Dự án Luật Xuất bản - in và phát hành: Quản luôn cả bao bì

Sáng 23-3, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị chuyên môn về việc góp ý cho dự án Luật Xuất bản - in và phát hành (dự án luật) sẽ được trình Quốc hội bàn thảo vào kỳ họp thứ ba, khóa 13.

Giẫm chân Luật Doanh nghiệp

Tại cuộc hội thảo, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng luật hiện hành chỉ quy định cấp phép cho xuất bản phẩm, nay dự án luật mới lại gom cả việc cấp phép in bao bì là quá rộng. Đại diện Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM phân tích: Dự án luật tập quyền tất cả việc cấp phép vào cấp trung ương nên chắc chắn sẽ xảy ra chuyện xin cho, giấy phép con. Điều này sẽ xảy ra nghịch lý là chuyện gì cấp trung ương cũng cấp phép, song khi xảy ra sự cố lại kêu cấp địa phương”.

Ông Phạm Minh Thuận - Tổng Giám đốc Công ty Phát hành sách Fahasa bày tỏ: “Theo luật hiện hành, các nhà xuất bản chỉ báo cáo, xin cấp phép cho kế hoạch năm. Dự án luật ghi Bộ cấp phép trên từng xuất bản phẩm, như vậy sẽ rất khó cho ngành xuất bản. Dự án luật cũng chỉ nên mang tên là “Luật Xuất bản” vì ngành in và phát hành là một dạng hoạt động kinh doanh riêng, đã chịu sự quản lý của Luật Doanh nghiệp”. Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cũng đồng ý quan điểm này: “Ngành in có đặc thù về cần công nghệ. Theo dự án luật, không một doanh nghiệp nào đáp ứng được các yếu tố như luật định, chủ đầu tư nhìn vào luật cũng sẽ sợ vì thấy in cái gì cũng cần có giấy phép”.

Dự án Luật Xuất bản - in và phát hành: Quản luôn cả bao bì ảnh 1

Theo dự án luật, ngành xuất bản sẽ gặp khó khăn khi Bộ cấp phép trên từng xuất bản phẩm. Ảnh: HTD

Chưa thu vốn đã bị ngưng giấy phép?

Phó phòng Văn hóa-Du lịch - Sở VH-TT&DL TP.HCM Thái Hòa Nhạc băn khoăn: “Dự án luật đề cập quy hoạch việc phát hành các ấn phẩm, đưa mạng lưới phát hành phủ đều những vùng sâu, vùng xa tôi nghĩ là không khả thi. Các đơn vị phát hành có quyền tìm địa điểm nào thuận lợi cho việc phát hành của họ, không thể bắt buộc, ép họ về những vùng không phát triển được, đó là một nhiệm vụ khác”. Bà Phan Thị Việt Thu - đại diện Hội Luật gia TP.HCM ngạc nhiên: “Ở dự án luật mới, thời hạn giấy phép cho ngành xuất bản - in - phát hành chỉ kéo dài trong khoảng 5-10 năm. Như thế thì có khi doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư còn chưa thu được vốn thì đã bị ngưng giấy phép à...”.

Đại biểu Trần Du Lịch, đại biểu Võ Thị Dung cũng ghi nhận các ý kiến trên, cho biết sẽ đem ra thảo luận trước Quốc hội trong kỳ họp sắp tới.

Cần quản tạp chí trá hình sách

Tại hội thảo, chuyên viên Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đề nghị làm rõ việc cấm xuất bản tạp chí dưới hình thức giấy phép sách trá hình. Hiện nay nhiều tạp chí Hàng Hiệu, Đàn Ông, Her World, Sành Điệu… đang lưu hành bằng giấy phép in sách. Đây là một lỗ hổng lớn trong luật. Vì để ra mắt một tạp chí, điều kiện xin giấy phép khác biệt ấn phẩm sách. Sức truyền thông, ảnh hưởng của một tờ tạp chí cũng phức tạp và khác biệt hẳn một quyển sách. Song những dạng tạp chí trá hình ấn phẩm sách vẫn lách luật ra đời. Đại diện Hội Nhà báo cũng đề nghị dự thảo luật quy định cấm quảng cáo trên sách cụ thể hơn và cấm ra sách định kỳ dạng tạp chí hình ảnh.

Cần luật hóa việc tư nhân tham gia xuất bản

Trong tình hình trung bình 70% số sách của các nhà xuất bản hiện nay đều là sách liên kết, có nơi đến 90% đầu sách là sách liên kết. Việc tư nhân “núp bóng”, các nhà xuất bản bán giấy phép là thực tế phải xem xét. Chúng tôi kiến nghị dự án luật lần này nên xem xét thực tế đã đến mức mở cửa cho tư nhân tham gia vào lĩnh vực xuất bản hay chưa. Nếu chưa thì phải siết lại và quản lý thật nghiêm, không để xảy ra tình trạng bán giấy phép như hiện nay, làm tăng thêm sự phức tạp trong công tác quản lý. Nếu có thì ta quản lý tư nhân trong lĩnh vực xuất bản bằng luật như thế nào?

Ông LÊ THÁI HỶ,
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm