Đầu tư sai chỗ

Trong cuốn sách Cơ cấu trí khôn (Nhà xuất bản Giáo dục), Howard Gardner chỉ ra có tất cả bảy loại trí khôn khác nhau: ngôn ngữ, logic - toán, không gian, cơ thể động, âm nhạc, cá nhân nội và cá nhân ngoại. Người giỏi cơ thể động thì làm xiếc, người giỏi không gian thì làm thủy thủ… Vậy thì cần gì bắt tất cả phải giải đạo hàm suốt 12 năm trời. Chúng ta đã sai lầm khi đưa tất cả học sinh vào một quỹ đạo duy nhất là học cùng một thứ chứ không phải học để phát huy trí khôn của mình.

Đề án có nhấn mạnh sẽ áp dụng một số chương trình dạy học tiên tiến của thế giới. Trước tiên phải hiểu thế nào là tiên tiến. Đem cái tiên tiến đi vào vũ trụ của Mỹ vào dạy ở Việt Nam thì tiên tiến đấy nhưng liệu nó có thích hợp với học sinh của ta tại thời điểm này hay không? Tiên tiến phải so với cái chuẩn của chính khu vực nó phục vụ chứ không có cái tiên tiến mơ hồ, siêu hình.

Hệ thống trường chuyên của chúng ta hiện nay là “vườn ươm quan”, học sinh học để thi cử để làm quan chứ không phải vườn ươm những con người sống và phục vụ vì cộng đồng. Đồng bằng sông Cửu Long còn hàng ngàn chiếc cầu khỉ, chúng ta cần những nhà trí thức làm được cầu bê tông, thiết kế, thi công 1.000 chiếc cầu khỉ bằng 1.000 chiếc cầu bê tông một cách hiệu quả nhất. Tiên tiến là ở chỗ làm những việc gần với cuộc sống một cách khoa học nhất chứ không phải đi sang nước ngoài học về rồi để đó không áp dụng được gì.

Tôi có thằng cháu ở Đan Mạch. Nó học rất dốt, nó không thể học ở bất cứ trường nào và nó đã tham gia vào một lớp học nghề. Ở đó, một giáo viên phụ trách năm đứa từ 15 đến 17 tuổi dạy nó cách sống từ một thiếu niên lên thanh niên. Nó học nghề, thực tập và kiếm tiền bằng nghề đó. Một nền giáo dục hiện đại phải là một nền giáo dục tạo cho người học có khả năng tư duy, tạo cho họ cái nghề và bảo đảm cho họ sống hạnh phúc với đúng năng lực có thực của mình chứ không phải bắt người ta phải học giống nhau và giỏi toàn diện. Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan… những nước có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, họ cũng đào tạo như thế.

Điều đầu tiên là người làm giáo dục phải hiểu rõ đối tượng học, từ đó tổ chức việc học dựa trên nhu cầu của người học thì mới cho ra sản phẩm chắc chắn. Trong đề án này, chúng ta đã tham khảo ý kiến của các em chưa? Chương trình học phải phù hợp với người đi học chứ không phải phù hợp với người tổ chức trường học.

Nhà nghiên cứu giáo dục PHẠM TOÀN (YÊN THẢO ghi)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm