“Săn” bàn tay người nổi tiếng

Bàn tay thành đạt - tiếp sức thế hệ tương lai là dự án đúc mẫu đôi bàn tay của những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực. Đến nay, bộ sưu tập đã thực hiện được gần 40 nhân vật nổi tiếng như GS-TS Trần Văn Khê, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhà thơ Đỗ Trung Quân, ca sĩ Quang Dũng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, GS Phan Huy Lê… Để thực hiện dự án này, chị Nguyễn Hoàng Cẩm Anh - Việt kiều Úc đã trở về TP.HCM lập Công ty Bàn Tay Thiên Thần với một khát khao tôn vinh những người thành đạt và thành lập quỹ để nối dài ước mơ của những trẻ em nghèo hiếu học.

Quỹ từ thiện bàn tay người nổi tiếng

Mỗi một đôi bàn tay của người nổi tiếng sẽ được đúc và đặt lên khung tranh bằng gỗ. Khi tập hợp được gần 50 bức tranh của những nhân vật nổi tiếng thì bộ sưu tập sẽ đem triển lãm. “Bởi mỗi một nhân vật đều có những người mến mộ riêng nên triển lãm sẽ kéo dài ba ngày ở ba TP khác nhau: TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Hai ngày đầu có thể chỉ để triển lãm cho tất cả mọi người tới xem. Nhưng ngày cuối cùng kết hợp với Saigon Times Foundation thành lập Quỹ Bàn tay thành đạt - tiếp sức thế hệ tương lai. Toàn bộ số tiền này sẽ đưa vào quỹ giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn không thể đến lớp” - chị Cẩm Anh nói.

Chất liệu để tạo khuôn đúc đôi bàn tay khá đặc biệt. Đó là bột đá pha với 12 loại khác nhau tạo thành một hỗn hợp. Bàn tay của người nổi tiếng sẽ được lấy khuôn y nguyên như thật. Vân tay, hoa tay, nếp nhăn tay… sẽ hiện lên rõ ràng đến nỗi các chuyên gia xem chỉ tay nhìn vào đó và “đọc” chính xác như đang xem tay của người thật.

“Điều đặc biệt ngay khi điện thoại trao đổi về dự án của mình, hầu hết những nhân vật đều hiểu và nhận lời ngay. Nhạc sĩ Phạm Duy là người đầu tiên lấy mẫu. Khi nhận được tác phẩm đôi bàn tay của mình nhạc sĩ Phạm Duy thốt lên đầy xúc động: Sống đến giờ này tôi không tin mình có thể được như thế này” - chị Cẩm Anh kể về dự án của mình.

Cẩm Anh cho biết mỗi một nhân vật sẽ được lấy mẫu và làm thành hai bộ bàn tay. Một bộ để tặng tác giả, một bộ để đấu giá làm từ thiện. Nếu làm bộ thứ ba là không công bằng với người mua. Bởi vậy, người nào mua bộ sưu tập này là họ đang giữ một tài sản vô giá với thời gian. Nếu có muốn làm lại một bộ như vậy nữa phải mất vài chục năm sau. 

“Săn” bàn tay người nổi tiếng ảnh 1

Thực hiện lấy mẫu bàn tay GS-TS Trần Văn Khê. Ảnh: LTM

“Săn” bàn tay người nổi tiếng ảnh 2

Tác phẩm hoàn thành đôi bàn tay của nhạc sĩ Phạm Duy. Ảnh: LTM

Tạo một đại lộ Hollywood của Việt Nam

Tại đại lộ Hollywood (Mỹ) dấu chân, dấu tay, chữ ký… của những người nổi tiếng thế giới được lưu lại trên con đường này cho cả thế giới chiêm ngưỡng. Ở Việt Nam cũng có nhiều người thành đạt, giỏi giang như vậy, cần được vinh danh nhiều hơn nữa. Suốt năm năm trời nung nấu dự án về bàn tay của những người nổi tiếng ở Việt Nam, đến tháng 8-2011 Nguyễn Hoàng Cẩm Anh đã trở về nước để thực hiện ý tưởng của mình.

“Không đủ sức để có thể đi đến tận cùng những mong ước, nên tiêu chí trước hết đó là những người tài, tâm và có ảnh hưởng đến xã hội… Tôi cũng muốn lấy những mẫu bàn tay của các doanh nhân, hay của một số người thành đạt khác nhưng có người tôi không liên lạc được. Cũng có người lại quá bận rộn và họ đã từ chối, nên đành chịu” - chị Cẩm Anh tâm sự.

Theo chị Cẩm Anh, dự án lên kế hoạch thực hiện trong vòng sáu tháng nhưng đến nay đã kéo dài cả năm vì nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên là danh sách nhân vật liên tục phải điều chỉnh. Chi phí của dự án cũng phải điều chỉnh tăng lên đến 10% so với dự kiến ban đầu vì giá nguyên vật liệu liên tục nhảy múa. “Chẳng hạn như giấy bo quanh bức tranh, ban đầu tôi nghĩ chỉ cần dùng giấy nhập từ Thái Lan về 25.000 đồng/tờ. Nhưng mua về và cắt mãi cũng không ưng ý. Loay hoay đi tìm chất liệu mất bốn tháng trời, cuối cùng mới chọn được mẫu giấy nhập từ Anh. Hay như khung tranh ở Úc chỉ có một màu trắng đơn giản, còn ở Việt Nam thì sử dụng khung gỗ nguyên miếng, giá đặt lần hai đã tăng gấp đôi so với ban đầu”.

Việc hẹn gặp các nhân vật để lấy mẫu tay cũng không đơn giản. Có những nhân vật ở tỉnh hay như ở Hà Nội, Cẩm Anh phải bay đi bay về ba lần mới hoàn thành. Mỗi một bức tranh từ khi lấy khuôn tay đến lúc hoàn thành mất cả tháng. “Thực sự đến giờ này không dám tính là bao nhiêu chi phí vì tính ra sẽ không dám làm nữa” - chị tâm sự.

YÊN TRANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm