852-936) và kết thúc bằng các tác phẩm của thiền sư Huyền Quang.

Nhà sư chuyển thơ thiền Lý - Trần sang lục bát ảnh 2

Hòa thượng Thích Giác Toàn (phải) chia sẻ niềm vui nhân ngày ra mắt cuốn "Hương thiền ngàn năm".

Nhận xét về cuốn thơ này, hòa thượng Thích Trí Quảng - Viện trưởng Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam cho rằng, hòa thượng Thích Giác Toàn đã "có khả năng dung hóa vô cùng, như những lời ca dao tục ngữ trên môi bà mẹ Việt Nam, chứa đựng kho tàng triết lý thậm thâm". 120 bài thơ văn trong cuốn Hương thiền ngàn năm được đánh giá là chuyển thơ thanh thoát, ý vị, đôi chỗ phóng túng nhưng ý tưởng cao vời của nguyên tác vẫn được người dịch tôn trọng.

Là người tiếp xúc với bản thảo dịch thơ của hòa thượng Thích Giác Toàn ngay từ những ngày đầu tiên, tiến sĩ văn học Trần Hữu Tá cho rằng, hòa thượng đã làm được công việc cực kỳ khó khăn là chuyển dịch ngôn ngữ văn thơ thời Lý - Trần sang ngôn ngữ bình dị, gần gũi của người miền Tây Nam Bộ.

Theo thống kê của ông Tá, từ trước đến nay có khoảng 80 dịch giả trong và ngoài nước dày công làm việc chuyển dịch tác phẩm văn học thời Lý - Trần, nhưng phần nhiều đều chọn thể thơ 5 chữ, 7 chữ. Chưa có ai tập trung vào lục bát như Thích Giác Toàn. "Tất nhiên còn nhiều bản dịch của hòa thượng cần được chỉnh sửa thêm để trau chuốt về câu chữ, vần điệu nhưng nhìn chung, ông đã thành công và mang đến một công trình văn học đáng quý cho độc giả trong nước", tiến sĩ Trần Hữu Tá nói.

Hòa thượng Thích Giác Toàn cũng tự nhận xét, ông cảm thấy còn nhiều bài thơ tuy dịch sát ý nhưng gieo vần lục bát chưa chuẩn, chưa ăn vần tuyệt đối. Ông bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục với công việc nhiều thử thách và thú vị này.

"Tác phẩm văn học của các vị thiền sư thời Lý Trần vừa mang đậm triết lý của nhà phật vừa rất nhân văn, đề cao tính thiện ở con người, nói về sự hòa hợp giữa con người với vạn vật xung quanh... Trong quá trình dịch thơ, tôi cũng ngộ ra những bài học quý giá về cách sống ở đời. Chẳng hạn như khi dịch được câu: "Sống ngày nay biết ngày nay. Nặng lòng chi những tháng ngày đã qua", tôi cảm thấy rất tâm đắc. Đó là một lời khuyên về một cách sống đẹp, biết trân quý những gì của hiện tại để làm cuộc sống của mỗi con người tốt đẹp hơn", hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ.

Trong thế giới thơ văn phong phú và đa dạng của Việt Nam, thơ thiền như đóa hoa khiêm nhường, lặng lẽ đóng góp vào dòng chảy của văn học nước nhà, và đặc biệt nở rộ dưới thời Lý - Trần. Những thiền sư tên tuổi thời Lý - Trần đều có chung mối quan tâm đến vận mệnh của đất nước, cũng như bày tỏ quan điểm trị nước đặc sắc của Phật giáo như thiền sư Pháp Thuận, Khánh Văn, Vạn Hạnh…

Thơ thiền Lý - Trần có sức sống mãnh liệt trong lòng dân tộc, từ thế hệ này qua thế hệ khác, là nguồn cảm hứng vô tận cho những người yêu thơ, chuyển thơ từ chữ Hán sang chữ Việt. Năm 2005, nhà thơ Nguyễn Duy đã chọn lọc 30 bài thơ thiền Lý - Trần tinh túy để thực hiện quyển thơ thiền Lý - Trần in trên giấy dó, với các bản dịch sang thể lục bát và tiếng Anh và triển lãm tại Đại học Đại học Suffolk, Boston (Mỹ).

Nhận thấy những đóng góp đáng trân trọng của hòa thượng Thích Giác Toàn, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam - Vietkings đã trao cho ông danh hiệu kỷ lục: Người chuyển thể thơ văn các thiền sư Lý - Trần sang thơ lục bát nhiều nhất.

Và nhằm chào mừng đại lễ 1.000 năm Thăng Long, cuốn Hương thiền ngàn năm được in 15.000 bản, trong đó có 3.000 bản bán trên thị trường sách, 12.000 bản được Vietkings dành làm ấn phẩm trao tặng ban tổ chức đại lễ.

Hòa thượng Thích Giác Toàn sinh năm 1949, quê ở huyện Châu Thành, Tiền Giang. Ông mồ côi từ nhỏ. 14 tuổi ông xuất gia. Vốn có năng khiếu viết văn, làm thơ, Thích Giác Toàn đã ra mắt nhiều tác phẩm như: các tập thơ Bút nở hoa thiêng (1969), Suối về hoa nghiêm (1974), Tặng phẩm dâng đời (1974), và các sách khảo luận văn học như: Thẩm mỹ Phật giáo thời Lý - Trần qua văn chương (2006), Những sáng tác văn học của các thiền sư thời Lý - Trần (2009)... với bút hiệu Trần Quê Hương. Ông sắp xuất bản tập thơ Tâm hồng mười phương và cuốn Kinh pháp cú (chuyển thơ - Lời vàng vi diệu).

Theo Thoại Hà (VNE)

[1] Tưởng Hủ thích cây thông nên đất của ông trồng thông đầy đường đi, còn Tây Hồ xử sĩ thích mai nên nhà ông trồng toàn mai. Đây là nói hai nhà Nho, mỗi người thích mỗi cách.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm