Người em nuôi tuyệt vời của Trịnh Công Sơn

Bún Huế nguyên thủy chỉ có bắp bò và giò heo thôi, Nguyễn Duy nói hiện nay người ta pha tạp thêm tiết bò, giò lụa, nem tai heo… cho khoái khẩu.

Người em nuôi tuyệt vời của Trịnh Công Sơn ảnh 1

Nhạc sỹ Trịnh Công Sơn và Tiến sỹ ngôn ngữ Frank Gerke

Nguyễn Duy bật nút chai rượu vang Nga để trên bàn thờ dễ đã hơn 10 năm nay dành khai vị và mời các bà. Còn cánh đàn ông chúng tôi anh thưởng riêng một chai vốt-ca Ukraine ngâm miếng mật gấu Myanmar to gần bằng quả kha tử, quà của nhà văn Ngô Thảo cho. Mật ngấu pha với rượu mạnh 45 độ có màu lá mạ tươi rói, nhìn đã thấy sướng mắt.

Mâm rượu ngoài khách mời là “đoàn” chúng tôi, Nguyễn Duy còn tiếp gia đình tiến sỹ ngôn ngữ người Đức tên là Frank Gerke, cùng vợ người Việt và cậu con trai tóc vàng 2 tuổi rất kháu khỉnh. Frank còn có tên là Long và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi nhận Long là em nuôi, ông lấy họ và chữ lót của mình đặt cho Long - tên đầy đủ là Trịnh Công Long, và cái tên đã trở thành “thương hiệu” của Frank Gerke tại Việt Nam. Frank Gerke tự nhận mình là đệ tử của Nguyễn Quang Sáng và là tri kỷ của Nguyễn Duy.

Nhấp xong lượt rượu đầu, chúng tôi nhắc lại không khí hào hứng của buổi giao lưu giới thiệu tập thơ của Nguyễn Duy tại “Không gian sáng tạo Trung Nguyên” ở Hà Nội vừa qua. Tôi và Nguyễn Duy say sưa ôn lại chuyện cũ… Nhớ buổi sáng mùa hè năm 2007, chúng tôi rủ nhau đến thăm nhà thơ Phạm Tiến Duật trước ngày anh nhập Viện 108. Hôm ấy, tôi được nghe anh Duật nói: Bài thơ đầu tiên của Phạm Tiến Duật đăng trên Tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn là nhờ Nguyễn Duy cầm tay ra Bắc. Thời gian thấm thoắt trôi, mới đấy mà đã sắp mãn tang nhà thơ của Trường Sơn vang bóng một thời kháng Mỹ.

Frank Gerke bỗng trở thành “điểm nhấn” của bữa rượu khi anh kể về Trịnh Công Sơn. Frank vô cùng vinh hạnh khi được nhạc sỹ Trịnh Công Sơn kết nghĩa anh - em. Frank nói tiếng Việt rất sõi và pha chút giọng điệu hài hước nên nghe rất thú vị. Tôi cũng đã vài lần được nghe anh đệm đàn ghi ta hát những ca  khúc của Trịnh Công Sơn rất hay nhưng buồn đến thấu lòng.

Frank thi tú tài Hán học, Đông Nam Á học, Ngôn ngữ học và Triết học cũng như tiếng Trung tại các trường Đại học Berlin, Bonn, Hồng Kông. Anh mê nhạc Trịnh từ năm 16 tuổi, khi anh chưa biết tiếng Việt. Đến năm 1993, trong một dịp tình cờ, Frank biết thêm nền văn học Việt Nam qua tác phẩm của Nguyễn Quang Sáng. Chính văn Nguyễn Quang Sáng và nhạc Trịnh đã trở thành động lực thôi thúc Frank sang Việt Nam và gắn bó cho đến tận bây giờ. Frank lựa chọn văn hoá phương Đông, văn học Việt Nam và Trung Quốc làm sự nghiệp nghiên cứu, nhưng lại bắt đầu từ con nhà võ. Từ nhỏ, Frank đã là đệ tử của võ học Nhật Bản, giữ đai “Đệ tam đẳng Karatedo”, nên Frank cũng hay thượng đài.

Frank Gerke là người chuyển ngữ tiểu thuyểt “Đất lửa” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, truyện ngắn của Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Huy Thiệp và thơ Hồ Xuân Hương, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… sang Tiếng Đức.

Có thể nói, Frank Gerke “nhập” hồn Việt rất có duyên. Là một nghiên cứu sinh tại Việt Nam với mức học bổng hạn hẹp, sức trẻ ham hoạt động nên Frank thường bị đói, bạn bè người Việt khuyên anh nên tập ăn thịt chó vừa rẻ lại nhiều chất đạm, Frank đã “áp dụng” ngay. Thế là mỗi tuần không dưới bốn bữa thịt chó mắm tôm, lúc đầu khó ăn, sau quen dần thành nghiện, vắng cái anh “mộc tồn” là Frank lại nhớ, lại thèm.

Thật khó tìm cho Frank Gerke một chức danh cụ thể trong suốt thời gian mười mấy năm anh sống tại Việt Nam. Vừa nghiên cứu văn học, âm nhạc, ngôn ngữ học Việt Nam, một thời gian dài là chuyên viên kinh tế về phát triển cây cà phê ở Tây Nguyên, lại chuyển qua sản xuất phim, rồi làm quản lý như giám đốc khách hàng, giám đốc tài chính Công ty BHD - một trong những công ty truyền thông tư nhân hàng đầu tại Việt Nam.

Frank kể lại câu chuyện vui khi anh mới đặt chân đến Tây Nguyên với tư cách là chuyên viên kinh tế về phát triển cây cà phê Việt Nam. Frank đã “3 cùng” với đồng bào dân tộc, đó là cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc như một  người bản địa. Chuyến đi dài ngày ấy để lại trong anh nhiều kỷ niệm ngọt ngào về một miền đất đại ngàn hùng vĩ.

Người em nuôi tuyệt vời của Trịnh Công Sơn ảnh 2
GS.TS ngôn ngữ Grank  Gerke -  Trịnh Công Long

Ngày đầu tiên đến buôn Ea Bông, anh ở nhà già làng Ama H’Điêu - người Êđê nức tiếng trong vùng bởi tài nghệ chỉnh chiêng và là người giữ hồn chiêng cho buôn làng. Thời trẻ, Ama H’Điêu từng là một tay ná cự phách. Về già, ông được buôn làng ngưỡng mộ, tôn sùng, bởi chính ông là một kho báu về kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm ứng xử, là lòng kiêu hãnh của buôn làng trước vị thần thời gian linh thiêng và huyền bí.

Già làng Ama H’Điêu mến anh Tây trẻ vui tính ngay từ khi cán bộ xã Cư Êbur đưa Frank về Buôn. Biết Frank là người nước ngoài về giúp dân làm no cái bụng từ cây cà phê nên già làng Ama H’Điêu tiếp Frank như thượng khách. Già làng Ama H’Điêu chỉ cho Frank cách uống rượu cần của người Tây Nguyên. Rượu là do Yang (Trời) ban nên rượu phải được quý trọng. Nhà nào cũng có cọc uống rượu dựng ở giữa nhà. Già làng đem chóe rượu buộc vào cọc, mở nắp bỏ lớp lá đậy trên miệng chóe rồi đổ đầy nước suối để ngấu thành rượu.

Người Êđê có cách uống rượu riêng, họ chỉ dùng một chiếc cần duy nhất để uống, theo thứ tự chủ nhà uống xong cầm cần mời khách. Khách đỡ lấy cần bằng hai tay, rồi nhẹ nhàng nâng lên miệng. Chủ nhà đích thân cầm “cữ” sừng trâu để tiếp nước vào chóe, gọi là đong “kang”. Mỗi mâm, mỗi người uống hết 1 kang. Điều đặc biệt là cần rượu duy nhất đó không bao giờ được rời khỏi bàn, ai mà buông cần rượu ra khỏi tay là thất lễ với chủ nhà. Frank vừa uống rượu vừa nghe già làng giảng giải về một nền văn hóa rượu kỳ lạ đến mê hồn. Frank say sưa nhập cuộc nên uống hết năm sáu kang mà vẫn tỉnh queo. Cố ráng nhưng không nhịn nổi nữa, Frank muốn đi toilet bèn hỏi “bóng bẩy” già làng: Già ơi, cháu muốn đi “nhẹ” thì đi ở đâu? Già làng vui vẻ trả lời: xung quanh đây có rất nhiều cây cà phê đang muốn “mày” tưới tắm cho nó đấy. Frank hiểu ý, sướng quá vội đứng dậy chạy ùa ra vườn café xanh mướt ướt đẫm sương đêm.

Vào nhà, Frank nhẹ bẫng cả người, anh lại đỡ lấy cần rượu đưa lên môi. Nhưng ngồi chưa ấm chỗ đã lại nghe trong bụng ấm ách, Frank  ngập ngừng nhìn già làng rồi e dè hỏi: Già ơi, cháu muốn đi “nặng” thì đi ở đâu? Già làng Ama H’Điêu cười tít mắt, đập tay liên hồi vào vai Frank nói oang oang: Quanh buôn của ta có rất nhiều cây cà phê đang muốn “mày” chăm bón đấy. Frank gật đầu hiểu ý, nhưng anh còn băn khoăn vì không có giấy vệ sinh!. Già làng Ama H’Điêu xòe cả hai bàn tay gân guốc lên đỉnh đầu lắc lư như nhập đồng, vừa cười vừa nói: Cây cà phê có rất nhiều lá mà anh Tây ơi!

Câu chuyện kiêng kỵ không nên nói trong bữa ăn của người Việt lại được Frank Gerke - Trịnh Công Long kể úp úp mở mở, rất điệu và có duyên nên khi mọi người hiểu ra mọi lẽ thì tròn mắt nhìn nhau rồi cùng phá lên cười.

Hai chai rượu đã uống cạn, cuộc hội ngộ ấm áp đầu thu ở nhà Nguyễn Duy trong con hẻm khuất nẻo cuối đường Lê Văn Sỹ - Sài Gòn thật là thú vị.

Theo Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm