Thanh Hoa - Kỹ sư điện mê văn chương

Xây dựng Hệ thống tải điện 500kV Bắc Nam là công việc trọng đại của ngành điện, thực hiện việc hợp nhất hệ thống điện toàn quốc. Ông vinh được tham gia vào dự án này từ những ngày đầu tiên.

Bên cạnh chuyên môn với 47 năm công tác, năm 2000 về hưu ông có thú vui khác đó là sáng tác thơ văn. Ông là kỹ sư Hoàng Hữu Thận và là nhà văn Thanh Hoa. Nhân ông vừa ra mắt tập truyện ngắn thứ tư “Mất nỏ thần”, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng ông.

Thanh Hoa - Kỹ sư điện mê văn chương ảnh 1

Kỹ sư-Nhà văn Thanh Hoa- Ảnh Nguyễn Tý

Mở đầu cuộc trò chuyện, ông giải đáp thắc mắc của chúng tôi về bút danh Thanh Hoa, rằng: “Tuy biết Thanh Hoa nữ tính nhưng tôi chọn bút danh Thanh Hoa vì các cụ tổ của tôi ở Thanh Hóa, trước đây là trấn Thanh Hoa. Và ý nghĩa thứ hai thanh hoa cũng là hoa xanh hay hoa trong sạch, tôi lấy bút danh theo hai ý nghĩa đó. Trước đó tôi từng sử dụng bút danh Hoàng Hà (họ Hoàng ở Hà Nam)”.

PV: Là kỹ sư chuyên môn về điện nhưng ông lại viết văn, làm thơ khi nào?

Kỹ sư, nhà văn Thanh Hoa: Từ những ngày học cấp hai tôi đã làm thơ. Về văn thì được thầy cô khuyến khích tôi viết nhưng chủ yếu là tản văn. Khi vào trường kỹ thuật tôi viết truyện ngắn “Chú vỉ ruồi chiến đấu” (đã in trong tập Trên những nẻo đường) năm 1964 khi Mỹ đánh phá miền Bắc. Năm 2000, sau khi nghỉ hưu tôi có thời gian dành cho công việc sáng tác, đầu tiên là thơ, nhưng đến năm 2005 mới xuất bản tập thơ văn đầu tiên “Trên những nẻo đường”. Tôi đến với văn học bằng sự say mê và thích thú tuy vẫn làm khoa học kỹ thuật.

Giữa văn và thơ đâu là sự say mê và thuận tay nhất của anh?

- Say mê là thơ và để lại cho tôi nhiều ấn tượng cũng là thơ. Tuy nhiên thơ chỉ để bộc bạch nhưng muốn giúp một chút gì đó cho xã hội thì dùng văn. Vì thơ để đả kích, phê phán, móc máy xã hội thì có lẽ làm nàng thơ tủi thân. Vậy theo tôi muốn phản ảnh hiện thực, muốn nêu ý kiến nhằm gửi một tín hiệu cảnh báo đến xã hội phải dùng văn. Hiện nay phần dành cho truyện ngắn chiếm gần hết thời gian. Tôi nhận thấy tiểu thuyết lịch sử còn thiếu nhiều nên dồn sức viết. Cái thứ hai là viết về hai cuộc kháng chiến và thời kỳ đổi mới. Tôi đang viết bằng cách tái hiện thời kỳ trước cách mạng xã hội nông thôn Việt Nam.

Thanh Hoa - Kỹ sư điện mê văn chương ảnh 2

Tác giả đi thực tế đến bên Gò Đống Đa - chiến thắng vĩ đại của vua Quang Trung mùa xuân Kỷ Dậu 1789 để viết Sóng Sông Hồng.

Quan điểm của tôi viết là cố gắng phản ảnh đúng hiện thực và luôn có cái nhìn thoáng chứ không nặng về phê phán. Nguyễn Huy Thiệp và Tạ Duy Anh viết về quỉ. Tôi cũng viết về quỉ, đó là truyện vừa “Khách đa đoan”. Nhưng có lẽ quỷ của tôi gần với con người hơn. Trong truyện ngắn “Trầm kiếm hồ”, tôi muốn gửi đi một tín hiệu, đó là cụ Lê Lợi có công lớn được lịch sử ghi nhận nhưng tôi cho rằng cụ đối xử không công bằng và có phần nhẫn tâm với các công thần của mình đặc biệt là đối với cụ Nguyễn Trãi và cụ Trần Nguyên Hãn.

Trong tập truyện ngắn “Mất nỏ thần”, người đọc nhận thấy những truyện Những bước nhảy lạ kỳ, Học làm đo xa, Vị bia đắng, Giám đốc năng nổ, Tính sang trọng của một đám tang…thiên về chuyên môn điện gây khó hiểu, còn theo nhà văn?

- Điều đó đúng sự thật nhưng theo tôi, nó là cần thiết cho câu truyện. Tôi  đã hạn chế tối đa để người đọc có thể cảm nhận được mạch văn, từ chuyên môn không làm gián đoạn mạch liên tưởng diễn biến của câu truyện. Đã có một nữ bạn đọc, nguyên là cô giáo cấp hai đã viết thư cho tôi, trong đó có câu, truyện anh có chứa các từ chuyên môn nhưng chúng em vẫn lĩnh hội cốt truyện một cách dễ dàng. Dù sao, ý kiến nêu trên vẫn cần được nghiền ngẫm để giảm thiểu từ chuyên môn trong truyện..

Trong tập này có những truyện anh phê phán cơ chế quan liêu bao cấp, vậy những tập sau anh có tiếp tục mạch phê phán không?

- Vẫn tiếp tục viết. Tuy nhiên, tôi khẳng định một điều, đất nước nhờ mở cửa nên nhìn chung đã thay đổi nhiều theo hướng tốt lên. Đó là phúc của dân. Những khiếm khuyết của bước trưởng thành là lẽ tất nhiên. Có điều, phải nhận biết chân tướng của nó, ra sức khắc phục nó, liên tục cải tiến để việc ngày càng tốt lên. Có thế, nước ta mới có thể sánh vai bằng người. Có lẽ, đó là sứ mạng cần có của nhà văn, là giúp nhận biết những khiếm khuyết đang có trong xã hội, cảnh tỉnh để người ta sửa chữa nó.

Thanh Hoa - Kỹ sư điện mê văn chương ảnh 3

Thanh Hoa - Kỹ sư điện mê văn chương ảnh 4

Tác giả bên Đập đầu mối nhà máy thủy điện Đa Dâng 2, Đức Trọng-2008

“Tình văn phòng” được anh khai thác nhiều. Vậy bản thân anh có chứng kiến những chuyện đó không?

- Vừa rồi tôi có họp mặt anh em. Họ cho rằng đọc xong truyện ngắn của Thanh Hoa, hầu hết đều cảm thấy ít nhiều có mình trong chuyện. Chẳng hạn “Tham thì thâm”, họ cho rằng hầu như ai cũng có dính một chút trong đó (cười). Tôi nhận thấy trình độ khái quát, điển hình hóa của tôi chưa tốt. Tất cả những truyện tôi viết hầu hết là dựa trên chuyện có thật. Như “Mất nỏ thần” dựa trên ba tình tiết: mất nỏ thần, khai căn bình phương và đổ nước nóng vào máy. Trong truyện cả ba tình tiết này gán hết cho nhân vật cô giáo Hoa, nhưng thực tế đó là của một cô giáo, một thầy dạy đại học và một kỹ sư điện. Truyện “Lạm phát bằng” phản ảnh sự loạn bằng cấp nà hiện nay đang là vấn nạn quốc gia. Cả hai truyện này tôi muốn phản ảnh sự xuống cấp của trí thức. Truyện “Về nguồn” lại đề cập đến cải cách ruộng đất, nhưng ở khía cạnh ảnh hưởng phụ, nêu một chút về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. 

Truyện ngắn “Lụy tình” có chi tiết “ngủ với con dâu” mà trước đó Nguyễn Huy Thiệp từng viết những năm tám mươi. Anh có nhận sự phản ứng gì từ bạn đọc?

- Có một bạn đọc gán cho truyện vi phạm thuần phong mỹ tục. Ngoài “Lụy tình” còn có “Chuyện tình Ô sin” và “Bình đẳng yêu đương” cũng được góp ý theo hướng đó. Theo tôi, thuốc có đắng mới dã được tật. Có điều, thực tế quá phũ phàng, phải phản ảnh nó với con mắt thiện cảm và xây dựng. Các nhân vật chính trong ba truyện trên đã được xây dựng theo ý tưởng đó. Cũng có người cho rằng tôi viết chưa đi đến cùng của sự việc. Có lẽ tôi sẽ cân nhắc thêm.

Anh có thể cho bạn đọc biết thêm về chuyên môn điện?

- Tôi là một người làm về công tác chuyên môn, tuy chỉ có bằng cấp bình thường, nhưng luôn được giao làm những việc đòi hỏi chuyên môn sâu. Có vài chuyện điển hình. Năm 1980 xảy ra sự cố cháy toàn bộ thiết bị phân phối công trình nhà máy xi măng Hoàng Thạch. Toàn bộ chi phí khắc phục sau đó được xác nhận là 1,5 triệu USD. Dự án chậm gần nửa năm ngày chạy thử. Đã có 22 đoàn các nhà khoa học, công nghệ từ các cơ quan cấp bộ và viện đến điều tra khảo sát, nhưng không cho kết quả. Tôi được đoàn của bộ Công an mời tham gia, và sau 3 ngày khảo sát hiện trường, phân tích tính toán, tôi đã tái hiện toàn bộ sự cố, nguyên nhân cháy hỏng thiết bị, mà có lẽ phía Đan Mạch chưa nhận ra, và nhờ đó, thứ trưởng bộ xây dựng lúc đó đã chọn tôi đấu với đoàn của hãng Calori Max (nhà thầu trọn gói) và Smit (cấp thiết bị) thành công. Họ đã chấp nhận chịu trách nhiệm tự bỏ kinh phí khắc phục hậu quả, giá trị 1,5 triệu USD. Vụ việc này tôi đã viết ký “Vì một triệu rưỡi đô la cho Tổ quốc”, đăng trên Nhân Dân Chủ nhật ngày 31-7-1994. Đây cũng là tác phẩm đầu tay về văn học của tôi. Tôi cũng đã nghiên cứu thành công đề tài Chọn cấp phân phối hợp lý, đã xây dựng mô hình phân phối một cấp điện áp, đưa cấp điện áp chuẩn 22kV vào áp dụng thành công ở nước ta. Mô hình này đã đi vào cuộc sống, chứng tỏ tính ưu việt suốt mười lăm năm qua.

Được biết, ông đang giữ chức Chủ tịch Chi hội Thơ Sài Gòn. Vậy hoạt động của câu lạc bộ thơ Việt Nam này tại TP.HCM ra sao?

Thanh Hoa - Kỹ sư điện mê văn chương ảnh 5

- Câu lạc bộ này ra đời nhằm tạo sân chơi cho các anh chị em yêu thơ. Nhà thơ Bành Thông làm Chủ tịch. Tại TP.HCM là tôi. Để tạo sân chơi không nhàm chán, không đi theo lối mòn của nhiều CLB thơ đang hoạt động, cũng như tự cân bằng tài chính, chúng tôi đã cố tìm cho mình một lối đi. Ba năm qua, tuy nhiều khó khăn, chúng tôi đã duy trì hoạt động của CLB theo tiêu chí đã nêu. Nhân ba năm kỷ niệm, chúng tôi đã tổ chức được cuộc thi thơ Lục bát long lanh rất nghiêm túc và hiệu quả, tạo hào hứng lớn cho các hội viên. Hội viên hiện nay đã gần 300 người.

Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, anh có tác phẩm nào hưởng ứng?

- Tôi đã hoàn thành xong tiểu thuyết “Sóng sông Hồng” 550 trang, viết về vua Quang Trung. Từ bé tôi mê cụ Quang Trung – Nguyễn Huệ. Ngài có những cái rất vĩ đại, so sánh được với những nhân vật kiệt xuất nhất trong lịch sử, kể cả thế giới. Tôi đã bỏ thời gian lập niên biểu, đọc khoảng trên 20 thư tịch, đáng chú ý là Hoàng Lê nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Thanh thực lục…

Đã có nhiều công trình viết về vua Quang Trung nhưng tôi vẫn nghĩ có lẽ chưa có một tác phẩm nào đánh giá toàn bộ quá trình hình thành, sự ra đời phong trào Tây Sơn. Cũng như chưa nêu bật được hoàn cảnh lịch sử và nhất là những đánh giá về vua Quang Trung chưa thỏa đáng, tính cách nhà vua chưa nhất quán.

Nguyện vọng của tôi là muốn đưa ra được hình ảnh vua Quang Trung – Nguyễn Huệ gần gũi với thực tế lịch sử, tính cách nhà vua nhất quán, những hoàn cảnh lịch sử, vai trò các tướng lĩnh, cận thần đã giúp nhà vua, và phần nào vai trò của quần chúng nhân dân trong bối cảnh biến động liên hồi của lịch sử. Bên cạnh đó cũng cần xem xét công lao của các chúa Nguyễn đã tạo dựng miền đất từ Bố Chính đến Hà Tiên vốn xa lạ và gắn bó lỏng lẻo với Đại Việt thành mảnh đất không thể thiếu được của nước Việt Nam thống nhất.

Mong muốn thì rất lớn nhưng có lẽ chưa thể nói là lực đã tòng tâm, nên rất muốn được lĩnh hội bình luận từ phía độc giả.

Xin cảm ơn kỹ sư, nhà văn Thanh Hoa. Kính chúc ông hoàn thành những tâm nguyện.

Nhà văn Thanh Hoa sinh năm 1940, tại Hà Nam. Chuyên môn: hệ thống điện, từng giảng dạy tại Học viện Thủy lợi - Điện lực. Hiện là Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Phát triển điện, Hội Điện lực Việt Nam. Ủy viên BCH Câu lạc bộ Thơ Việt Nam, Chủ tịch Câu lạc bộ Thơ Sài Gòn. Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.

Thanh Hoa - Kỹ sư điện mê văn chương ảnh 6

Tác phẩm đã xuất bản: Trên những nẻo đường. Thơ, văn. NXB Thanh Niên, 2005. Trên những nẻo đường. Thơ. NXB Hội Nhà văn, 2005. Lên đường. Thơ. NXB Văn học, 2006. Một phút lỡ lầm. Tập truyện ngắn. NXB Văn học. 2007. Cuộc sống không êm ả, tập truyện ngắn. NXB Văn học. 2008. Giữa đời thường. Thơ. NXB Văn học, 2008. Mất nỏ thần, truyện ngắn, NXB Văn học 2009. Khách đa đoan, truyện ngắn, NXB Văn học 2009 (đang in). Sóng Sông Hồng, tiểu thuyết lịch sử, NXB Văn học 2010 (đang biên tập).

NGUYỄN TÝ – THOẠI KHANH - Thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm