Tưởng ‘xe ôm Tây’ là người gốc Việt

Nhiều khán giả đã biết Adi là tên gọi thân mật của Adrian Zagrodziki, chàng MC truyền hình người Ba Lan có khả năng nói tiếng Việt điêu luyện và cực kỳ dí dỏm.

Nói giọng Bắc đặc sệt

Camera giấu kín” của kênh truyền hình ANTV là chương trình đầu tiên đưa anh chàng Adi mắt xanh, tóc nâu làm quen với khán giả Việt. Lúc đó, Adi nói giọng Bắc còn hơi lơ lớ, trải nghiệm phản ứng của mọi người khi vào vai xe ôm Tây. Lúc đó tuy chưa phát âm thật chuẩn nhưng anh chàng đã “chém gió” thoải mái bằng vốn từ phong phú của mình. Sau chương trình đó, Adi tiếp tục vào vai đi bán báo, đánh giày, bán cà phê, bán bắp ngô… Rồi Adi được mời làm MC cho nhiều chương trình khác như “Việt Nam đất nước tôi yêu”, “S - Việt Nam”, “Con đã lớn khôn”, “Bạn đường hợp ý”…

Hoàn thành khóa học tiếng Việt nâng cao ở trường đại học Hà Nội (học bổng du học), Adi đã nói giọng Bắc đặc sệt. Anh chia tay các chương trình quay ở phía Bắc để vào Sài Gòn. Ngoài giờ làm việc, anh cũng thường ngồi cà phê vỉa hè “chém gió” với các bạn bè đa quốc tịch của mình. Nhiều người hỏi Adi có phải con lai gốc Việt không mà nói tiếng Việt hay quá, Adi trả lời tỉnh rụi: “Vâng ạ, cụ nhà em gốc Hải Phòng ạ”. Trách Adi nói xạo, anh khẳng định: “Không xạo đâu, bố mẹ nuôi của Adi người gốc Hải Phòng mà!”.

Thói quen mỗi ngày của Adi là mua báo và đọc ngay trên đường đi làm. Ảnh: HỒNG MINH

Được người Hà Nội mua phở bắt ăn

Ban đầu Adi học tiếng Việt ở một trường đại học Ba Lan là do… duyên số. Anh thi vào khoa tiếng Nhật nhưng bị trượt, nhà trường cho chọn nguyện vọng hai là khoa Ngữ văn Việt-Thái. Adi đăng ký học cho biết, đợi năm sau thi lại. Năm thứ hai, Adi thi đậu vô khoa tiếng Nhật nhưng anh lại ngần ngừ vì thích nghe thầy, cô giáo hát những làn điệu dân ca và giới thiệu văn hóa Việt Nam. Cuối cùng, Adi từ chối chuyển ngành học và săn học bổng sang Việt Nam học tiếp.

Đến Hà Nội được ba tháng, Adi bị đụng xe ở một ngã tư, tỉnh dậy thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện. Adi kéo áo lên, chỉ vào vệt sẹo lớn ở hông trái: “Adi khỏe lắm, vậy mà lần đó không nhúc nhích được, đau dã man luôn ấy. Lúc đó không có ai bên cạnh hết. Bác sĩ đưa đơn thuốc cho mình, nói bằng tay chân, ý là mình ra ngoài mua mấy thuốc này vào tiêm cho. Mình nghĩ đau kiểu này chết thôi chứ đi gì nổi. Nhưng mấy bệnh nhân ở cùng phòng thương mình lắm, nói: “Tây ơi đưa đây tao đi mua cho”. Mình bảo: “Em đau quá, bác cầm tiền mua giúp em với”. Nhưng người ta không chịu cầm tiền cho. Người ta còn mua phở bắt mình ăn. Người Việt Nam rất tốt bụng!”.

Có một gia đình ở Việt Nam

Bù cho sự xui rủi, Adi lại có thêm nhiều người bạn thân thiết và có thêm gia đình mới ở đất khách quê người. Adi có thêm em trai, chị và cha mẹ nuôi ở Hải Phòng. Một cô gái đặt tên tiếng Việt cho Adi là Hải Phong, nghĩa là gió biển, lại gần gũi với quê của cha mẹ nuôi. Adi rất thích tên mới của mình. Anh bày tỏ: “Mình muốn nói tiếng Việt giỏi như tiếng mẹ đẻ vì đã yêu văn hóa nơi này, xem đó như quê hương của mình”.

Adi cho biết văn hóa Ba Lan có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, đặc biệt là các gia đình ở Ba Lan có truyền thống coi trọng người lớn tuổi, người trẻ thường quay về gia đình để chăm sóc cha mẹ khi họ già yếu. Tết đến, Adi xúng xính theo cha mẹ nuôi ở Hải Phòng đi chúc tết, lì xì cho các em nhỏ và đợi được người lớn lì xì. Adi không cảm thấy mình đang sống ở nước ngoài, từ giọng nói cho đến nếp sống hằng ngày.

Adi cũng từng yêu rồi thất tình với một cô gái người Việt, mà theo miêu tả của anh là “dễ thương thôi rồi”. Nhưng vì chưa đủ duyên nên chỉ là bạn của nhau.

Mỗi khi rảnh Adi hay ngồi cà phê cóc để quan sát cuộc sống và trò chuyện với những người nghèo ở quê lên mưu sinh trên đường phố Sài Gòn. Từng vào vai xe ôm trong một chương trình truyền hình thực tế nên Adi quen với phong cách của người dân lao động. Cũng từ chương trình này mà biệt danh “xe ôm Tây” dành cho anh trở thành cụm từ khóa hot trên mạng. Nhiều lần Adi chống xe, ngồi ở góc đường hí hoáy nhắn tin hoặc đọc báo, có người nhận ra và kêu: “Ôi xe ôm Tây đây mà”. Adi trả lời với nụ cười hóm hỉnh thường trực: “Bác muốn đi đâu lên xe em chở, giá rất bình dân nhá”.

Adi hiện đang làm cho một công ty truyền thông, đảm nhận nhiều vai trò khác nhau: Biên tập chương trình, viết kịch bản, làm MC dẫn chương trình… Anh chia sẻ: “Công việc mới ở Sài Gòn thu nhập thấp hơn việc ra Hà Nội dạy tiếng Anh. Nhưng mình thích ngành truyền hình và thích cuộc sống ở đây. Công việc này cho mình nhiều sự quan sát, trải nghiệm”.

Adi sẽ tiếp tục theo đuổi ngành truyền hình bởi anh vẫn còn nhiều kế hoạch và đam mê. Tương lai xa hơn nữa thì chưa biết nhưng anh vẫn muốn ở lại Việt Nam. Anh nói: “Adi là con một, bố mẹ hay gọi điện kêu Adi về nhà. Adi nói với bố mẹ ở đây cũng như ở nhà mình, mọi thứ đều ổn. Thật đấy, ở đây mình thấy rất ấm áp”.

__________________________________

Gần bốn năm ở Hà Nội đã giúp Adi có kinh nghiệm đầy mình trong việc… trả giá. Nhiều người bán hàng hễ gặp người nước ngoài là nói thách, hét giá cao ngất ngưởng. Có lần đi chơi phố cổ, Adi hỏi mua một đôi dép tổ ong để đi dạo cho mát chân, bà đẩy xe bán dép nói thách: “Xin chú trăm ngàn”. Adi trả giá: “Nhà cháu biết giá rồi, chỉ 30.000 thôi. Bà bán 40.000 cho nhanh”. Mấy bà bán hàng rong quay sang nói với nhau: “Giời ơi, thằng Tây này nó biết tiếng Việt mới đau”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm