Tên vua mà còn nhầm

“Điện Long An thuộc quần thể cung Bảo Định, được Thuận Trị (tôi nhấn mạnh), một trong những hoàng đế nổi tiếng về thơ văn, cho xây dựng năm 1845…”.

Tôi nghe lùng bùng lỗ tai. Không tưởng tượng được tên vị vua thứ ba triều Nguyễn là Thiệu Trị mà người thuyết minh đọc là Thuận Trị - tên một ông vua nhà Thanh của Tàu. Không hiểu do biên tập viên viết sai hay phát thanh viên đọc nhầm. Nhưng dù ai sai cũng khó chấp nhận. Một ông bạn nguyên là lãnh đạo một cơ quan văn hóa đã về hưu ngồi xem tivi với tôi, chép miệng: “Đến tên vua mà họ còn đọc nhầm, huống hồ…”. Ông bức xúc chuyện VTV “bán cái” cho mấy tập đoàn truyền thông thao túng với nhiều chương trình “tự biên tự diễn” nên mới xảy ra chương trình truyền hình thực tếĐiệp vụ tuyệt mật tập 1 phát trên VTV3, đưa bản đồ hàng không với thủ đô Hà Nội nằm ở bên Tàu! Bị phạt mấy chục triệu đồng như gãi ngứa và ngưng phát sóng vài tuần nay lại tiếp tục phát… bởi “không thể không phát tiếp” vì chuyện tiền bạc quảng cáo đã mua bán đâu đó rồi! Bạn tôi bảo trước đây khi còn công tác bận bịu, ít theo dõi truyền hình nhưng nay về hưu, cái thú vui chính là đọc sách báo và xem tivi - nhất là các chương trình văn hóa, lịch sử. Thế nhưng nhiều lúc quá bực mình vì những sai sót, đôi khi quá sơ đẳng của các biên tập viên hay người dẫn chương trình truyền hình…

Ngoài ra, các chú thích hay phụ đề tiếng Việt lắm khi nhầm lẫn. Không ít lần hình ảnh chiếu người này nhưng chú thích tên người khác. Hoặc người viết chú thích cẩu thả, như cách nay vài tuần, tin thời sự quốc tế chiếu hình ảnh núi lửa đang hoạt động kèm chú thích “Núinửa ở Chi Lê”. Có trường hợp còn khinh suất đáng trách hơn, như trong loạt phim tài liệu truyền hình Ký ức chiến tranh nhìn từ hai phíatập 17, phát trên VTV nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đoạn nói về tướng William Westmoreland, phần chú thích ghi: “Ông Gen. William Westmoreland - nguyên chuyên gia quân sự Mỹ tại Nam Việt Nam”. Chú thích hoàn toàn sai. Không có ông Gen nào cả, mà chữ “Gen.” là viết tắt chữ “General” nghĩa là “tướng”. Ông tướng Mỹ 4 sao này không chỉ là một chuyên gia quân sự mà là tổng tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam từ năm 1964 đến 1968. Đúng ra phải ghi là: “Tướng William Westmoreland - nguyên tổng tư lệnh quân đội Mỹ ở Nam Việt Nam”.

Còn nhiều sai sót không đáng có nhưng vẫn thường xuyên xảy ra, như cách đọc các từ thông dụng tiếng nước ngoài. Đã là năm thứ 15 của thế kỷ 21 rồi mà nhiều biên tập viên, phát thanh viên của đài truyền hình quốc gia - nhất là mảng quốc tế vẫn còn đọc những từ thông dụng, đơn giản theo cách phiên âm cũ có khi thiếu chính xác như Oa-sinh-tơn, Niu-óoc; Bờ-ra-din; Vơ-ni-dơ; Cô-lô-nhơ…; hoặc tên các cầu thủ bóng đá vốn quy tụ từ khắp các nước, các bình luận viên người đọc thế này, kẻ đọc cách nọ làm người nghe nhiều khi ngớ ra không hiểu họ nói ai!

Làm báo - cả báo giấy lẫn báo nói, báo hình - nhất là các chương trình truyền hình trực tiếp - không thể tránh sai sót. Vì vậy việc tiếp thu ý kiến đóng góp của độc giả, khán thính giả để sửa sai là cần thiết. Rất tiếc, có lẽ vì cái tâm lý mình là người của đài truyền hình quốc gia - “ông trùm” truyền thông cả nước đầy quyền lực nên những ý kiến đóng góp thường không mấy khi được các vị tiếp thu chỉnh sửa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm