Hoàng Cầm đi về phía rạng đông

Tháng 9-2005, tôi đến thăm Hoàng Cầm trên căn gác nhà ông. Lão thi sĩ vừa bị ngã gãy chân, phải nằm nghiêng nghiêng tiếp khách. Thực ra thì “nằm nghiêng nghiêng” là cái tư thế thường xuyên của ông từ những năm còn khỏe mạnh.

Hoàng Cầm đi về phía rạng đông ảnh 1

Nhà thơ Hoàng Cầm bên sông Đuống năm 1996. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhiều lần tới thăm, tôi vẫn thấy ông nghiêng nghiêng theo cái thế nằm quen thuộc ấy, gợi nhớ hình ảnh rất huyền ảo trong bài thơ Bên kia sông Đuống tuyệt vời:

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến
            trường kỳ...

Tôi từng được nghe ông giải thích rằng đó còn là cái thế chông chênh mà vĩnh hằng của những bãi cát ven bờ sông Đuống quê hương ông. Hình ảnh ấy không bao giờ mờ phai trong ký ức ông, mà kỳ lạ thay, nó lại như là biểu tượng của chính cuộc đời ông vậy. Số phận ông là số phận nghiêng nghiêng.

Và, trong cái thế “nằm nghiêng nghiêng”, ông “kháng chiến trường kỳ” chống lại chính số phận...

 Chàng trai tài hoa và đa tình của xứ Kinh Bắc ấy sinh năm 1922, đã đậu tú tài toàn phần năm 1940; từng làm thơ, viết văn, soạn kịch, dịch sách trước khi tham gia lực lượng Thanh niên Cứu quốc của Mặt trận Việt Minh; từng là sáng lập viên Đội Văn nghệ tuyên truyền thuộc chiến khu Việt Bắc (1947), Trưởng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (1952); hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam và được bầu vào Ban Chấp hành khóa 1 (1957)... Vóc dáng ông lồng lộng một thời.

Rồi tai nạn ập đến. Bị cơn bão “Nhân văn Giai phẩm” xô ngã (năm 1958), ông đã cố gượng dậy nhưng số phận bắt ông mang cái dáng “nghiêng nghiêng” từ đó.

Từ năm 1959, ông phải chịu kỷ luật “khai trừ khỏi Ban Chấp hành hội..., không được ấn hành tác phẩm..., lương chính bị cắt mất 65%..., lao động chân tay bắt buộc trong 3 năm..., sau đó được tự giác tìm một nơi nào đó lao động chân tay để có thêm tiền bồi dưỡng...” (Tự thuật của Hoàng Cầm – sách Hoàng Cầm – tác phẩm thơ - NXB Hội Nhà văn, 2003, trang 193).

Và liên tiếp những nỗi đau đời tư, vợ mất, con gái mất... Năm 1982, lại đột ngột gặp tai nạn nghề nghiệp với tập thơ Về Kinh Bắc...

Trong tình cảnh ấy, ông đã “không mang trong lòng nỗi oán hận hoặc trách móc, hờn giận ai. Đôi lúc, chỉ nghĩ về chính số phận mình, có cay đắng, có xót xa.

Nhưng vì “đã mang lấy nghiệp vào thân” như Nguyễn Du nói, cái nghiệp thơ... Hào quang tỏa ra từ tâm linh và từ những câu chữ kỳ diệu đã đem đến cho mình không ít giờ phút say sưa, ngay trong cuộc sống bình nhật cũng không ít hạnh ngộ đẹp. Tôi được gặp nhiều người rất trong sáng, yêu thương mình hết lòng. Dân tộc là thế đấy...” (Tự thuật của Hoàng Cầm – sách đã dẫn).

Âm thầm với cách thế ứng xử của mình, ông lặng lẽ viết Về Kinh Bắc (1959 – 1960) rất đậm “chất” Hoàng Cầm, một tác phẩm đặc sắc của nền thơ Việt Nam, đã được chép tay và truyền khẩu rộng rãi từ trước khi được in thành sách, một hiện tượng hiếm có.
 
Từ 1988, sau khi được phục hồi tư cách hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và quyền được công bố tác phẩm, Hoàng Cầm đã cho tái bản và xuất bản hàng loạt sách, trong đó có những tập thơ ông sáng tác liên tục từ 1958 tới những năm đầu thiên niên kỷ mới, như Mưa Thuận Thành, Đến từ hư không...

Danh mục tác phẩm của Hoàng Cầm, kể từ những kịch thơ Hận Nam Quan (1942), Kiều Loan (1942) đến nay, kể cả thơ, văn và kịch đã có hàng chục đầu sách, một số lượng không phải tác giả nổi tiếng nào cũng có được. Quan trọng hơn, chất lượng tác phẩm đã nâng Hoàng Cầm lên ngôi vị những nhà thơ hàng đầu của nền thơ hiện đại Việt Nam.

Ông là một trong số không nhiều thi sĩ lớn sống hết với thơ, trang trọng đặt thơ cao hơn chính bản thân mình, bất chấp hoàn cảnh, cứ nghiêng nghiêng mà sáng tác trường kỳ....


Xin kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa người đi về phía rạng đông:

bỏ lại sau lưng hoàng hôn ráng đỏ

gậy nghiêng mình chào những sớm  mai xanh...

(Đi về phía rạng đông - thơ Hoàng Cầm, 2002)

Đêm 6-5-2010

 
Theo Nhà thơ Nguyễn Duy (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm