Muốn dạy người, dẫn chứng phải chính xác

Nếu ai đã từng đọc truyện "Tam Quốc diễn nghĩa" thì đều thấy Khổng Minh chưa bao giờ to tiếng với Chu Du vì lúc đó thế của Khổng Minh là thế đi nhờ vả "ăn nhờ ở đậu" và sinh mạng Khổng Minh còn nằm trong tay Chu Du. Sau này khi đã thoát khỏi tay Chu Du thì Khổng Minh cũng chỉ trêu tức Chu Du bằng cách châm chọc sâu cay, khích bác thâm thúy chứ chưa bao giờ mắng mỏ to tiếng với Chu Du cả. Người mà Khổng Minh "mắng chết" là Vương Lãng. Vương Lãng là tướng của nhà Hán (Hán Hiến Đế) nhưng lại đi theo Tào Tháo.

Muốn dạy người, dẫn chứng phải chính xác ảnh 1

Một cảnh trong phim "Tam quốc diễn nghĩa"

Trước hôm ra trận một ngày, Vương Lãng có nói với Tào Tháo: "Ngày mai tôi sẽ ra trước trận có vài lời với Khổng Minh - Y sẽ tự cởi áo hạ cờ xin hàng". Hôm sau Vương Lãng vừa nói được vài câu khuyên khổng Minh phản lại nhà Hán (Lưu Bị) để theo Tào Tháo, thì đã bị Khổng Minh mắng cho sa sả. Ví dụ: "Tên giặc già đầu bạc kia" hay "Khi xuống mồ có dám nhìn các vị vua Hán nữa không?" vv và vv… Vương Lãng uất quá, chết lăn xuống ngựa! Như vậy là nhà văn nọ đã trích dẫn sai. Có lẽ ông không đọc, hoặc nghe ai đó kể lại. Người kể và người nghe đều láng máng nhớ không chính xác. Như vậy nói lên cái chưa nghiêm túc của người viết bài. Khi đưa ra các dữ liệu thuộc về văn sử phải chính xác, chuẩn mực. Để răn dạy những người hiểu sai, viết sai ngữ nghĩa thì mình phải thật đúng, thật chính xác. Tôi nghe nói nhà văn này còn đi viết sách giáo khoa cho học sinh phổ thông. Tôi rất lo cho tương lai các cháu.

Một vấn đề khác nữa, là ngày nay gần như số đông người Việt đều có quan niệm: Con trẻ bây giờ không thạo lịch sử Việt Nam nhưng lại giỏi lịch sử Trung Quốc. Có lẽ họ nghĩ, việc con em mình thuộc mấy tình tiết hư cấu thêm vào trong các phim dã sử Trung Quốc là lịch sử Trung Quốc. Đó là sai lầm nghiêm trọng. Thậm chí các tác phẩm lớn của Trung Quốc như "Tam quốc diễn nghĩa", "Đông Chu liệt quốc"… chỉ được coi là tác phẩm văn học "3 hư 7 thực", không được xem là tác phẩm chính sử, lịch sử Trung Quốc. Còn về tác phẩm chính sử thì có nhiều nhưng trong đó nổi tiếng là bộ "Sử ký Tư Mã Thiên". Có thể lấy đó làm các mốc sử của Trung Quốc trong một số giai đoạn nhất định. Còn nếu như chỉ thuộc vài ba bộ phim dã sử đã gọi là giỏi sử Trung Quốc là một sự ngộ nhận và là xúc phạm lịch sử…

Theo Nguyễn Tuấn Anh (Văn nghệ Công an)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm