Dịch Sơn Táp tôi luôn tự hoài nghi

Tác giả Sơn Táp đã từng hai lần đoạt giải Goncourt  - Pháp cho thể loại tác phẩm đầu tay và cho tác giả trẻ.

Hoàng đế và giai nhân, tiểu thuyết mới của nữ nhà văn Sơn Táp được dịch giả Nguyễn Vũ Hưng và NXB Lao Động giới thiệu với người đọc Việt Nam. Nhân Ngày đọc sách và bản quyền thế giới, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với dịch giả về những giá trị của tác phẩm này.

Tình yêu vượt qua mọi giới hạn

. Anh đã đọc tác phẩm bảy lần trước khi dịch, điều gì khiến anh bị lôi cuốn đến vậy?

+ Dịch giả Nguyễn Vũ Hưng: Tác phẩm lôi cuốn tôi ngay từ lần đọc đầu tiên vì Alexandre được miêu tả rất sống động và sâu sắc. Ít ai nghĩ vị vua bách chiến bách thắng luôn trăn trở, hoài nghi về giá trị bản thân mình. Nhưng ông tự vấn là để tìm ra câu trả lời và tiến lên chứ không phải đặt dấu chấm than để rớt lại phía sau.

. Thế còn mối tình giữa Alexandre và Alestria, đó không phải là nam châm hút anh sao?

+ Alexandre và Alestria, thuộc hai nòi giống khác nhau đã bất chấp mọi định kiến, vượt qua mọi sự phản đối của thần dân hai bên để đến với nhau. Nữ vương Alestria bỏ lại sau lưng ngai vàng, những chị em thân thương trong bộ tộc và bước qua cả sự trừng phạt của thánh thần (đại nữ hoàng của bộ tộc đã từng chết vì cưới một người đàn ông) để theo Alexandre. Alestria, nữ hoàng của một bộ tộc phải giam mình ở một mặt hồ, để người dân của Alexandre tha hồ đến để vứt bỏ mọi buồn vui xuống lòng hồ đó. Alestria đau khổ biết chừng nào khi phải mất đi tự do nhưng vì chồng, nàng hy sinh.

Alestria chấp nhận cái chết để sinh con cho Alexandre có người nối dõi. Nhưng khi phải lựa chọn giữa Alestria và con, Alaxandre đã bắt buộc bỏ đứa con, điều đó có nghĩa là sự hòa hợp của hai người vượt luôn qua mọi giới hạn.

. Trước khi cưới nhau, Alexandre từng yêu những người bạn đồng giới và Alestria cũng yêu một cô gái. Vấn đề giới tính ở đây rất khó hiểu?

+ Tình yêu của Alexandre và Alestria không phân biệt giới tính. Cái họ yêu là tâm hồn. Ngay khi Alestria cất tiếng hát sau cuộc tranh chiến, Alexandre đã nhận ra một tâm hồn quá đẹp và say mê cái tâm hồn đó.

Dịch Sơn Táp tôi luôn tự hoài nghi ảnh 1

Poster giới thiệu hội thảo về Sơn Táp ở Hà Nội và tác giả Sơn Táp.

Dịch Sơn Táp tôi luôn tự hoài nghi ảnh 2

Dịch giả Nguyễn Vũ Hưng. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chinh phạt là để cho những cuộc gặp gỡ           

. Liệu có mâu thuẫn không khi sau những đêm trằn trọc, ám ảnh với những cảnh đầu rơi máu đổ, Alexandre lại tiếp tục những cuộc chinh phạt mới?

+ Alexandre dẫn quân về phía trước không phải để chứng tỏ quyền lực, vơ vét của cải mà chính là để khám phá cái mới, là kiến thức, cái đẹp. Điều đó lý giải tại sao khi đã chiếm được Ba Tư, nền văn minh rực rỡ, giàu có bậc nhất châu Á, ông vẫn còn muốn đánh chiếm Ấn Độ, một vùng đất xa lạ, đầy rẫy nguy hiểm. Cái mà ông muốn là vượt qua được mình, chinh phục những cái mới để thấy cái khác mình.

. Alexandre từng tuyên bố: “Ta - Alexandre, phải mở ra cửa ngõ thông thương Đông Tây”. Vì sao ở thời điểm đó, Alexandre lại có được một tư tưởng táo bạo và cởi mở như vậy?

+ Với ông, chinh phạt là để cho các cuộc gặp gỡ. Nhưng chiến tranh không có nghĩa là phá hủy nền văn hóa. Ông hết sức thích thú và bảo vệ nó. Bằng chứng là ông và quân lính của mình đã mặc trang phục của phương Đông và học ngôn ngữ của họ.

Khi đã chiếm được Ba Tư, nằm trên giường vua Darius, ông đã hết sức thích thú trước mái vòm tròn, một tiến bộ khoa học vĩ đại thời bấy giờ. Ông không những chỉ thích khám phá cái mới mà còn biết chấp nhận cái khác biệt.

Càng thỏa mãn thì cái tôi càng lớn, càng tiến về phía trước, càng vươn ra bên ngoài thì cái tôi càng nhỏ đi. Người nào có ý muốn vượt qua cái tôi của mình để hòa vào vũ trụ thì người đó sẽ sống một cuộc đời thật sự. Vì thế, Alexandre đã sống một cuộc đời thật sự.

. Anh thấy mình có ảnh hưởng gì từ tác phẩm này không?

+ Nếu mà có một cái gì đó thì chắc là những cái hoài nghi về chính mình. Khi dịch xong tác phẩm rồi, nộp bản thảo đi rồi mình vẫn còn hoài nghi là mình có thể làm được tốt hơn hay không.

. Xin cảm ơn anh.

Cây bút gây sóng gió văn đàn Pháp

Sơn Táp (Shan Sa) tên thật là Diêm Ni, sinh năm 1972 tại Bắc Kinh trong một gia đình trí thức khoa bảng. Năm lên 8 cô có thơ in thành tuyển tập. Năm 14 tuổi, được giải văn học thiếu nhi gây chấn động văn đàn Bắc Kinh. Cô đã xuất bản bốn tập thơ khi còn ở trong nước.

Năm 1990, cô theo cha là giáo sư ĐH Sorbonne (Paris) rời Trung Quốc sang Pháp học ở Paris. Cô tốt nghiệp ngành triết và làm thư ký cho họa sĩ Balthus năm 1994-1996.

Tác phẩm đầu tay của cô là Thiên An môn đã giành giải Goncourt cho tiểu thuyết đầu tay năm 1998.

Cuốn Bốn cuộc đời của cây liễu, giành giải thưởng Cazes năm 1999.

Thiếu nữ đánh cờ vây, quyển này là tác phẩm đầu tiên của cô được dịnh ra nhiều thứ tiếng, được bốn giải văn học của Pháp đề cử và được trao giải Goncourt cho giới trẻ năm 2001.

Cuối năm 2003, Sơn Táp trở thành tâm điểm của giới báo chí và xuất bản Pháp vì một trận chiến ầm ĩ giữa hai nhà xuất bản lớn Albin Michel và Grasset để giành quyền ấn hành quyển Nữ hoàng (Impératrice) viết về cuộc đời Võ Tắc Thiên.

Hoàng đế và giai nhân một lần nữa gây ấn tượng mạnh và khẳng định tài năng của nhà văn trẻ này.

Hoàng đế và giai nhân - chinh phục để khám phá

Hoàng đế và giai nhân là tiểu thuyết hư cấu về cuộc tình dị thường, mê đắm của hai nhân vật lịch sử: Alexandre đại đế và Alestria. Alexandre đại đế (356-323 TCN), là vua thứ 14 của Macedonia (một vùng ở phía Bắc Hy Lạp ngày nay). Ông đã chinh phục Ba Tư, cả vùng Trung Đông mở rộng đế chế đến tận biên giới Ấn Độ. Alestria là nữ hoàng xứ Amazons, ở gần Bắc cực.

Dịch Sơn Táp tôi luôn tự hoài nghi ảnh 3

Trong Hoàng đế và giai nhân, thời nhỏ Alexandre bị vua cha trấn áp tinh thần, lạm dụng tình dục, còn mẹ dùng ông như tấm bình phong để chống lại vua cha. Lớn lên, kế vị ngai vàng Alexandre cần những cuộc chiến đẫm máu để quên đi những nỗi đau. Alestria là nữ hoàng xứ Amazons lãnh đạo đất nước chống lại Alexandre. Trong cuộc tranh chiến họ đã yêu nhau. Alestria bỏ vương quốc theo Alexandre tham gia các cuộc chinh phạt và chấp nhận trả giá hết sức nghiệt ngã cho chuyện tình của họ.

YÊN THẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm