Thư pháp thiền "bắt" người xem vào cuộc

Không gian của Thiền quán
Không gian của Thiền quán

Sau hai năm thử sức với thể loại thư pháp Thiền (Zen) xuất phát từ Nhật Bản, nhóm tiền vệ Zenei Gang of Five đã ít nhiều làm thay đổi diện mạo của nền thư pháp nước nhà. Họ đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm thành công như Chữ, Tôi nghe như thế này, Vũ hội chữ…

Mỗi triển lãm kết thúc lại mở ra nhiều cuộc tranh cãi bởi lối viết mới này đã vượt qua quy chuẩn của hành, triện, thảo thư ăn sâu vào tâm thức của những người yêu thư pháp.

Tuy nhiên, không ai đủ lý lẽ để bác bỏ hay phủ nhận sự mới mẻ, cá tính sáng tạo của những nhà thư pháp trẻ tuổi này. Công chúng xem tác phẩm của họ giống như xem tranh, chẳng hiểu nội dung chính xác là chữ gì. Kiểu thư pháp tiền vệ này còn được gọi là “thư pháp gây sốc”.

Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương và tác phẩm thư pháp thiền.
Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương và tác phẩm thư pháp thiền.

Ý tưởng của Chuyết Chuyết Trần Trọng Dương và Thiền Phong Phạm Văn Tuấn là trình diễn việc sáng tác trong tâm thế mà chủ thể sáng tạo vận dụng hơi thở, thiền định rồi chiêm nghiệm để viết ra chữ. Trần Trọng Dương cho biết: “Bản chất của thư pháp thiền không nằm ở bề mặt mà sống động qua tâm thức, tư tưởng và hành vi”.

Có thể coi quãng thời gian bắt đầu từ hành vi dâng hương của hai nhà thư pháp cho đến khi kết thúc cuộc trình diễn là một tác phẩm. Trong đó, lần đầu tiên, những khách xem trở thành chủ thể sáng tạo, họ cũng ngồi trên bồ đoàn thiền định và chăm chú nhìn ngắm.

Các thư pháp gia trẻ tuổi không giấu tham vọng đưa tư tưởng đặc sắc nhất của thiền phái Trúc Lâm là Trực chỉ nhân tâm (Nhìn rõ lòng người) vào việc sáng tác thư pháp.

Thiền Phong Phạm Văn Tuấn
Thiền Phong Phạm Văn Tuấn

Trong suốt quá trình viết chữ, không một tiếng nói nào phát ra, thỉnh thoảng chỉ có ánh đèn flash từ máy ảnh loé lên. Mọi người hoà vào nhau trong không khí có chút thiêng liêng, khói hương trầm thoang thoảng.

Một vài khán giả cho biết: Ban đầu, cảm giác rất sốt ruột bởi ai cũng muốn biết các nhà thư pháp viết chữ gì. Tuy nhiên, càng về sau, họ càng không chú ý đến điều đó mà hoà vào không khí chậm rãi, trầm mặc, tưởng như chính mình đang tham gia vào cuộc sáng tạo.

Có thể vẫn là quá sớm để nói về thành công của cách làm mới mẻ này. Thư pháp hành vi không phải cái hiện hữu trên giấy mà là cả quá trình biểu diễn, tư tưởng, sự cộng hưởng của người viết và người xem.

Thành quả của cuộc sáng tạo là hai bức thư pháp "Huyền" và "Tĩnh"
Thành quả của cuộc sáng tạo là hai bức thư pháp "Huyền" và "Tĩnh"

Những gì mà các thư pháp gia trẻ tuổi này nói ra nghe có vẻ mơ hồ, cao siêu. Cách cảm nhận tốt nhất chỉ có thể là tham gia vào cuộc trình diễn mà thôi.

Bài: Đào Gia Long, Ảnh: Quang Hưng (VTC)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm