Rồng Thăng Long không chỉ là một truyền thuyết

Bên lề lễ hội Rồng ngày 3-10, Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn GS-TSKH Phan Đăng Nhật, Ủy viên BCH Hội Khoa học lịch sử

Phóng viên: Thưa ông, sử sách có ghi lại như thế nào về việc hình thành tên gọi Thăng Long?

Rồng Thăng Long không chỉ là một truyền thuyết ảnh 1
+ Đại Việt sử ký toàn thư có chép: “Vua từ thành Hoa Lư dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên nơi thuyền ngự. Nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long”. Theo sử sách, đó là lần duy nhất dưới thời vua Lý Thái Tổ rồng hiện lên. Sau đó sử chép còn 14 lần rồng hiện dưới các triều vua Lý.

Có rồng bay lên thật không?

. Hiếm có biểu tượng nào xuất hiện nhiều lần trong sử sách như vậy, phải chăng biểu tượng rồng bắt nguồn từ một loài vật có thực?

+ Đây là một vấn đề còn nghi vấn. Một ngàn năm trước, trong môi trường tự nhiên và xã hội rất khác với hiện nay, ở một nước nhiều sông nước như nước ta rất có thể có một loài thủy tộc có khả năng bay lên. Một biểu tượng có thể có nguồn gốc từ thực tế, cũng có thể chỉ một phần từ thực tế.

Tuy nhiên, có một điều có thể kết luận được khi nghiên cứu hệ thống biểu tượng trong văn hóa Việt, đó là: Rồng Thăng Long có cội nguồn là con thuồng luồng (còn gọi là con giao long) - một loài sống dưới nước.

. Rồng Thăng Long khác gì rồng các giai đoạn lịch sử sau?

+ Rồng Lý khác hẳn với rồng thời Lê, Nguyễn sau này. Rồng Thăng Long gần với hình rắn, mình tròn, không dữ tợn. Nó là con rồng của nền nông nghiệp lúa nước. Rất nhiều lần trong Đại Việt sử ký toàn thư cũng chép rồng từ dưới nước bay lên. Thêm nữa, rồng bay lên là biểu tượng cho sự phát triển. Sau một ngàn năm nô lệ, đến thời Ngô Quyền (năm 938), nước ta mới giành độc lập và thời Lý chính là thời kỳ phục hưng đất nước, phục hưng văn hóa.

Rồng hiện ở quán nước chè

. Có một điểm rất lý thú trong nghiên cứu của ông về rồng thời Lý, xuất hiện ở Thăng Long đó là có một lần dưới thời vua Lý Nhân Tông, rồng hiện lên cả ở quán nước chè?

+ Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép năm 1119, rồng hiện lên ở hàng bán nước chè. Đây là điều rất lạ, rồng thường chỉ xuất hiện gần nơi vua ngự, có một lần dưới thời vua Lý Thái Tông, sử chép rồng xuất hiện ở mắc áo của đạo sĩ nhưng trước đó có ghi áo của đạo sĩ do vua ban tặng. Theo tôi, có thể lý giải điều này căn cứ vào thực tế lịch sử dưới thời vua Lý. Dưới thời Lý-Trần, chế độ phong kiến chưa khắc nghiệt lắm, tính dân chủ còn cao nên có thể hình ảnh rồng vẫn còn màu sắc dân dã. Từ thời Hậu Lê trở về sau, chế độ phong kiến tập quyền phát triển mạnh mẽ, người dân bị cấm mặc áo màu vàng, cấm sử dụng hình rồng trên các đồ dùng hằng ngày, cấm xây nhà cao…

. Sau quá trình nghiên cứu về rồng Thăng Long, ông có khuyến cáo gì trong việc phục dựng biểu tượng rồng?

+ Rồng Thăng Long là một biểu tượng của đất nước Việt Nam thời phục hưng, một biểu tượng mang đậm bản sắc Việt. Biểu tượng đó tích tụ nhiều tư duy của tiền nhân, nhiều lời nhắn gửi về văn hóa dân tộc. Nó khác hẳn với biểu tượng con rồng phương Tây - nhiều móng vuốt và hung dữ. Rồng Thăng Long cũng khác với con rồng Trung Quốc. Rồng Trung Quốc là biểu tượng của đế vương, rồng của các triều đại Hán, rồng phương Bắc có sừng, có đuôi như một loài thú. Rồng Thăng Long là sự cụ thể hóa con rắn - giao long vốn có trong huyền thoại, từ các bờ sông, các làng quê Việt Nam.

BẢO PHƯỢNG thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.