Tái hiện công cuộc dời đô của Lý Công Uẩn trên sông

Hành trình Theo dấu người xưa là một lễ hội tổng thể với chuỗi sự kiện văn hóa và tâm linh liên kết với nhau, dựa trên những dữ kiện lịch sử bắt đầu từ sông Sào Khê, qua sông Hoàng Long, vào sông Đáy rồi thẳng tiến trên sông Hồng rộng lớn.

Tái hiện công cuộc dời đô của Lý Công Uẩn trên sông ảnh 1
Hành trình thiên đô được tái hiện trên ba thuyền lớn. Đoàn 1 dành cho vua và hoàng hậu, đoàn 2 dành cho các lãnh đạo, đoàn 3 cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh minh họa: Anh Tuấn.

Ngày 30/9, mở màn Theo dấu người xưa sẽ là đêm nghệ thuật "Hành trình huyền thoại dời đô" được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 vào lúc 20h tại khu di tích lịch sử Đền vua Đinh (Ninh Bình). Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Trung ương, thành phố Hà Nội, tỉnh Ninh Bình và đông đảo bà con nhân dân.

Sau đêm "Hành trình Huyền thoại dời đô", sáng 1/10 sẽ diễn ra Tế lễ Đăng đàn, Tuyên chiếu dời đô, Lễ tiễn vua từ Đền vua Đinh, vua Lê ra bến Hoàng Long (Ninh Bình). Đoàn rước theo sông Hoàng Long về Hưng Yên và mở hội. Tại đây, sẽ diễn ra lễ Đón vua, mở hội khao quân, khai mạc tuần lễ văn hóa Phố Hiến - Hưng Yên. Sáng sớm 2/10, đoàn rước theo sông Hồng về bến Chương Dương Độ, nơi đang diễn ra các hoạt động văn hóa tưng bừng mừng Đại lễ, đặc biệt là Hội đua thuyền. Sau đó từ bến Chương Dương, đoàn rước tiến về Hoàng Thành Thăng Long làm lễ tế trời đất.

Nhà hát chèo Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội giao trực tiếp thực hiện toàn bộ lễ hội Hành trình Theo dấu người xưa với sự hỗ trợ, tham gia biểu diễn của Nhà hát chèo Ninh Bình, Nhà hát chèo Hưng Yên và một số đoàn nghệ thuật khác. NSƯT Thúy Mùi - tổng đạo diễn chương trình - cho biết, sẽ có hơn 500 nghệ sĩ, diễn viên và hàng nghìn người dân tham gia trong Theo dấu người xưa.

Sau hàng loạt vai danh sĩ như Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, NSƯT Quốc Anh tiếp tục được tín nhiệm giao đóng vai vua Lý Công Uẩn. Theo NSƯT Thúy Mùi, Quốc Anh vừa đảm bảo được hình dáng và chất giọng, phù hợp với tưởng tượng của người dân về vị vua nổi tiếng trong lịch sử dân tộc. Phần âm nhạc do các nhạc sĩ An Thuyên, An Hiếu, Đỗ Bảo, Thành Vương đảm nhiệm. Một số ca sĩ trẻ như Tấn Minh, Phương Thảo, Ngọc Anh sẽ trình diễn xen lẫn các chương trình nghệ thuật cổ truyền trên sân khấu đêm "Hành trình huyền thoại dời đô".

Toàn bộ lễ hội được sân khấu hóa với sự tham gia trực tiếp của quần chúng nhân dân, sự giao lưu văn hóa trên bến dưới thuyền tái hiện lại cuộc sống bình yên, phồn thịnh của đất nước ta thời vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Hoạt động này vừa góp phần tái hiện lịch sử, vừa quảng bá cho ngành du lịch phát triển mảng du lịch văn hóa trên sông, mà điểm xuất phát là từ Hà Nội tỏa đi các tỉnh khác trong vùng Đồng bằng châu thổ Sông Hồng.

Đồng thời với các hoạt động rước hội dưới nước là hành trình rước chiếu dời đô kỷ lục trên cạn. Chiếu dời đô với phần thiết kế mẫu do nhà điêu khắc Trần Tụy và nghệ nhân chạm khắc Vũ Quý thực hiện đạt kích thước dài 458 cm, cao 385 cm, tổng trọng lượng gần 5 tấn, được chế tác từ 7 tấn gỗ nguyên khối sẽ được đưa từ Ninh Bình về Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội). Theo bà Thúy Mùi, kịch bản ban đầu dự kiến sẽ rước Chiếu dời đô cùng đi trên sông nhưng do chiếu quá nặng nên phải chuyển sang đường bộ.

Theo Ngọc Trần (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm