Trò chuyện với tác giả và dịch giả Gia đình bé mọn

Từ một người phụ nữ Mỹ hiện đại tình cờ học Tiếng Việt, đến việc trở thành con dâu và hiện đang sống ở Hà Nội để cho con học tiếng Việt rồi có những người bạn Việt rất thân thiết, chị nói rằng “đó là lựa chọn đúng” của chị. Chị đã dịch khá nhiều tác phẩm văn học của các nhà văn đương đại nước ta giới thiệu sang Mỹ - Tổ quốc của chị và gần đây là cuốn tiểu thuyết đoạt nhiều giải thưởng của nữ nhà văn Dạ Ngân- Gia đình bé mọn. Chúng tôi đã được hai chị dành cho một cuộc chuyện trò thú vị.

PV: - Thưa các chị, người Việt hay nói đến cơ duyên. Hai chị có duyên gặp nhau thế nào?

Trò chuyện với tác giả và dịch giả Gia đình bé mọn ảnh 1Dịch giả Rosemary Nguyễn: (cười) Tôi gặp chị Ngân phải nói là cũng khá hài hước. Năm 1994, tôi được Đại học Yale ở Mỹ yêu cầu tuyển chọn một số tác phẩm văn học Việt Nam để dịch.

Tôi đọc rất nhiều truyện trên báo Văn nghệ và thấy thích truyện của anh Nguyễn Quang Thân ( chồng chị Ngân). Tôi có tìm gặp anh Thân để xin phép và anh Thân nói: “ Vợ tôi cũng là nhà văn, chị phải về nhà tôi gặp vợ tôi; chị dịch truyện của tôi thì cũng nên thử xem qua truyện của vợ tôi xem sao”. Lúc ấy tôi nhủ thầm, thế là chết rồi, chắc vợ ông này viết dở lắm nên ông ấy mới ép mình vậy. Nhưng rồi cũng theo anh ấy về nhà gặp chị Ngân. Không ngờ chúng tôi mới gặp nhau lần đầu mà đã nói chuyện từ 7 giờ tối đến hơn 12 giờ đêm. Sau đó, tôi đọc truyện của chị Ngân và thấy hay quá. Lần ấy tôi dịch 9 truyện của 8 nhà văn ( anh Thân 2 truyện) in thành tập sách xuất bản, Đại học Yale và các trường khác cũng lấy tập truyện đó như một giáo trình để dạy sinh viên về Việt Nam và truyện Nhà không có đàn ông của chị Ngân được đánh giá là hay nhất.

Nhà văn Dạ Ngân: Thảo dịch và vẽ minh hoạ sách luôn. Thảo vẽ đẹp lắm. Lần đó tranh minh hoạ cho truyện ngắn của mình được in thành bìa sách.

PV: Trước khi dịch Gia đình bé mọn, chị đã dịch nhiều tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam chưa?

Dịch giả Rosemary Nguyễn: Truyện ngắn thì mình dịch cũng khá nhiều, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thân, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Quang Lập, riêng nhà văn Đoàn Lê thì dịch cả 1 tập ( NXB Curbtone Press). Gia đình bé mọn là tiểu thuyết đầu tiên mà NXB này chọn dịch in. Và chị Ngân chọn tôi làm người dịch cho chị.

Nhà văn Dạ Ngân: Nhà xuất bản này là tổ chức phi lợi nhuận, như một nghĩa cử đối với các nước đang phát triển, để đưa văn hoá của các nước đó đến với nước Mỹ.

Dịch giả Rosemary Nguyễn: Vâng, ông Wayne Karlin, người chuyên tổ chức bản thảo cho NXB là một cựu binh Mỹ, ông cũng là một nhà văn. Khi đọc tiểu thuyết Gia đình bé mọn qua bản dịch của tôi, ông đã thốt lên rằng, nhân vật nữ chính- nhà văn Tiệp - là một trong những nhân vật phức tạp và con người nhất so với tất cả những nhân vật mà ông đã đọc từ văn học Việt Nam.

PV: Nhân nói đến nhân vật nữ chính, chị cảm nhận thế nào về Tiệp?

Dịch giả Rosemary Nguyễn: Ban đầu tôi thấy không thích. Cô này dã man quá, đòi ly dị ngay trước mặt con, đó là điều tối kỵ ở người Mỹ. Rồi cảnh gửi con nhỏ để đứa lớn trông đứa nhỏ trong khi cô ta đi Hà Nội hay đi đây đó, với người Mỹ như thế gần như là ngược đãi trẻ em. Nhưng càng đọc, càng hiểu rằng đó là đời sống người Việt, sự chật vật của người Việt hậu chiến.

Sau tôi lại thấy thích, Tiệp không phải là người phụ nữ trong trắng (văn học Việt Nam hay viết về sự trong trắng của người phụ nữ), ngoài chồng mình, Tiệp yêu Đính, người đàn ông cũng không hẳn là tốt, cứ để Tiệp chờ mãi mà không chịu bỏ vợ, nhưng Tiệp vẫn chờ đợi vì chỉ với Đính, Tiệp mới thoả mãn được lý tưởng về người đàn ông, về hạnh phúc, về khát vọng văn chương. Tiệp vừa có ưu điểm vừa có khuyết điểm, hăng hái, nổi loạn, vừa nghĩ thế này đã lại nghĩ thế khác, chính vì thế nhân vật trở nên hay.

Nhà văn Dạ Ngân(trái) và Dịch giả Rosemary Nguyễn.
Nhà văn Dạ Ngân(trái) và Dịch giả Rosemary Nguyễn.

PV: Thưa nhà văn Dạ Ngân, chị nghĩ thế nào khi xây dựng một người phụ nữ bất hạnh, đầy giằng xé nội tâm và nổi loạn? Và cảm nhận của chị Thảo liệu có đúng với ý tưởng nghệ thuật của chị không?

Nhà văn Dạ Ngân: Tôi viết tiểu thuyết này với tâm thế thoải mái. Đất nước chiến tranh liên miên, lại là nước nông nghiệp lạc hậu, nên khát vọng sống của con người gặp rất nhiều barie, bị chi phối bởi nếp nghĩ cổ hủ của cộng đồng. Một cuộc ly dị phải mất mười năm trời, đây là sự mâu thuẫn giữa khát vọng sống hạnh phúc và những lề thói. Tôi viết là viết cho bạn đọc Việt Nam, những người có thể ngửi văn là đã cảm được chứ chúng tôi đâu đã được viết bằng hết, viết thoải mái như ở bên Mỹ. Thảo có sự nhạy cảm của người am hiểu, rất am hiểu Việt Nam, tôi nghĩ Thảo cảm nhận đúng.

PV: Thưa chị Thảo, chị nghĩ bạn đọc quê hương chị đón nhận tiểu thuyết này thế nào?

Dịch giả Rosemary Nguyễn: Tôi nghĩ tiểu thuyết này dịch sang Mỹ sẽ có nhiều người thích. Sẽ nhắc người Mỹ nhớ đến những năm 50 của thế kỷ trước, đó là thời kỳ của mẹ tôi, thời ấy ly dị cũng không phải là chuyện dễ. Không như bây giờ, người Mỹ coi ly dị là một việc bình thường. Tôi muốn nhắc rằng, ly dị không phải là việc tốt nhưng đôi khi là việc cần thiết, để người ta nhớ rằng quyền ly dị cũng là một quyền, và cần được tôn trọng. Bên cạnh đó, người Mỹ sẽ hiểu thêm về tâm lý, văn hoá người Việt.

PV: Dịch một tiểu thuyết hẳn phải khác với dịch một truyện ngắn, tiểu thuyết của chị Ngân lại thấm đẫm hơi thở, không gian văn hoá miệt vườn Nam bộ, chị có chuyển tải được văn phong của tác giả không?

Dịch giả Rosemary Nguyễn: Dịch tiểu thuyết khó hơn dịch truyện ngắn nhiều. Tôi đọc và thường phải gọi cho chị Ngân để trao đổi. Một chi tiết, một câu nói của nhân vật đôi khi tôi phải nhờ chị Ngân giải thích. Nhiều khi lại hỏi chồng, chồng tôi viết cho phần chú thích. Không thể dịch theo kiểu chữ = chữ ( words by words) được, đôi khi tôi phải dịch thêm vào để người đọc có thể hiểu được. Không gian văn hoá miệt vườn, văn phong của chị Ngân tôi cũng cố gắng giữ gìn và chuyển tải, chắc cũng được khoảng 95%.

Nhà văn Dạ Ngân: Có thuận lợi khi Thảo dịch tiểu thuyết của tôi là Thảo là con dâu miệt vườn Cần Thơ, quê hương của tôi. Luôn có một ông Cần Thơ trong nhà.

Dịch giả Rosemary Nguyễn: Em cũng thường về quê chồng, và thời thơ ấu em sống ở một trang trại nên cũng có những cảm nhận, những ấn tượng về miền quê.

Tôi nhìn hai người phụ nữ một tóc vàng da trắng, một tóc đen da vàng ngồi nói chuyện thân mật như chị em ruột mà thấy rung động. Bỗng nhận thấy rõ rệt hơn một điều mà dường như ai cũng hiểu, rằng văn hoá và ngôn ngữ là chiếc cầu để các dân tộc đến gần nhau hơn.

Theo HỒNG HÀ - (Tổ quốc)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm