“Thánh địa” cuối cùng của cải lương

Không phải là cái rạp nổi đình nổi đám chi, song sự thăng trầm của cải lương gắn với thời cuộc đã biến sự kết thúc của rạp Hưng Đạo thành sự kiện được dư luận xã hội quan tâm…

Cải lương đã đi qua thời thịnh, chuyển sang suy nhưng cái sự suy ấy lại vô hình trung tạo nên sự nổi danh đáng buồn là “thánh địa” cải lương cuối cùng và giá trị lịch sử mới cho rạp Hưng Đạo.

Sau 1975, cải lương trở lại thời hưng thịnh vào thập niên 1980. Ở TP.HCM có 18 đoàn cải lương, ba đoàn kịch, hai đoàn ca nhạc nhưng chỉ có 14 rạp hát, các rạp đều kín lịch, có ngày diễn đến mấy suất. Nhưng rồi những năm cuối thập niên 1980, cải lương lại rơi vào khủng hoảng, trên dưới cả trăm đoàn cải lương khắp TP.HCM - miền Nam dần dần rơi rụng. Các rạp diễn cải lương cũng dần đóng cửa vì vắng khách, sau đó thay đổi công năng thành... chỗ giữ xe, điểm bán cơm tấm, cà phê bình dân; sang thì thành rạp chiếu phim, nhà hàng, quán bar, thậm chí lặng lẽ biến mất. Rạp Hưng Đạo cũng có lúc biến thành điểm chiếu phim và đìu hiu quanh năm suốt tháng. Nhớ lại thời gian này, ông Nguyễn Bá Thành - Trưởng rạp Hưng Đạo hiện nay chua xót: “Những năm 1990-1998, có những lúc cả tháng rạp Hưng Đạo không đỏ đèn. Có năm đến tết mà rạp cũng nghỉ diễn. Tôi lúc đó cũng muốn xin chuyển ngành vì cơm áo. May mà họa sĩ Lương Đống khuyên nhủ tôi và nghiệp tổ mình đã theo thì cho trót nên tôi bám trụ cùng rạp. Phải đến Liên hoan sân khấu mùa thu năm 1998 tại rạp Hưng Đạo thì rạp mới khởi sắc”.

“Thánh địa” cuối cùng của cải lương ảnh 1

Rạp Hưng Đạo ngày nay đang chờ xây mới. Ảnh chụp chiều 27-9. Ảnh: HTD

Sau cú hích từ Liên hoan sân khấu mùa thu 1998 do Sở Văn hóa-Thông tin TP.HCM lúc ấy tổ chức, người có công làm rạp Hưng Đạo khởi sắc thành “thánh địa” cuối cùng của cải lương là nghệ sĩ trẻ Vũ Luân. Anh lập nhóm cải lương xã hội hóa do anh và Tú Sương diễn chính, gia đình nghệ sĩ tuồng cổ Trường Sơn đỡ đầu về dựng vở. Nhóm này chuyên hát tuồng cải lương hồ quảng, thu hút khán giả bằng trang phục rực rỡ, ca diễn nghiêm túc, đồng đều, bán vé giá rẻ… Sau hơn hai năm, nhóm Vũ Luân đã thắp sáng đèn rạp Hưng Đạo mỗi cuối tuần. Dần dần nhiều nhóm cải lương xã hội hóa khác, từ những nghệ sĩ kỳ cựu, tên tuổi đến những nghệ sĩ trẻ mới ra trường cũng đều tụ về đây. Nhà hát Trần Hữu Trang thì thành lập nhóm Thắp sáng niềm tin bám trụ rạp Hưng Đạo. Rạp Hưng Đạo trở nên quá tải. Các nhóm cải lương muốn lấy lịch diễn phải bốc thăm. Song lạ một điều là khi tụ về khá đông, các nhóm cải lương chia nhau về điểm diễn khác thì lại không có khán giả. Cái tên “thánh địa” cuối cùng của cải lương của rạp Hưng Đạo được báo chí gọi chết tên là vì vậy.

Là “thánh địa” cuối cùng, song trong thời điểm hiện nay, đất sống cuối cùng của cải lương tại Sài Gòn-TP.HCM này lại đang đứng trước nguy cơ mất… linh. Khán giả đang vắng dần tại những suất hát cải lương nơi đây vì tệ hát nhép và nạn dựng, diễn cải lương chụp giật, cẩu thả của giới bầu show. “Thánh địa” này cũng quá xuống cấp với khán phòng, sàn diễn bị dột, chuột chạy lung tung mặc kệ vở đang diễn. Với cột mốc ngưng diễn từ ngày 30-9-2010 - xây mới rạp Hưng Đạo thành Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo hiện đại, đẹp đẽ, con đường trở thành thánh đường thật sự của cải lương ở nơi này còn nhiều thử thách.

Rạp Hưng Đạo: Nơi thay thế “hàng không mẫu hạm”

Trước 1975, nổi danh về cải lương, được khán giả nhớ tên ở Sài Gòn phải kể đến các rạp Nguyễn Văn Hảo, Quốc Thanh, Hào Huê, Thủ Đô, Olympic, Cây Gõ, Gia Định. Còn rạp Hưng Đạo, tuy là rạp hạng A, nằm ở trung tâm Sài Gòn, là nơi đoàn cải lương lừng lẫy Thanh Minh Thanh Nga từng bám trụ nhưng dân mê cải lương xưa lại không mấy ấn tượng. Tuy nhiên, kỷ niệm về nơi này vẫn tràn đầy trong ký ức của các nghệ sĩ, ký giả, soạn giả cải lương kỳ cựu.

Nhà thơ - soạn giả Kiên Giang nhớ lại: Nếu nói về đoàn Thanh Minh Thanh Nga người ta hay nhắc đến rạp Nguyễn Văn Hảo (rạp Công Nhân trên đường Trần Hưng Đạo ngày nay, có từ khoảng năm 1948) là điểm diễn chính của đoàn những năm 1950-1960. Rạp Nguyễn Văn Hảo lúc đó được gọi là “hàng không mẫu hạm” với sức chứa hơn 600 khán giả - thuộc loại rạp lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Sau đó rạp Hưng Đạo được xây mới, qua mặt rạp Nguyễn Văn Hảo về độ lớn, sự hiện đại.

Còn ký giả kịch trường Tần Nguyên kể: Rạp Hưng Đạo hồi đó nằm trong cụm rạp quận nhì (tức quận 1 hiện nay), là cụm rạp hạng sang, chỉ những đoàn cải lương đại bang như Thanh Minh Thanh Nga, Út Bạch Lan - Thành Được… mới mướn nổi. Cụm rạp này gồm Nguyễn Văn Hảo - Trần Hưng Đạo - Aristo (tức khách sạn New World ngày nay) tạo nên điểm cà phê cải lương nổi tiếng. Nghệ sĩ, ký giả kịch trường, bầu gánh dưới tỉnh lên, khán giả muốn xem mặt nghệ sĩ đều tụ về đây với bao nhiêu là câu chuyện, tin tức.

Nhiếp ảnh kịch trường Huỳnh Công Minh cho biết từ năm 1960 đến 1961 ông đã chụp ảnh giải Thanh Tâm phát cho hai nghệ sĩ Bích Sơn và Ngọc Giàu tại rạp Hưng Đạo. Rạp hát này cũng là nơi khai trương những vở cải lương nổi tiếng của bộ đôi soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng và đoàn Thanh Minh Thanh Nga như Con gái chị Hằng, Nửa đời hương phấn… Nghệ sĩ Bảo Quốc, con trai bà bầu Thơ của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, bồi hồi nhớ: “Năm 1965-1966, đoàn Thanh Minh Thanh Nga gần như dời hẳn từ rạp Nguyễn Văn Hảo về Hưng Đạo, ký hợp đồng diễn thường trực. Tôi diễn và nổi danh từ những vở tuồng nơi rạp này. Tôi gặp bà xã và nên vợ nên chồng cũng nơi rạp này…”.

HÒA BÌNH

Rạp Hưng Đạo không bị cuốn trôi, biến mất theo sự thay đổi của đời sống xã hội như một số rạp cải lương khác do sở quản lý ngành văn hóa tại TP.HCM qua từng thời kỳ đã giao rạp cho Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang quản lý từ năm 1978. Không bàn việc quản lý rạp đã tốt hay chưa, song chính việc giao rạp cho đơn vị chuyên ngành này đã giữ rạp Hưng Đạo sót lại cho cải lương trong bao thăng trầm khủng hoảng. Khi Sài Gòn - TP.HCM gần như còn lại đoàn cải lương duy nhất là Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang thì rạp hát cải lương cuối cùng cũng sống sót với nhà hát trong vòng tay bao cấp của nhà nước.

Đây là nơi đã diễn ra các hoạt động sân khấu quan trọng sau 1975 như: liên hoan sân khấu mùa thu 1998; các kỳ hội diễn cải lương chuyên nghiệp toàn quốc các năm 2000, 2005 và 2009.

Suất cải lương cuối cùng tại rạp Hưng Đạo đã diễn ra vào tối 25-9 với lượng khán giả gần kín khán phòng. Ngày 30-9 là cột mốc cuối cùng Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang chấm dứt mọi hoạt động tại rạp Hưng Đạo để nơi này chờ đập bỏ, xây mới trong thời gian dự kiến hai năm. Mọi hoạt động của rạp Hưng Đạo trong thời gian này dời về rạp Thủ Đô ở quận 5, TP.HCM.

“Thánh địa” cuối cùng của cải lương ảnh 2

Từ trái sang: Đôi nghệ sĩ trẻ Vũ Luân - Tú Sương cùng diễn viên hài Minh Béo trong suất hát cuối cùng tại rạp Hưng Đạo vào tối 25-9 với vở Ngao Sò Ốc Hến. Ảnh: HÒA BÌNH

Ông Phan Quốc Hùng - Giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cho biết: “Trung tâm nghệ thuật cải lương Hưng Đạo dự kiến xây mới gồm bảy tầng, với các công trình chính: Sân khấu chính với khoảng 700 ghế ngồi; Sân khấu thử nghiệm với 300 ghế ngồi; Phòng thu, phòng thư viện trưng bày băng đĩa, tư liệu cải lương. Hiện kinh phí trọn gói cả trang thiết bị được phê duyệt là 59 tỉ đồng. Trước mắt, chúng tôi chấp hành nhưng trong thời gian thi công sẽ nỗ lực để có thêm kinh phí nếu yêu cầu về một nhà hát biểu diễn hiện đại cần phải thêm nhiều kinh phí hơn”.

HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm