“Có những lúc đau quá phải kêu lên”

“Trong lòng dằn vặt cái gì thì viết ra như thế”

Tâm sự về con đường đến được với bạn đọc hôm nay của tập Thơ Nguyễn Duy, tác giả tự trào: “Bản thảo Thơ Nguyễn Duy tôi hoàn thành năm 1997, nhân kỷ niệm 30 năm làm thơ, 50 tuổi đời. Đây là tuyển tập những bài tôi đã in rải rác trong suốt cuộc đời thơ của mình, nhưng chẳng hiểu sao các NXB đều rất ngần ngại. Đầu tiên tôi đưa cho NXB Hội Nhà Văn, NXB đề nghị bỏ… mười bài, toàn những bài tôi viết về hồn dân, tình dân, lòng dân và lời dân, như Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ, Nhìn từ xa… Tổ quốc, Đánh thức tiềm lực… trong đó có bài Đá ơi: “Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh/ Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”. Tôi buồn quá, bèn đưa sang NXB Văn Học, các anh đề nghị bỏ… bảy bài, thế là tôi đành rút lại. Năm 2002, tôi đưa cho NXB Hải Phòng, các anh ấy chỉ đề nghị bỏ bốn câu trong Nhìn từ xa… Tổ quốc, tôi đành đồng ý, nhưng đến lúc vào nhà in rồi lại bị thu hồi. Từ 2002, tập thơ bị “om” đến bây giờ, và số phận run rủi thế nào nó lại được ra đời từ NXB Hội Nhà Văn. Đời thơ của tôi, “chữ tài liền với chữ tai một vần”.

“Có những lúc đau quá phải kêu lên” ảnh 1

Buổi giao lưu Nguyễn Duy - Bạn và thơ diễn ra trong không khí thân tình với nhiều thân hữu của tác giả và người yêu thơ ông. 

Tâm tình với bạn đọc báo Sài Gòn Tiếp Thị, nhà thơ Nguyễn Duy rất xúc động khi biết nhiều trí thức trẻ thuộc thơ mình. Tiến sĩ Trần Nam Dũng, khoa toán – tin đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM thổ lộ: “Từ hồi học sinh tôi đã mê và thuộc Sông Thao. Có hai câu tôi thích nhất là “Xin chớ hỏi tại làm sao như vậy/Tôi vốn không rành mạch bao giờ”. Sau này lớn lên, tôi thích những bài thơ mang tâm sự thời cuộc như Đánh thức tiềm lực. Xin hỏi nhà thơ: bây giờ ông đã rành mạch chưa? Ông nghĩ gì về vai trò của trí thức Việt Nam trong xây dựng và cải tạo xã hội?” Nhà thơ bật cười thú vị: “Hai câu hỏi của bạn thật khó trả lời… Ngày xưa không rành mạch, bây giờ càng không rành mạch! Đánh thức tiềm lực tôi viết trong hai năm 1980 – 1982, chứa đựng bức xúc của mình và của người dân. Trong lòng mình dằn vặt cái gì thì viết ra như thế, nên có lẽ được bạn đọc cảm thông. Thực ra mình thích viết những gì lãng mạn, còn chuyện thế sự, lý sự thì đâu có thích, nhưng có những lúc đau quá thì phải kêu lên!”

Nhà thơ của nhân dân

“Có những lúc đau quá phải kêu lên” ảnh 2

“Đời thơ của tôi, chữ tài liền với chữ tai một vần”  

Trả lời bạn Hồng Cẩm vì sao làm thơ tặng vợ cũng quá tha thiết, nhà thơ Nguyễn Duy rót đầy chén rượu, “đưa ngang mày” mời vợ ông một cách trân trọng, y như trong câu thơ anh viết: “Mỗi năm tết có một lần/ Mời em ly rượu tay nâng ngang mày/Vợ cười chưa uống đã say/ Ngọt ngào thì nổi đắng cay thì chìm…” Không gian buổi giao lưu như chùng xuống, rồi một tràng pháo tay rộ lên, khi đôi bạn tình tóc đã hoa râm mời nhau chén rượu tri âm. Giọng nhà thơ khẽ khàng: “Thơ của tôi có biên độ rất rộng, từ dân đen, người ăn mày, đến cả ông vua… tất cả những gì cảm động, tốt đẹp mình đều cảm xúc hết. Năm 1995 tôi xuất bản hai tập thơ tình: tập Tình tang viết cho nhiều người, và tập Vợ ơi viết riêng cho vợ. Vợ chồng tôi lấy nhau nghèo lắm. Mình lính mặt trận, sống chết, phiêu dạt giang hồ quanh năm suốt tháng, ít khi có nhà, bỏ vợ con bê bối, đến lúc ngồi ngẫm lại thấy mình công ít tội nhiều… Mỗi năm tôi có một bài thơ kính tặng vợ, có nhiều bài thật sự gan ruột, giãi bày một tình cảm rất thật của mình, không phải thơ nịnh vợ. Tôi nghĩ những bài tôi tặng vợ không phải tâm trạng riêng tư đâu…”

Tác giả nổi tiếng là người thuộc thơ mình và đọc thơ rất truyền cảm, nhưng có lẽ người thuộc thơ Nguyễn Duy hơn cả tác giả lại chính là bác sĩ Hải Đăng, một “tín đồ” tự nhận đã “phải lòng” thơ anh từ những ngày còn mặc áo lính. Mỗi khi nhà thơ ngập ngừng để nhớ lại, từ cuối bàn, anh nhắc ngay. Bác sĩ Hải Đăng nói: “Thơ Nguyễn Duy bài nào cũng hay, có những bài đánh dấu từng thời kỳ thăng trầm của đất nước, đọc lên thì chua chát, giễu cợt, tức cười, đọc xong thì lạnh buốt tuỷ sống”.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng cũng có mặt trong buổi giao lưu, tỏ lộ sự vui mừng với người bạn thơ thân thiết: “Trong đời nghệ sĩ không ai có tài mà không bị oan, có người chết rồi vẫn chưa được minh oan. Nguyễn Duy còn hạnh phúc hơn nhiều bạn bè khác là được minh oan khi còn sống. Mừng cho Nguyễn Duy, tôi mừng hơn khi tập thơ này ra đời sẽ lan toả rộng hơn đến mọi người”.

Nhà báo Lưu Trọng Văn kết thúc buổi giao lưu với những lời tâm huyết: “Tôi rất cảm ơn báo Sài Gòn Tiếp Thị đã thực hiện buổi giao lưu này. Chúng ta thường “mạnh mồm” tôn vinh giá trị giả, còn những giá trị thật lại tôn vinh rất rụt rè. Nguyễn Duy là một nhà thơ lớn của Việt Nam, được ghi nhận trong lòng dân, trong những người yêu thơ, đó mới là giá trị quý giá nhất”.

Theo Kim Yến, ảnh: Hồng Thái (SGTT) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm