Rẻ rúng đến thế là cùng!

Vốn là người sưu tầm cổ vật ông liền để ý ngay đến nó. Đó là quả chuông do một viên sĩ quan lấy cắp tại một ngôi chùa trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng Việt Nam những năm 1940. Trên một mặt chuông có khắc chữ Hán, ông đọc thấy lai lịch quả chuông như sau: “Chiếc chuông của chùa Ngũ Hộ, làng Kim Thôi, thuộc Bắc Ninh, trước đây do loạn lạc bị mất. Dân làng đã đúc lại cái mới thay vào. Nhưng tháng 2-1825 chuông lại bị sơn tặc lấy đi mất. Dân làng hằng ngày đã quen với tiếng chuông chùa, giờ mất nó mọi người đều rất buồn và họ bàn cách làm chuông mới... Trải qua ba năm liền, tiền và đồng được quyên góp được đem đúc, phần còn thiếu được mua vào cho đủ”.

Luật sư Watanabe quyết định phải tìm cách mua lại quả chuông để đem về lại cho ngôi chùa ở Việt Nam. Ông đã cùng nhiều người đồng tâm nhất trí với việc này lập ra “Hội hoàn hương chuông cổ” và đã quyên góp được đủ số tiền để mua lại quả chuông. Mua được chuông rồi các nhà sư ở nhiều chùa trên đất nước Nhật Bản còn tổ chức cầu nguyện cho nó trước khi đưa nó về lại quê hương bản quán. Tháng 6-1978 quả chuông đã được trao lại cho phía Việt Nam tại chùa Quán Sứ.

Tấm lòng của vị luật sư cũng như của các nhà sư và người dân Nhật Bản đối với một quả chuông nguồn gốc Việt Nam lưu lạc xứ người thật cảm động và đáng trân trọng. Họ biết quý trọng giá trị văn hóa của một cổ vật, nhưng khi rõ gốc tích cổ vật thì họ biết trả lại giá trị đó cho những chủ nhân đích thực của nó. Việc làm của luật sư Watanabe còn như là một sự xin lỗi người dân Việt Nam vì hành động lấy cắp chuông của viên sĩ quan Nhật Bản ngày trước. “Châu về hợp phố”, quả chuông đã được đem về lại Việt Nam và được trao về cho tỉnh Hà Bắc hồi đó. Nhưng rồi quả chuông đó lại bị bỏ xó trong quên lãng trên chính quê hương mình một khoảng thời gian gần bằng thời gian nó lưu lạc xứ người. Năm 1993, người được luật sư Watanabe nhờ tìm hiểu xem số phận quả chuông sau khi về Việt Nam thế nào đã phải vất vả lắm mới tìm thấy nó. Thoạt đầu nó được đem để ở chùa Bút Tháp nhưng chùa này đã có chuông của mình nên nó bị lẻ loi như vô thừa nhận. Rồi nó được đem vào bảo tàng tỉnh Hà Bắc và khi tách tỉnh thì nó ở trong kho của bảo tàng Bắc Ninh, không ai đoái hoài bởi vì không cán bộ nào ở bảo tàng biết chữ Hán để đọc văn khắc trên nó và cũng vì hình như không có hồ sơ lưu của nó, hay có mà do cán bộ bảo tàng tắc trách, cẩu thả nên không đoái hoài. Đến khi chùa Ngũ Hộ được xây lại năm 2001, nhà sư trụ trì cùng nhân dân và chính quyền sở tại đã ba lần làm đơn xin rước chuông về lại nhưng không được. Cho đến tháng 9 này, luật sư Watanabe sang Việt Nam thì quả chuông ông đã tốn nhiều tâm lực cho nó hoàn hương vẫn chưa được treo tại chùa Ngũ Hộ như chính nó phải thế. Nhà sư trụ trì chùa này đã tính đúc quả chuông mới theo mẫu chuông cũ nhưng cuối cùng sư đã nghĩ lại, không đúc chuông mới nữa mà làm tháp chuông. Khi quyết như thế chắc nhà sư chùa Ngũ Hộ mong và tin là quả chuông cũ sẽ về nơi cũ.

Tôi đọc câu chuyện này trên báo mà buồn bã, xót xa. Tôi ngượng thay cho những người không còn biết ngượng là gì nữa khi gặp lại luật sư Watanabe. Quả chuông mà biết khóc chắc nó cũng khóc khi gặp lại ân nhân của mình và biết đâu nó lại chẳng muốn ông đưa nó về lại nước ông. Người mình sao rẻ rúng mình đến thế. Rẻ rúng cả công đức tiền nhân, cả lòng tốt của người thiên hạ. Vì cái sự rẻ rúng đó nên không lạ gì đền chùa miếu mạo di tích thắng cảnh ở xứ ta cứ bị xâm hại, phá hủy và các giá trị văn hóa tinh thần bị coi thường, chà đạp. Mà nói người mình là nói ai? Rẻ rúng trước hết chính từ những người có trách nhiệm không được rẻ rúng.

Rẻ rúng đến thế là cùng!

PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm