Hà Nội có thể thiếu tôi, nhưng tôi không thể thiếu Hà Nội

- Thưa nhà văn Hoàng Quốc Hải, trong rất nhiều cuốn sách được xuất bản chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội thì bộ tiểu thuyết lịch sử "Tám triều vua Lý" và "Bão táp triều Trần" của ông là bộ sách đồ sộ nhất, không chỉ vì số lượng trang sách mà còn vì nội dung nó chứa đựng. Bắt đầu từ khi nào ông có ý tưởng phục dựng lại hai triều đại huy hoàng của lịch sử Việt Nam bằng văn học và con đường để hoàn thành bộ sách này của ông đã gặp phải những gian nan như thế nào?

Hà Nội có thể thiếu tôi, nhưng tôi không thể thiếu Hà Nội ảnh 1

+ Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho học. Lúc 9 tuổi tôi đã đọc "Tam Quốc chí". Việc ham đọc sách là truyền thống của gia đình. Nhưng khi đọc các tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử thì tôi không có cảm giác thỏa mãn. Là vì những gì phản ánh trong các tiểu thuyết lịch sử của ta từ xưa tới nay mới chỉ là những mảnh vụn của lịch sử. Nhà văn chỉ miêu tả một vài chiến công, một vài trận đánh, một vài nhân vật… không quy mô và cũng không dựng lên một bức tranh tổng quát của từng thời kỳ. Sự thật lịch sử không được phản ánh toàn diện đã gây cho tôi cảm giác bức xúc. Sau này, càng tìm hiểu tôi càng yêu lịch sử nước mình. Và rồi có một niềm thôi thúc nào đó đã buộc tôi phải viết.

Để có được bộ sách dày hơn 6.400 trang này, tôi phải mất 30 năm. Tôi không nhớ mình đã đọc bao nhiêu trang tư liệu, chỉ biết rằng đó là công việc nhọc nhằn, vất vả. Kho tư liệu lịch sử của ta từ thế kỷ 14 trở về trước dường như là trống rỗng, vì thời kỳ nước ta bị nhà Minh đô hộ, chúng đã chủ trương tiêu diệt nền văn hóa Đại Việt tận gốc bằng cách đốt hết sách vở cùng tất cả những gì gọi là văn hóa vật thể và phi vật thể. Tôi phải tìm kiếm từ các nguồn như sử ngôn, các gia phả, tộc phả, thần phả, hoành phi câu đối, ký ức của người già, các tầng lớp trí thức, nho sĩ, các ghi chép của tướng giặc bại trận, thậm chí là tham khảo cả chính sử Trung Hoa...

- Tiểu thuyết lịch sử là một lãnh địa khó, và thông thường các nhà văn rất ngại "đụng" tới. Họ thích viết về các vấn đề đương thời hơn. Theo ông thì cái khó nhất của nhà văn khi viết tiểu thuyết lịch sử là gì?

+ Các nhà văn ngại đụng đến vấn đề lịch sử hoặc đã viết nhưng chưa thỏa mãn có một phần do lỗi ở tài liệu của chúng ta kém. Song, phải thừa nhận rằng đây là một lãnh địa khó, ngay cả khi anh có đầy đủ tư liệu. Bởi muốn viết hay về lịch sử, anh phải vừa là nhà tiểu thuyết, vừa phải có kiến thức của một nhà sử học, nhà xã hội học. Thiếu một trong những yếu tố đó, anh sẽ không thể lý giải được lịch sử. Chính sử chỉ ghi chép những sự việc cô đọng, nhưng nhà văn phải vận dụng toàn bộ kiến thức hiểu biết của mình cũng như sức sáng tạo để phục dựng lại bức tranh lịch sử như nó có, làm sao để bạn đọc tin rằng họ đang được sống trong thời đại mà nhà văn đang đề cập tới.

- Nhà văn viết về lịch sử là viết về cái đã qua, nhưng lại là viết cho bạn đọc hôm nay. Và để được bạn đọc hôm nay đón nhận, ông muốn gửi gắm những ưu tư gì tới họ?

+ Lịch sử là quá khứ. Nhà văn viết về quá khứ nhưng phải viết cái mà độc giả hôm nay đang cần. Mác đã từng nói đại ý, nếu nhà văn chỉ đưa những thông tin "chết" về lịch sử thì có nghĩa là anh đã triệu về bóng ma của lịch sử chứ không phải làm sống lại lịch sử. Mong muốn lớn nhất của tôi khi viết tiểu thuyết lịch sử là nói lên được những gì cha ông ta đã làm. Ngẫm lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, dường như mỗi gốc cây, hạt cát đều thấm máu ông cha chúng ta. Những bài học về việc đánh giặc giữ nước, chăm lo cho nhân dân của cha ông vẫn còn nguyên giá trị với hôm nay và cả mai sau.

- Ngày nay chúng ta thường than phiền rằng lớp trẻ hiểu lịch sử Tàu, lịch sử Hàn Quốc hơn lịch sử nước mình, phải chăng cũng có lý do là chúng ta có quá ít tác phẩm văn học nghệ thuật phản ánh lịch sử, thưa ông?

+ Nếu lớp trẻ hôm nay nhận thức sai lạc về lịch sử thì lỗi trước tiên là ở các nhà quản lý, vì họ không chú trọng tới vấn đề văn chương hóa lịch sử. Hàng ngày các kênh truyền hình đều phát sóng phim Trung Quốc với tần số liên tục thì con em chúng ta thuộc sử Tàu hơn sử ta là dễ hiểu. Văn học là phương tiện tốt để giáo dục lịch sử cho nhân dân. Khi lịch sử đi vào được lòng người thì có nghĩa là lịch sử đang được tiếp nối. Lớp trẻ hôm nay không tiếp nối được lịch sử tức là quá khứ đang bị lãng quên, điều này rất nguy hại cho tương lai.

- Là người đọc và nghiên cứu về lịch sử cũng như văn học, ông có thể cho một vài nhận xét, đâu là đặc điểm nổi bật của các tác phẩm văn học viết về Thăng Long - Hà Nội?

+ Tôi thấy thời nào cũng có nhiều người viết về Thăng Long - Hà Nội. Nhưng chỉ có những tác giả lớn, nhân cách lớn mới để lại dấu ấn xuyên thời đại. Tên tuổi những nhà văn gây được ấn tượng về Thăng Long không nhiều lắm, có thể kể đến Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Phạm Đình Hổ, Bà Huyện Thanh Quan, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Đình Thi… Chỉ những tài năng lớn mới thể hiện được những tư tưởng lớn. Và nhờ có tư tưởng lớn mà tác phẩm của họ còn mãi với hậu thế.

- Với những đóng góp của mình cho văn học, ông là nhà văn đầu tiên nhận giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội". Xin hỏi, với một nhà văn không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội như ông, thì tình yêu Hà Nội trong ông được hiểu như thế nào?

+ Có một kỷ niệm tôi muốn chia sẻ ở đây. Ngày tôi còn rất nhỏ, chị tôi khi chuẩn bị đi lấy chồng thì về Hà Nội mua vải để may áo cưới. Về nhà, chị tôi cứ nắc nỏm mãi về sự thanh lịch, văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Vốn con nhà Nho, những ấn tượng về người Hà Nội trong lời kể của chị cứ in đậm mãi trong trí óc tôi, ám ảnh tôi và dường như có một sức hấp dẫn đặc biệt. Lớn lên, mặc dù đi làm báo ở Quảng Ninh, nhưng có vở kịch nào mới, triển lãm nào mới mở ở Hà Nội, bằng mọi cách tôi phải về xem cho bằng được. Rồi tôi đọc lịch sử, văn học viết về Hà Nội và hiểu rằng mỗi bước chân mình đi trên mảnh đất này chính là đang đi trên lịch sử. Hà Nội là kết tinh của văn hóa Việt Nam. Hà Nội có thể thiếu tôi hoặc thiếu rất nhiều người, không sao cả. Nhưng tôi không thể thiếu Hà Nội.

Khi nhà thơ Bằng Việt gọi cho tôi thông báo rằng Ban tổ chức giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" quyết định trao giải thưởng cho tôi và hỏi rằng tôi có sẵn sàng nhận giải không, tôi đáp: "Giải thưởng "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội" chưa phải là giải thưởng có bề dày, nhưng nó thể hiện tình yêu Hà Nội, cũng có nghĩa là tình yêu đất nước. Tôi không biết giải thưởng được bao nhiêu tiền nhưng dù chỉ là một đồng thôi, tôi vẫn nhận. Vì Bùi Xuân Phái là một nghệ sĩ lớn, một nhân cách lớn. Ông đã thổi tình yêu Hà Nội vào hội họa và tôi rất ngưỡng mộ ông".

- Xin cảm ơn nhà văn Hoàng Quốc Hải

Theo Bình Nguyên Trang  (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm