Văn hoá FPT quá đà đã lâu

Vụ múa “khỏa thân” của học viên FPT Arena: Tổng giám đốc FPT cảnh cáo những người liên quan

Trên thực tế, màn trình diễn múa khoả thân từng diễn lần đầu trong lễ Halloween năm 2007. Sau màn chào Haloween năm ngoái, những tấm ảnh “khoe hàng” được chọn treo tại sảnh Đại học FPT và hầu như không ai có ý kiến, xem đó là bình thường. Thậm chí, clip lễ hội này ngay sau đó được tung lên mạng, nhưng hầu như không có phản hồi.

"Khoe hàng", chuyện không mới ở FPT

Những hoạt động “thô” như thế ở FPT là bình thường. Một bạn lấy Nick là lacosbaby cho biết: “Thi thoảng trường lại tổ chức chiếu phim “bựa” để nâng cao “độ bựa” của thần dân”. Bạn có Nick ngongbeohd cho hay: “Cách đây 5 năm, mình với người yêu cũng “vinh dự" được mời tham dự buổi kỷ niệm 15 năm thành lập FPT, tổ chức tại Cung Văn hóa hữu nghị. Cả hai không đủ can đảm xem hết chương trình vì toàn trò “khoe súng đạn”, bao cao su... rồi cả những câu thơ xuyên tạc, tục tĩu”.

Hình ảnh xấu hổ của văn hoá FPT.
Hình ảnh xấu hổ của văn hoá FPT.

Không ít thành viên bất bình về “màn kịch”, nick deutschlandvermisstVN lên tiếng: “Không hiểu sao nhóm nữ đứng sau vẫn vỗ tay rầm rầm trước hai người đàn ông gần như không quần áo. Họ không biết xấu hổ hay đã vô cảm hết rồi”. Thành viên jainakang và một số nick khác có mặt trong đêm diễn, cho hay: “Hội trường đông đến mấy nghìn người, trong đó có nhiều trẻ em, người cao tuổi là người nhà của cán bộ, nhân viên FPT”.

Sau nhiều lần từ chối, Tổng đạo diễn chương trình cũng “miễn cưỡng” trả lời phóng viên về sự cố, kèm theo lời giải thích “Tôi không muốn phản bội đồng đội, mọi người đang rất buồn và không muốn nhớ lại chuyện đã qua...”. Theo ông, sự việc xảy ra quá nhanh, ngoài chương trình nên không thể ngăn chặn.

Còn L., một kịch sĩ từng nhận huân chương “Vì sự nghiệp FPT”, thanh minh: “Phải nói cho rõ ràng rằng hai thành viên này không phải là nhân viên thuộc tập đoàn FPT, người FPT nhiều sáng tạo bất ngờ nhưng không bao giờ quá đà. Hai sinh viên này không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì với hình ảnh của công ty, vì thế mới có những hành vi thái quá. Con sâu làm rầu nồi canh, cũng đừng vì thế mà mọi người quy chụp xấu về văn hóa FPT”.

Vương quốc riêng về văn hóa "Sờ ti cô"

Nhưng, có thật đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh? Và nếu không phải là công dân FPT thì hai người này lại đang bị đề nghị kỷ luật?

Dân FPT tự hào về vương quốc với thứ văn hóa riêng của mình: Văn hóa “Sờ - ti - cô” (STCo, viết tắt của Sáng tác Công ty). Điểm nổi bật của văn hóa này là tinh thần tự do sáng tạo. Một công dân FPT còn tự hào cho biết, lãnh đạo của họ từng tuyên bố: Nhân viên FPT “không phải làm những việc không thích, được làm những việc mình thích, hơn nữa lại là những việc hoành tráng”. FPT cũng cho phép các nhân viên của mình được tự do ngôn luận. Tạp chí Chúng Ta của FPT ra lò mỗi tuần một số với tinh thần ấy. FPT cũng “nổi tiếng” về những phát ngôn, như “Chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến”.

Nhưng, nổi hơn cả của FPT là “một bí kíp” với những chiêu giúp cư dân có bản sắc riêng, khó đối thủ nào vượt qua. Bí kíp này được cư dân FPT đặt tên là sách đỏ STCo, "danh bất hư truyền" với những ca khúc nhại lời “xuyên quốc gia”. Sách đỏ FPT bao gồm 4 tuyển tập, tập 1: Giai điệu STC; tập 2: Thơ văn STC; tập 3: STC tư liệu; tập 4: Di cảo STC, trong đó, Giai điệu STCo được xem là chìa khóa làm nên thành công cho văn hóa cộng đồng FPT.

Tiến sĩ Xã hội học Bế Trung Anh, Học viện Chính trị Quốc gia HCM, cho biết: Tôi là một người biết khá rõ về FPT, từ khi họ khởi nghiệp. Ở FPT vẫn luôn có cái tôi đặc trưng cho văn hoá doanh nghiệp, và công ty rất chú trọng điều này. Thế nhưng, ranh giới giữa sự sáng tạo quá mức và chuẩn mực của hệ thống đạo đức thường rất mong manh. Chính vì thế mà nhiều bài hát, nhiều hoạt động của họ mang tính chất văn hoá đặc thù nhưng lại cũng dễ rơi sang phía bên kia của sự phản cảm. “Riêng hành động của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm TGĐ đón nhận “màn ôm hôn” của hai học viên, chứng tỏ đường hướng văn hoá của công ty rất ưu ái những sự việc như thế. Có thể nó trái với công luận nhưng lại phù hợp với tôn chỉ mục đích của họ”.

Ý thức chính trị của cán bộ công ty rất kém

Trước sự cố sinh viên FPT Arena “múa khỏa thân”, ông Lê Ngọc Cường, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, trước hết phải đuổi học hai “diễn viên chính”, tiếp đó xem xét tư cách của ban giám đốc để quyết định có nên tồn tại đơn vị này không?

- Trên phương diện cơ quan quản lý văn hóa, ông đánh giá thế nào về vụ việc xảy ra vừa qua tại FPT?

Có hai vấn đề lớn. Khi tổ chức sự kiện vượt ra ngoài quy mô cơ quan mà không xin phép đã là sai. Mặc dù, theo giải trình của FPT, đây là chương trình nội bộ, nhưng thực tế lại không phải vậy. Theo thông tin báo chí, chương trình này được tổ chức tại Trung tâm hội nghị quốc gia, như vậy không còn là nội bộ nữa. Cái sai thứ hai là họ đã xuyên tạc bài hát. Những bài hát cách mạng mà xuyên tạc như vậy, chứng tỏ ý thức chính trị của cán bộ của cơ quan này rất kém.

- FPT coi đây là một tai nạn...

- Ngày 19/9, khi biết thông tin, tôi đã gọi điện sang Sở văn hóa Hà Nội, yêu cầu Giám đốc và Ban tổ chức FPT giải trình và đưa hình thức xử lý với hai học viên trên. Dù nói rằng khi tổng duyệt các em quần áo nghiêm chỉnh, hát đàng hoàng và không có màn múa may này, vậy tại sao sự việc lại xảy ra như thế? Và khi thấy việc xảy ra không có trong kịch bản, Ban giám đốc lại không đình chỉ ngay? Vì thế, trước hết các học viên này phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Còn FPT vi phạm về địa điểm tổ chức, chỉ riêng điều này cũng đủ cơ sở xử lý. Theo quan điểm của riêng tôi, trước hết phải đuổi học hai em học sinh này. Thứ hai phải xem xét lại tư cách Ban giám đốc, có nên tồn tại đơn vị như thế hay không?

- Còn việc xuyên tạc một bài hát ca ngợi cách mạng thì sao?

- Với kiểu xuyên tạc “ra đi ra đi áo quần không có”, tôi phải dùng bằng từ “phản động và vô chính trị”. Tôi khẳng định, hoạt động này của FPT không còn nội bộ nữa. Trong sáng hôm nay, chúng tôi sẽ làm việc với Sở Văn hoá Hà Nội. Chúng tôi coi đây là vụ trọng điểm, phải làm thật cương quyết.

Sở Văn hoá HN sẽ làm rõ mức độ xuyên tạc ca khúc. Trong trường hợp này, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (tác giả bài hát Đoàn vệ quốc quân) có quyền khởi kiện. Tôi đề nghị Trung tâm bản quyền âm nhạc đứng ra bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm cho tác giả.

- Văn hoá FPT là luôn kích thích sự sáng tạo. Ông nghĩ sao về sự sáng tạo này?

- Sáng tạo phải mang tính giáo dục, thẩm mỹ, định hướng. Không thể sáng tạo một cách bừa bãi, thiếu giáo dục như thế.

- Cảm ơn ông.

Theo Nhóm Phóng viên (Đất Việt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm