Ngày thơ nói chuyện thơ

Nhiều người khi về hưu hay đã giãn bớt công việc làm ăn, tương đối nhàn rỗi lại ngồi cùng bạn bè, người thân bên tách trà, ly rượu, ngâm nga đôi câu thơ bất chợt của mình hay của người. Rồi có người lại gom góp, chọn lựa một số bài ưng ý để in. Có điều kiện thì in thành sách nghiêm túc, trang trọng, không thì gom lại in vi tính (trước kia in ronéo) năm bảy chục, một vài trăm cuốn để làm kỷ niệm và tặng bạn bè.

Hiện nay các tạp chí văn nghệ - nơi có “đất” để đăng thơ ngày càng ít đi, nên kể cả những nhà thơ “chuyên nghiệp” bây giờ cũng thiếu chỗ đăng thơ, nên chỉ còn cách bỏ tiền túi ra in để tặng là chính chứ bán chẳng được bao nhiêu. Người Việt Nam yêu thơ nhưng thơ in ra thì thời nào cũng khó bán. Tuy vậy, trước kia, thời mà công nghệ nghe nhìn chưa bao trùm như bây giờ thì thơ dễ thở hơn, có nhiều đất sống hơn. Còn nhớ những năm cuối 1960, đầu 1970, ở miền Nam, chỉ có vài tờ tạp chí văn học nghệ thuật chuyên đăng sáng tác thơ văn, trong đó tạp chíVăn thuộc loại uy tín nhất, các cây bút trẻ chỉ cần được đăng vài truyện ngắn, vài bài thơ đã được biết tên và trở thành các nhà văn nhà thơ trẻ ngay. Đã có nhiều chàng học sinh trung học đệ nhị cấp (THPT bây giờ) được đăng vài bài thơ, bèn để “đầu bù tóc rối, uống cà phê đen, hút thuốc lá đen” cho có vẻ thi sĩ, bê trễ học hành nên thi rớt phải đi lính! Rớt tú tài anh đi trung sĩ…

Khoảng năm 1980, gặp lại nhà văn Trần Phong Giao, nguyên chủ bút tạp chí Văn, một nhà văn tuy viết không nhiều nhưng là một người làm báo văn nghệ có tài, có mắt nhìn người, rất trân trọng những tài năng trẻ. Ngồi lai rai quán cóc với ông, nhắc lại chuyện cũ chuyện mới, chuyện những cây bút trẻ trước kia đã được ông đăng thơ trênVăn, sau đó bỏ học, thi rớt rồi đi lính, có người thương tật, người chết trận. Tôi nói nửa đùa nửa thật với ông Giao: Hồi đó anh đăng thơ cho anh em, nhiều người sướng lắm nhưng mà “như thế là tội ác” (tên một bộ phim đang chiếu bấy giờ)”. Ông Giao cười mà như mếu: “Mình quý tài anh em!”. Nay ông đã quá cố, nhắc lại như một nén tâm hương tưởng nhớ tới một người tâm huyết với văn chương.

Rằm tháng Giêng hằng năm là Ngày thơ Việt Nam, từ hơn 10 năm nay được tổ chức rất trang trọng tại Văn miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội - nơi được coi như trái tim của nền học vấn nước nhà và gần đây là “Ngôi đền thơ Việt Nam”. Cùng ngày, nhiều nơi trên cả nước cũng tổ chức Ngày thơ, tùy điều kiện mà tổ chức lớn nhỏ nhưng đều rất trang trọng và ấm cúng. Có điều lạ là Ngày thơ Việt Nam năm nay mới chỉ mới là năm thứ 11 được tổ chức tại Văn miếu Quốc Tử Giám nhưng lại là năm thứ 33 được tổ chức trọng thể tại núi Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên - cũng ngày rằm tháng Giêng. Núi Nhạn Tuy Hòa cũng được coi như “Ngôi đền thơ” ở Phú Yên. Ngày thơ Việt Nam ở núi Nhạn là một sự kiện văn hóa quan trọng đầu năm không chỉ của Phú Yên mà là cả Nam Trung Bộ, không chỉ đối với những văn nghệ sĩ mà cả với nhân dân quanh vùng. Thật thú vị khi những người làm thơ nghe nhiều người dân ở đây hỏi, sao mỗi năm chỉ có một ngày thơ mà không có năm bảy ngày thơ nhỉ?

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm