TẠP BÚT

Người hàng xóm

Cạnh nhà tôi có bác tên Khâu, đây là ngôi nhà duy nhất không xây mà tự nhiên có bốn bức tường, chỉ bởi những nhà bên cạnh xây nên mà thành. Ngày trước bờ tường này là một bờ chè mạn cao hơn đầu gối. Nhà nào trong xóm cũng có lối vào là cổng nhưng tôi vẫn thích đi ngang bờ chè mạn để sang chơi hay khi có việc. Thành thử lối hàng rào nào cũng có lối mòn tắt ngang qua nhà hàng xóm.

Thỉnh thoảng khi hái rau trong vườn nhà mình không đủ một nồi canh, mẹ lại sai tôi chạy qua nhà bác Khâu xin thêm mấy ngọn rau đay. Thời ấy, rau thì ở ngoài vườn, thức ăn là con cua, con cá bắt ngoài đồng. Còn lửa thì được ủ trong bếp từ ngày này qua ngày khác. Có hôm do thiếu trấu nên than nhanh tàn nhà không còn lửa, mẹ sai tôi sang nhà hàng xóm xin.

Sau này khấm khá hơn, trong làng có nhiều nhà bắt đầu chặt hàng rào xây tường. Bố mẹ tôi cũng gom gạch vữa ở huyện về đúc thành viên xỉ và xây tường. Sau ba năm, bố cũng có đủ xỉ để xây nên bốn bức tường quanh nhà. Nhưng cũng từ ấy, tôi không thể đi tắt qua bờ rào sang nhà hàng xóm. Cũng bởi giờ không phải xin lửa, xin rau... Chỉ có bác Khâu thỉnh thoảng đi làm đồng về ngang qua cổng vẫn dừng lại đôi chút, hỏi “đã gặt xong ruộng ở “phần trăm” chưa cháu” hay “mẹ chưa gặt về à”… Cũng có khi lâu lâu, bác nhón qua tường gọi tôi, khi thì cho trái dừa, khi thì cho trái chuối ở nhà chín.

Nhiều năm lập nghiệp ở thành phố, tôi cũng quên đi những chuyện bình thường ở quê. Mới đây có dịp nghỉ phép, tôi tranh thủ về nhà đúng dịp đám giỗ ông. Ở quê, nhà có tiệc tùng chả ai mang ra nhà hàng mà làm. Nếu đặt nhà hàng mang cỗ bàn đến sẽ bị anh em, hàng xóm cho là không có tình làng nghĩa xóm nên không nhờ làng xóm nấu giúp. Thế nên cỗ bàn cũng vì thế mà trở nên nhạt nhẽo, lạnh lùng đi. Đám hỏi, đám cưới… cũng đều do những người họ hàng và làng xóm đến phụ giúp.

Đêm hôm ấy mẹ dậy lúc 2 giờ sáng để nấu nước, đồ xôi rồi sửa soạn. Tôi tỉnh dậy, tính ra phố mua ít hoa tươi về thì gặp bác hàng xóm đi ngang qua nhà, tôi mời mọc: “Tí nữa bác qua cháu chơi nhé”. Nghe thế bác Khâu quay lại bảo: “Bác ở đó từ sáng tới giờ mà. Giờ bác về nhà có việc chút. Về đi tí bác qua”. Ngạc nhiên, tôi quay vào sân hỏi mẹ mới biết bác Khâu đã sang nhà tôi từ 5 giờ để phụ giúp dù trước đó mẹ không sang nhờ vả.

Mẹ bảo từ xưa tới giờ, khi nhà có việc tự động những người làng xóm sẽ sang giúp chứ chưa cần nhờ. Cũng chẳng cần báo trước, cứ sáng bên này lục tục dậy là bên kia đã biết nhà có việc.

Tôi cứ nhớ hình ảnh người hàng xóm mấy chục năm quê nhà. Chợt nhớ tới nhà hàng xóm của mình ở thành phố. Căn nhà có hai mặt tiền, chẳng may mặt tiền nhà tôi lại là mặt sau của nhà hàng xóm. Công việc khiến tôi thường đi tới tối mịt mới về. Nhà mất điện thì có bình sạc, hết lửa thì có cả chục chiếc hộp quẹt trong nhà nên hầu như chẳng bao giờ có cớ gì để mà sang nhà hàng xóm. Lâu lâu có quà của người này, người kia cho, không dùng hết thì bỏ đi cũng chẳng dám cho hàng xóm vì sợ người ta chê. Cũng bởi vậy nên đến giờ tôi cũng không sao hình dung ra khuôn mặt người hàng xóm hiện tại dù đã nhiều năm trôi qua.

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.