Thiếu vắng những khúc ca đắm lòng

Năm 2009 là năm đánh dấu sự bế tắc của hàng loạt nhạc sĩ viết nhạc âm hưởng dân ca, có lẽ vì các chủ đề đã được khai thác cạn kiệt và các giai điệu dân ca cổ truyền thì cũng chỉ bấy nhiêu trong khi khả năng khai thác sáng tạo chưa có nên việc trông chờ vào một ca khúc đủ sức hớp hồn người nghe của dòng âm hưởng dân ca truyền thống như trước đây xem ra vẫn là chuyện “mơ về nơi xa lắm”.

Thiếu vắng những khúc ca đắm lòng ảnh 1

Ca sĩ Cẩm Ly và Vân Khánh vẫn trung thành với những ca khúc trữ tình, âm hưởng dân ca truyền thống. Ảnh: H. Thúy

Hàng loạt album của những ca sĩ “chuyên” âm hưởng dân ca, như: Hương Lan, Phi Nhung, Cẩm Ly, Vân Khánh... hầu hết đều sử dụng lại các ca khúc cũ và đầu tư phần hòa âm phối khí mới để thu hút khán thính giả.

Đơn giản là dòng âm hưởng dân ca không nằm trong “kế hoạch sản xuất” hay những cuộc chạy đua tăng sản lượng phát hành băng đĩa mà các hãng đĩa đưa ra. Những tác phẩm dòng âm hưởng dân ca ra đời thường theo ngẫu hứng sáng tác của người viết nhạc là chính.


Tuy nhiên, bên cạnh sự yên ắng của dòng âm hưởng dân ca chính thống (nghe qua sẽ “định dạng” được ngay nó mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, Bắc Bộ hay Trung Bộ), một dòng âm hưởng dân ca mới đã manh nha xuất hiện trong thời gian qua và năm 2009 đã phát triển lấn áp dòng âm hưởng dân ca chính thống, được gọi là dòng dân ca đương đại. Nó ra đời và phát triển trên nền tảng các giai điệu âm nhạc dân gian, cổ truyền Việt Nam nhưng mang hòa âm hiện đại và được các nhạc sĩ – hầu hết là rất trẻ - phát triển giai điệu theo khuynh hướng “trung tính”, không còn sắc nét làn điệu dân ca Bắc, Trung, Nam như trước.

Đại biểu của dòng này là: Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Giáng Son, Lưu Hà An... với các tác phẩm đình đám như: Đá trông chồng, Cò lả, Giọt sương bay lên, Vũ khúc con cò... mà hầu hết các tác phẩm này được ươm mầm rất tốt từ sân chơi Bài hát Việt của Đài Truyền hình Việt Nam.

Từ xuất hiện lặng lẽ nhưng cứ âm thầm chảy, đến năm 2009 này, dòng dân gian đương đại đã thành một trào lưu và được sự đón nhận của giới trẻ, không chỉ có các ca sĩ trẻ - vốn ưa tìm tòi khám phá – muốn thể hiện, như: Tùng Dương, Ngọc Khuê... mà cả những ca sĩ kỳ cựu trong làng nhạc pop cũng thể hiện rất thành công dòng dân gian đương đại này. Vì vậy, việc lấn át của dòng dân gian đương đại là lẽ đương nhiên.

Cả ca sĩ và khán giả trẻ luôn tìm tòi và đón chờ cái mới. Khuynh hướng “hiện đại hóa” trong âm nhạc cũng là một tất yếu.


Nếu thị trường băng đĩa trong năm qua gần như chết đứng do nạn băng đĩa lậu vẫn không ngừng phát triển, âm nhạc trên mạng bị nhạc teen chiếm lĩnh thì dòng dân gian đương đại gần như chiếm sóng truyền hình với tần suất dày đặc trong các chương trình ca nhạc tổng hợp và những cuộc thi âm nhạc.

Ngoài Bài hát Việt, dòng dân gian đương đại chiếm lĩnh tuyệt đối, các cuộc thi, như: Sao Mai, Ngôi sao Tiếng hát truyền hình, Tiếng hát phát thanh,... cũng có không ít ca khúc dòng nhạc này được các thí sinh chọn để so tài.

Chính tính chất “khó hát” của những ca khúc dòng dân gian đương đại đã trở thành một ưu thế của dòng nhạc này, bởi các ca sĩ và thí sinh chọn hát nó cũng là cách thể hiện khả năng biểu diễn vượt trội cũng như “đẳng cấp” của mình.
 
Và với hàng loạt cuộc thi lên sóng phát thanh, truyền hình trực tiếp liên tục như vừa qua thì các ca khúc dân gian đương đại càng được những “bà đỡ” đầy “uy lực” này chắp thêm đôi cánh.

Mặc dù dòng ca khúc dân gian đương đại đến với công chúng nhiều hơn nhưng phần lớn trong số đó được thể hiện bởi... các thí sinh nên chưa gây hiệu ứng gì nhiều, nghĩa là chưa tạo nên độ rung trong đời sống âm nhạc. Các ca sĩ có tên tuổi trên thị trường cũng chỉ thể hiện dòng nhạc này như một thể nghiệm vì đại chúng vốn chưa thân quen với dòng nhạc dân gian nhưng quá hiện đại này. Và điều đáng nói là không có dấu ấn ca khúc mới.

Nếu phải chọn ra một giọng ca thể hiện ấn tượng một ca khúc dòng dân gian đương đại nào đó trong năm nay thì quả là quá khó, nói gì đến yêu thích.


Theo Nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm