Sự cầu thị đáng hoan nghênh

Thông báo của Thành ủy Hà Nội nói ngoài việc không tổ chức bắn pháo hoa tại 29 điểm như kế hoạch, toàn bộ kinh phí sẽ được dành gửi tặng các tỉnh miền Trung gặp thiên tai. Đồng thời, Hà Nội kêu gọi các tổ chức, cá nhân tiếp tục quyên góp, ủng hộ, TP sẽ cử các đoàn trực tiếp đến thăm hỏi, tặng quà các tỉnh miền Trung.

Trước đó công luận cũng đã bày tỏ tinh thần tương thân tương ái với đồng bào miền Trung qua những đề nghị giảm các hoạt động vui chơi, giải trí, trong đó có ý kiến góp ý thẳng thắn nên bỏ việc bắn pháo hoa tại 29 điểm vì lý do mưa lũ đang gây tổn thất cực lớn về người và của đối với miền Trung. Đến nay, số người thiệt mạng (tạm tính) do mưa lũ đã gần 60 người, vượt số nhân mạng trong thảm họa sập đường dẫn cầu Cần Thơ. Thiệt hại về tài sản ước tính đã trên 2.000 tỉ đồng...

Ở một số quốc gia, khi số người chết nhiều như vậy thì chính quyền lập tức thông báo dừng mọi hoạt động vui chơi giải trí. Tại Nga, vào tháng 3-2007, sau khi ba sự cố liên tiếp xảy ra làm chết 176 người, tổng thống ban hành lệnh quốc tang với việc quốc kỳ treo rũ trên toàn quốc, hủy các chương trình truyền hình và hoạt động giải trí công cộng.

Còn ở ta hiện chưa có những quy định cụ thể về những trường hợp này. Chưa có quy định thì có thể làm hoặc không. Vì thế việc Hà Nội mạnh dạn cho ngừng một hoạt động chào mừng trong đại lễ để nhường kinh phí cho miền Trung đang khốn khó cũng là một nghĩa cử cần được ghi nhận.

Đại lễ ngàn năm Thăng Long-Hà Nội là một dịp kỷ niệm trọng đại không chỉ của riêng thủ đô Hà Nội mà của cả đất nước. Trong niềm vui chung những ngày đại lễ, chúng ta không quên những mất mát, đau thương của người dân miền Trung đang oằn mình trong cơn lũ dữ. Vì thế, nhiều người về dự đại lễ vẫn chờ đợi Hà Nội song hành với nỗi đau miền Trung bằng các hoạt động cụ thể hơn như giảm thêm những hoạt động bề nổi tốn kém khác, hoặc chí ít cũng đặt những hòm quyên góp giúp miền Trung tại các trung tâm của đại lễ để họ có thể tham gia.

PHAN MAI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm