Tiếng hát mãi xanh: U-90 vẫn hát hết mình

Sân chơi dành cho người từ tuổi 35 trở lên nên hiếm có thí sinh nào nhắm đến mục đích trở thành ngôi sao hay nhờ đòn bẩy của cuộc thi tạo đà để theo đuổi sự nghiệp ca hát…

Thi để chứng tỏ mình còn khỏe!

Cuộc thi không chỉ thu hút thí sinh TP.HCM mà nhiều cô chú ở các tỉnh khác: Bình Dương, Phú Yên, Long An, Đồng Nai… cũng nô nức khăn gói lên TP.HCM ở trọ để thi như đi dự ngày hội vui. Cô Lê Ngọc Trông (50 tuổi, Bình Dương) vui vẻ: “Tui lên đến đây là đã chiến thắng rồi. Cùng trong đội thơ nhạc của tỉnh tui có tám người rủ nhau đăng ký thi, có phiếu báo danh rồi mà run quá hổng dám đi thi. Cuối cùng còn lại hai chị em tui được hai ông chồng chở lên đây”. Nói đoạn, chị lục túi, rút điện thoại ra mở đoạn nhạc đã ghi âm trong cái đĩa ở nhà rồi cười: “Nếu ban tổ chức mà đờn giống vầy thì tui hát được, chứ đánh khác đi là chịu chết”.

Ông Trần Chơn Tiên (78 tuổi, Gò Vấp) là một trung tá về hưu, khi chưa hát đã gây ấn tượng với mọi người bằng bộ quân phục chỉnh tề. Không chỉ đi thi một mình, ông còn rủ cả cô con gái là Kim Thơ cùng đăng ký. Buổi sáng, con rể và cháu ngoại của ông chạy qua chạy lại hai phòng thi để cổ vũ tinh thần cho hai cha con ông thi tốt. Ông trung tá già “khoe” vừa phải cắt bỏ 2/3 dạ dày do ung thư nhưng thơ ca đã giúp ông vượt qua tất cả. Ngẫu hứng, ông đọc ngay mấy câu thơ tự sáng tác:

“Nhờ thơ ca giúp tôi thêm nghị lực

Vượt hiểm nghèo, ca mổ bụng thành công

Sống ở đời có lúc đục, lúc trong

Nhưng thơ ca vẫn là nguồn nhựa sống.”

Một thí sinh khác là cựu văn công tỉnh Khánh Hòa tâm sự anh rời xa sự nghiệp ca hát đã lâu, cuộc thi là một dịp may để thỏa sức vẫy vùng trong niềm đam mê âm nhạc cho đỡ nhớ nghề. Anh vui vẻ kể đã bị nhóm bạn “cài độ” nếu vào vòng trong sẽ phải chung một chầu nhậu đã đời. Rồi anh nháy mắt: “Đang sợ vào vòng trong phải chung độ đây”.

Tiếng hát mãi xanh: U-90 vẫn hát hết mình ảnh 1

Ông trung tá về hưu Trần Chơn Tiên dự thi ca khúc Tiểu đoàn 307 (ảnh trái). Bà Nguyễn Thị Loan: “Chống gậy lên sân khấu cũng kỳ nhưng tôi đi thi để bà con gần xa biết tôi vẫn khỏe”. Ảnh: TRÀ GIANG

Gây xúc động cho cả khán phòng là bà Nguyễn Thị Loan (74 tuổi). Bà được hai người cháu đỡ lên sân khấu với cây gậy trong tay. Bà bộc bạch do bị té cách đây ba năm nên phải chống gậy mới đi lại được. Bà cũng lo “chân chống gậy lên sân khấu thấy kỳ” nhưng đi thi “để bà con xa gần biết tôi còn rất khỏe”.

Tuy không coi trọng thắng thua nhưng hầu hết các thí sinh đều nuôi hy vọng được vào vòng trong với tâm lý cho “đỡ quê độ vì rớt từ vòng gửi xe”. Do đó, nhiều người chưa dám cho bạn bè, người thân biết mình đi thi Tiếng hát mãi xanh. “Nếu được vô vòng trong mới dám khoe và rủ đi cổ vũ” - ông Trần Trọng Hưu (Phú Nhuận) cười. Điều khiến ông tâm đắc nhất từ cuộc thi là đã giúp ông giảm hút thuốc (để luyện giọng) và tạo cho ông những cảm xúc, cảm quan tuyệt vời.

Trân trọng thí sinh từ vòng ngoài

Ở một số cuộc thi khác, với mục đích tìm kiếm nhân tài, người ta thường chỉ ân cần và quý trọng nhân tài tinh hoa đã qua tuyển chọn. Trước đó, khi nhân tài nằm lẫn trong đám đông thì đám đông thí sinh đều được đối xử không mấy hài lòng. Đâu đó người ta thấy thí sinh có thể bị phơi nắng, bị chờ đợi 2-3 ngày ròng rã…

Nhưng ở Tiếng hát mãi xanh, ngay từ vòng sơ khảo, mọi thí sinh đều được trân trọng. Trước khi thi, các thí sinh đều được tập hát với biên tập viên âm nhạc. Biên tập viên sẽ thử tông, chọn điệu cho thí sinh và người đệm đàn sẽ căn cứ vào đó để đệm piano khi thí sinh thi “thật”. Theo quy định vòng sơ khảo, thí sinh chỉ được hát một lời của ca khúc, không hát sang lời thứ hai. Và thí sinh dù hát dở đến đâu, ban giám khảo vẫn ngồi nghe đến hết lời một của bài hát chứ không cắt ngang. Một thành viên ban tổ chức giải thích: “Thật ra chỉ với vài câu, ban giám khảo đủ biết thí sinh có tố chất hay không. Nhưng mục đích của cuộc thi là hát cho niềm đam mê nên thí sinh đến thi là để hát, phải cho họ cơ hội được hát chứ không phải vấn đề là vào vòng trong hay không”.

Tiếng hát mãi xanh thực sự là một sân chơi vui vẻ, điểm hẹn của những niềm đam mê ca hát ở tuổi xế chiều hơn là một cuộc thi thố tài năng.

Cuộc thi Tiếng hát mãi xanh khởi động vào cuối tháng 3 đã thu hút hơn 2.000 thí sinh tham dự. Vòng sơ khảo (từ ngày 5 đến 10-4), thí sinh dự thi được chia thành hai bảng: Bảng A: 35-50 tuổi; bảng B: từ 51 tuổi trở lên. Mỗi bảng sẽ có 30 thí sinh vào vòng bán kết, từ đó chọn ra 10 thí sinh xuất sắc nhất vào chung kết. Vòng chung kết diễn ra trong năm đêm với các nội dung: nhạc trữ tình, nhạc âm hưởng dân ca, truyền thống cách mạng và hai ca khúc tự chọn. Đêm chung kết xếp hạng diễn ra ngày 11-5 với phần tranh tài của sáu thí sinh xuất sắc nhất.

Ngoài ba giải thưởng nhất, nhì, ba, các giải phụ dành cho thí sinh, cuộc thi này còn có giải thưởng cho cổ động viên của thí sinh đoạt giải nhất (thí sinh ghi tên cổ động viên vào hồ sơ dự thi của mình).

Các thí sinh đều có ưu điểm: Tuy tuổi đã cao nhưng rất nhiệt tình, yêu đời. Nhờ đó, tiếng hát của họ đã truyền cảm xúc, cảm hứng tới mọi người. Trong số đó có khoảng 1/4 thí sinh hát rất tốt. Số còn lại giọng không chuẩn, thậm chí còn không biết họ đang hát sai nhưng quan trọng là họ hát nhiệt thành.

Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC, thành viên ban giám khảo

Đây là cuộc thi rất nhân văn, cho thấy sự quan tâm của xã hội đến người cao tuổi để họ bớt cô đơn. Trong vòng thi sơ khảo, nhiều thí sinh có tâm lý để dành lại bài hát tủ cho vòng trong. Do đó có nhiều giọng ca rất tốt: ấm, rền vang nhưng chọn bài chưa phù hợp. Trong số thí sinh dự thi, chỉ có khoảng 8% giọng ca gây chú ý cho tôi.

Nhạc sĩ TRƯƠNG TUYẾT MAI, thành viên ban giám khảo

TRÀ GIANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm