Đọc sách để lập thân

Buổi tọa đàm có mặt nhiều thế hệ, từ những người tuổi trên dưới 70 như nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, lương y Võ Phước Hưng… cho đến những bạn trẻ tuổi đôi mươi.

Tại buổi tọa đàm, lương y Võ Phước Hưng cho biết ở thế hệ của ông, thanh niên muốn lập thân không thể thiếu việc đọc sách học làm người, nhất là sách của cụ Nguyễn Duy Cần. Mà nếu đã đọc một cuốn thì ắt phải tìm đọc cả tủ sách Thu Giang Nguyễn Duy Cần do cụ viết, Nhà xuất bản Khai Trí ấn hành.

Cả đời vị lương y này đã xem cụ Nguyễn Duy Cần như người cha, người thầy của mình. Ông đọc tất cả sách của cụ, thuộc lòng nhiều cuốn. Dù chưa ngày nào học cụ nhưng ông đã nhiều lần lặn lội từ Cần Thơ lên thăm cụ, rụt rè gõ cửa thưa: “Con Hưng ở Cần Thơ lên thăm thầy”. Ông cho biết những cuốn sách nghiên cứu về Kinh dịch, về triết học Đông phương uyên thâm của cụ đã giúp nhiều cho việc hành nghề y của ông.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tâm sự, năm 1966 ông từ quê vào Sài Gòn học đại học và may mắn được học cụ Cần. Cả thế hệ học trò tuổi ông đều gọi giáo sư - thầy Nguyễn Duy Cần, Giản Chi là “cụ” với tấm lòng tôn kính. Những bài học sâu sắc nhưng được diễn đạt dễ hiểu về triết học phương Đông, nhân sinh, vũ trụ của cụ đã là những bài học cuộc đời hữu ích cho ông. Ông kể, thế hệ của ông học ở cụ Cần sự đối xử công bằng với bản thân, công bằng với xã hội: “Điều gì không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác”.

Đọc sách để lập thân ảnh 1

Những bản sách in trước năm 1975 của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần. Ảnh: HÒA BÌNH

Theo luật sư Võ Văn Quới, đến khi tuổi cao sức yếu cụ Nguyễn Duy Cần vẫn luôn đau đáu: Sách của cụ sau năm 1975 có còn ai đọc không, giới trẻ bây giờ có đọc không? Anh Tô Quang Thiệu, anh Nguyễn Hoàng Nhơn, chị Phương Chi… những trí thức thành đạt có mặt tại buổi tọa đàm đều khẳng định là họ luôn đọc, luôn tìm thấy những bài học làm người, bài học cuộc sống vô cùng hữu ích từ sách của cụ. Những phương thức tự học hỏi, ứng xử hiểu biết, khoa học từ sách cụ là nền tảng để họ học tập và lập thân cho đến ngày hôm nay và nâng đỡ họ trong cuộc sống về sau.

Anh Tô Quang Thiệu chia sẻ: “Giới trẻ bây giờ bị những mục tiêu về kinh tế thu hút, bị chi phối bởi nhiều việc mà lãng quên chuyện đọc sách để trui rèn bản thân, tạo dựng bản lĩnh sống. Nếu giới trẻ đọc sách của cụ Nguyễn Duy Cần sẽ biết đặt mục đích đúng chỗ, biết dừng khi cần, biết mình đã, đang và sẽ ở đâu trong cuộc sống mà vững vàng lập thân, lập nghiệp”.

Cả đời lập thân bằng tự học

Cụ Nguyễn Duy Cần sinh năm 1907, tại Mỹ Tho, mất năm 1998. Cụ có bút danh, biệt hiệu là Thu Giang, Hoàng Hạc, Bảo Quang Tử… Sinh thời cụ chỉ có bằng thành chung (tức học đến lớp 9) nhưng lại tự học để thành một học giả lớn, được mời vào những vị trí quan trọng trước năm 1975 như Giáo sư Trường ĐH Vạn Hạnh, Trưởng ban Triết Đông ĐH Văn khoa Sài Gòn, làm việc tại Ủy ban Điển chế văn tự trực thuộc Phủ quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, là chủ bút báo Tự Do… Ngoài ra, cụ còn là một lương y danh tiếng. Cả đời cụ sống giản dị dù bản thân đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, có sách bán rất chạy và liên tục được tái bản. Cụ sống rộng lượng, phóng khoáng, yêu thương mọi người. Với cụ, cái cần thiết, chính yếu không phải là vật chất thừa mứa mà là sự hữu ích cho đời.

Những tác phẩm tiêu biểu của Thu Giang Nguyễn Duy Cần:

Tôi tự học, Óc sáng suốt, Cái dũng của thánh nhân, Thuật xử thế người xưa, Thuật yêu đương, Một nghệ thuật sống, Trang Tử Nam Hoa Kinh, Trang Tử tinh hoa, Phật học tinh hoa, Dịch học tinh hoa, Chu dịch huyền giải, Để thành nhà văn…

“Hơn tám thập kỷ đã trôi qua, sách của cụ Thu Giang Nguyễn Duy Cần cứ liên tục được tái bản. Bao nhiêu thế hệ độc giả đã đọc sách của cụ cho thấy sách cụ có một sức sống, một giá trị vô giá về những bài học lập thân, học làm người cụ để lại cho đời sau”.

Ông NGUYỄN THẾ TRUẬT,  Phó Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ

HÒA BÌNH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm