Khóc trong cơn say

Khóc trong cơn say ảnh 1

Hắn ít khi bia rượu nhưng nếu gặp người tri kỷ thì cũng sẵn lòng ngồi tới tàn cuộc. Và một tật hắn không sao sửa được hễ cứ say là khóc. Tôi với hắn là bạn từ thời đuổi bắt chuồn chuồn cắn rốn. Mùa nắng, hai đứa lội xuống ao làng bứt lá sen làm nón, mùa mưa thì chung nhau chiếc áo tơi… Thế nên ký ức của hắn gắn liền với tôi. Khi rượu bắt đầu ngấm, đôi mắt hắn cũng ngân ngấn nước. Lúc ấy hắn bắt đầu kể về cha. Hắn nhớ như in từ chuyện mải chơi bị cha đánh những phát roi đau điếng. Đến những ngày hắn ốm, cũng đôi bàn tay ấy xoa lưng cho hắn ngủ. Hắn thèm cảm giác của bàn tay thô ráp, sần sùi nhưng ấm áp của cha. Rồi hắn khóc thành tiếng, nước mắt chảy ròng ròng. Hắn nhớ cha, hắn thương cha, hắn thương những người làm thợ nề như ông hắn, cha hắn. Hắn khóc lớn hơn, to hơn… cũng bởi vì cha hắn chết vì chính cái nghề thợ nề ấy.

Ông nội hắn là thợ nề giỏi có tiếng. Nhờ thế gia đình hắn có một cơ ngơi khang trang nhất trong làng. Thế nên cha hắn cũng sớm trở thành một tay thợ giỏi nghề. Nhưng bước qua thời bao cấp, cả nước đều lâm cảnh đói kém, cái ăn không đủ no nói gì đến chuyện xây nhà xây cửa. Mẹ hắn chết cũng vì đói kém và bệnh tật. Dù cha hắn xoay xở tất bật từ làng trên xóm dưới thì gia đình vẫn cứ thiếu ăn. Cuộc sống khổ cực, bần cùng nhưng cha hắn nhất định không cho hắn nghỉ học. Khi ấy hắn không hiểu gì, hắn sợ cha nên lùi lũi chăm chỉ học.

Ngày hắn đậu đại học, cha hắn mặt ngời ngời hạnh phúc. Đặt tờ giấy trúng tuyển lên bàn thờ, thắp mấy nén nhang trình cáo với tổ tiên mà tay ông run run đến tội. Lúc ấy trong làng người mừng người lo. Có người ác miệng bảo không biết có nuôi nổi không, không khéo đứt gánh giữa đường. Nghe thế cha hắn im lặng, bỏ đi. Mỗi lần có dịp ra thăm hắn, cha chỉ dặn đúng một câu: “Con chỉ việc tập trung vào học, đừng lo gì cả!”. Hắn biết thế nên dốc sức vào để học thật giỏi.

Nhưng mệnh đời ông vắn số, buổi hắn tốt nghiệp cũng chính là ngày nhận được tin cha ngã từ giàn giáo xuống đất do choáng vì kiệt sức. Hắn bươn bả về nhà, cũng may kịp nhìn mặt cha lần cuối. Sau khi cha hắn nói được một câu cuối cùng: “Con! gắng học… là cha vui!”. Hắn vẫn không khóc. Lưỡi hắn cứng đơ, miệng đắng ngắt như ngậm tro và chỉ biết nắm chặt tay cha. Đôi bàn tay vẫn còn dính nguyên hồ vữa, lẫn những vết chai sần từng cục. Những ngày tang điếu cha, mắt hắn vẫn vô hồn và ráo hoảnh. Chỉ khi tiễn biệt cha xuống huyệt mồ xong, hắn mới bàng hoàng nhận rõ nỗi đau tận cùng. Hắn vục mặt xuống đất, đôi tay bấu chặt vào ngôi mộ, rồi hắn gào lên giữa trời. Hắn đã thực sự mất cha, người duy nhất là thân thích trên cõi đời này với hắn. Từ đó hắn lầm lũi, ít nói, ít cười.

Trước khi cầm quyết định lên vùng rừng núi Khe Sanh dạy học, hắn ra mộ cha thắp nhang và ngồi suốt cả buổi chiều bên mộ. Mấy tháng sau hắn lặn lội trở về. Lau chùi bàn thờ sạch sẽ, bài trí hương hoa lễ bộ xong hắn để nguyên số tiền lương mấy tháng vào chiếc đĩa trước di ảnh cha mình. Đêm hôm ấy, hắn phủ phục trước bàn thờ gia tiên mà khóc thảm thiết. Nỗi thương cha đau như xé lòng ấy, bấy lâu bị dồn nén nay mới có cơ hội bùng phát.

Sau khi mãn tang cha thì hắn lập gia đình. Vợ hắn cũng là giáo viên miền núi dạy chung trường. Những tưởng cuộc đời hắn từ đây sẽ được an ủi, ai ngờ khi đứa con trai cất tiếng bi bô đầu tiên thì vợ hắn đã gặp phải cơn sốt rét ác tính và qua đời. Lần này hắn cũng không khóc. Nhưng hắn đâm ra ghét vùng rừng rú ấy. Hắn nhớ hình ảnh cha hắn và hắn quyết ở vậy để nuôi con. Hắn quyết định xin chuyển trường về quê nhưng không được. Rồi hắn xin về hưu non.

Về quê, hắn cũng bắt đầu với nghề thợ nề. Chẳng mấy chốc, hắn tập hợp được đội quân nhận thầu. Số tiền hắn kiếm được cũng kha khá. Hắn sửa sang lại ngôi nhà trần khang trang, dành dụm nuôi con ăn học. Cả cuộc đời hắn, đúng hơn cả đời ông, cha hắn giờ đây chỉ còn trông chờ vào cậu con trai. Thế nên khi con hắn đỗ đại học, hắn theo con lên thành phố luôn. Để có được tiền, hắn làm đủ mọi việc, trong chợ ai cần gì hắn làm nấy, miễn sao có tiền cho con ăn học.

Mỗi lần đem tiền vào ký túc xá, hắn đều ráng đưa hơn số tiền con xin. Hắn biết ở thời của hắn, đi học chỉ cần có khoai cũng sống qua ngày. Nhưng thời của con hắn thì nước lã cũng không miễn phí. Thế nên hắn dốc hết sức cho con yên tâm mà học. Ngày giỗ cha, hắn muốn con về nhưng nó kêu bận. Hắn tự an ủi mình là phải thông cảm cho nó.

Công lao của hắn cuối cùng cũng được đáp đền. Con trai hắn vừa ra trường đã có việc làm và nhanh chóng lấy vợ. Nghe con hắn bảo cha vợ làm to trong thành phố nên mọi việc rất thuận lợi. Thôi thì cũng mừng cho nó. Đám cưới xong, hắn về quê tiếp tục làm nghề thợ nề. Dù hiếm khi về thăm nhà nhưng lâu lâu con hắn vẫn gửi tiền về. Hắn biết con trai thương hắn, thôi thì nhân tiện con trai xây nhà mới hắn lên thành phố chơi ít ngày.

Con thấy hắn chịu ra thành phố nên mừng lắm, nói cha cứ ở đây an dưỡng. Hắn bảo chỉ cần con thành đạt thế này thì cũng bằng gấp mấy lần cha đi an dưỡng. Hắn đi lại từ vườn vào nhà cứ lẩm bẩm xuýt xoa. Chao ôi, chỉ vài năm mà con hắn xây được biệt thự hẳn hoi. Bọn trẻ bây giờ làm ăn thật giỏi giang. Dẫu mười đời tổ tiên thợ nề mình làm ăn gặp thời cũng không bằng một góc! Con hơn cha là nhà có phúc. Thế là cuộc đời hắn có hậu. Hắn chẳng còn mong ước gì hơn. Con lại chăm sóc hắn đàng hoàng. Hắn muốn đi đâu một bước cũng có tài xế, ho húng hắng vài tiếng đã có bác sĩ riêng đến thăm khám liền… Lâu lâu hắn lại thấy nhân viên xách quà lỉnh kỉnh đến, con hắn kêu đừng làm thế, quà cáp chi cho lỉnh kỉnh. Nghe thế hắn càng mừng vì con hắn rất khiêm tốn.

Nhưng sống trong cảnh sung túc ấy chẳng được bao lâu, hắn lại cảm thấy tù túng và nhớ quê. Hôm ấy hắn thấy nôn nao trong người, hắn từ vườn bước vào nhà, lên phòng làm việc của con trai. Vừa lên tới cửa phòng, hắn đã nghe tiếng quát qua điện thoại:

- Tao đã bảo mày rút 1/3 xi măng công trình đó thôi. Chứ rút đi một nửa giờ tường bị nứt ra là phải rồi. Thế này chết cả nút đó nghe không…?

Hắn ù hết cả tai. Cái này có phải là rút ruột công trình không. Mà cái gì là “100 triệu cho một suất vào công ty”?… Những thứ chỉ trên báo hắn mới đọc thấy, giờ lại nghe chính từ mồm thằng con trai hắn. Hắn chưa kịp phản ứng thì đúng lúc thằng con nhìn ra.

- Có việc gì vậy cha?

Hắn đi vào, mặt bầm lại.

- Cha muốn về quê.

- Vâng, mai con gọi tài xế đưa cha về mấy ngày.

Đột nhiên hắn nhìn chằm chằm vào mặt con trai hỏi:

- Con không nhớ đến ngày giỗ ông nội sao?

Con hắn nhăn mặt:

- Con trăm công ngàn việc tối mắt tối mũi, cha không thấy đó sao? Để có được như thế này đâu phải chơi không đâu.

Không thể đừng được nữa, hắn chậm rãi nói:

- Giàu có thì tốt nhưng tiền mình kiếm được phải chân chính. Ông nội con, tuy không được học hành nhưng là một thợ nề giỏi và được kính trọng trong làng. Suốt một đời làm thợ, chưa ai nhìn thấy ông làm hư hao vật tư của người ta. Mỗi lần hoàn thành xong ngôi nhà, ông nội con lại ngồi cùng gia chủ uống rượu cười sảng khoái. Con hãy nhớ và nhìn vào ông mà soi.

- Thôi cha ơi, cờ đến tay ai người đó phất. Thương trường là chiến trường, mình không ăn thì đứa khác nó ăn. Thời của ông nội khác thời của con lắm rồi!….

- Giàu mà bất chấp đạo đức, như xây nhà không có móng có ngày ngồi tù đó anh biết chưa? Hắn đổi giọng.

- Con biết. Nhưng cũng vì thế nên cả đời ông, đời cha mãi nghèo. Cha đừng bảo thủ như vậy.

- Mày… giờ anh lại còn coi thường ông anh, cha anh nữa.

- Thời đại này thành công phải dựa vào quyền và tiền. Bố vợ có quyền, con có cơ hội kiếm tiền thì tại sao cha lại cấm cản? Xin cha đừng bắt con phải sống theo những giá trị ảo của cha.

Hắn tức lắm vì con cãi lời cha. Hắn giận lắm… Hắn muốn về quê ngay lập tức, hoặc chí ít cũng ra khỏi ngôi nhà ngột ngạt này. Hắn đi về phía công viên. Và nhờ thế mà chúng tôi gặp lại nhau. Suýt nữa tôi không tin vào mắt mình. Chúng tôi bặt tin nhau từ dạo cha hắn mất. Qua vài lời hỏi han, tôi rủ hắn về nhà để hàn huyên.



Trên sân thượng nhà tôi, hai đứa cùng nhau cạn hết ly này đến ly kia. Khi rượu ngấm, giọng hắn lúc này não nề hơn xưa. Không biết tại sao qua bao nhiêu năm rồi mà hắn vẫn chưa nguôi được niềm tiếc thương cha. Hắn kể chuyện cha hắn, ông hắn. Rồi hắn kể về những ngày bắt chuồn chuồn cắn rốn. Bỗng dưng hắn ngước mặt lên trời hỏi: “Có phải chúng mình lạc hậu rồi không?”. Rồi hắn đấm ngực mình thùm thụp. Trong nước mắt, hắn gọi: “Con ơi là con, chết con tôi rồi…!”.

Ô hay, hóa ra lần này hắn không khóc cha nữa.

Truyện ngắn của TRẦN KIÊM HẠ

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.