“Ra đường, ai cũng gọi tôi là Tào Tháo!”

Tuy nhiên, ít ai biết rằng với “Tào Tháo” đương thời này, gia đình là tất cả. Lúc đi, “Tào Tháo” đẩy cha trên xe đẩy ra sân bay, lúc về “Tào Tháo” cũng đẩy xe, nhưng là xe chở tro cốt người cha về Bắc Kinh…

Năm 1995 bộ phim truyền hình “Tam Quốc diễn nghĩa” công chiếu đã đưa nhiều diễn viên từ chỗ “không tên không tuổi” trong làng nghệ thuật, giải trí nước này trở thành thần tượng trong tâm trí khán giả trong và ngoài Trung Quốc.

“Ra đường, ai cũng gọi tôi là Tào Tháo!” ảnh 1
Nhân vật Tào Tháo qua sự thể hiện của diễn viên Bào Quốc An.

Nếu như Đường Quốc Cường sống mãi trong lòng người xem với vai diễn Gia Cát Lượng thành công ngoài tưởng tượng thì Bào Quốc An mãn nguyện cả đời vì đã làm thay đổi nhận thức của rất nhiều người xem về Tào Tháo, nhân vật gian hùng số một trong lịch sử và văn học Trung Quốc.

Năm 1990 khi phim bắt đầu bấm máy, Bào Quốc An mới 45 tuổi, khi “Tam Quốc diễn nghĩa” ra mắt khán giả là lúc ông đã 50. Trước năm 1995 Quốc An chỉ là một thầy giáo bình thường trong Học viện Hý kịch trung ương, nhưng sau thời điểm này cứ hễ ra đường là thiên hạ lại gọi ông là Tào Tháo.

Không cần biết trong dân gian cũng như một số tác phẩm văn học nghệ thuật khác, Tào Tháo là nhân vật thế nào, thiên hạ yêu hay ghét, nhưng dưới ngòi bút tài tình của nhà văn La Quán Trung thì quả thực đây là một con người, một nhân vật rất “người” và không có cách nào để phân biệt rạch ròi Tháo vào nhân vật chính diện hay phản diện.

Với Bào Quốc An, vai diễn Tào Tháo để lại trong công chúng một ấn tượng khó có thể phai mờ về một nhà chính trị, quân sự và nhà thơ kiệt xuất thời Tam Quốc có những diễn biến nội tâm cực kì phức tạp.

Mặc dù chủ định của La Quán Trung cũng như đạo diễn “Tam Quốc diễn nghĩa” là làm nổi bật và tôn vinh nhà Thục Hán với lòng nhân từ của Lưu Bị, mưu trí xuất quỷ nhập thần của Khổng Minh, trí dũng song toàn của Quan Vũ, tính cương trực, hảo hán của Trương Phi nhưng ngoài cả mong đợi của đoàn làm phim, đó là sự thành công xuất sắc của vai Tào Tháo.

Dưới sự diễn xuất tài ba và hết mình vì nghệ thuật của Bào Quốc An, Tào Tháo đến với khán giả tuy xuất phát từ một nhân vật gian hùng, nhưng thực sự tài ba, hào sảng. Đa nghi vốn là cá tính số một của Tào Thừa tướng, nhưng không vì thế mà ông đối xử tệ bạc với thuộc hạ, ngược lại rất trân trọng những mưu sĩ, hiền thần.

Khi Trần Lâm còn theo Viên Thiệu có làm bài phú “Kiến An thất tử” lôi cả tổ tông Tháo ra mà chửi, nhưng một khi Lâm đã quy thuận, Tào Tháo không chấp chuyện cũ mà vẫn tiếp đãi tử tế và trọng dụng.

Tài cầm quân, điều binh khiển tướng của Tào Tháo trong “Tam Quốc diễn nghĩa” là điều không thể phủ nhận và cũng chính điểm này làm tăng giá trị tác phẩm và làm nền “tô vẽ” cho Gia Cát Lượng.

Nhiều khán giả chỉ thích xem những tập có Khổng Minh với những mưu kế đến quỷ thần cũng phải “bái phục”, trên thông thiên văn dưới tường địa lý thì không ít khán giả lại trầm trồ, tâm đắc trước nhãn quan chính trị cực kì sắc sảo của Tào Tháo khi ông nói với Lưu Bị: “Anh hùng trong thiên hạ chỉ có Sứ quân và ta mà thôi!”

"Tào Tháo" ngày xưa và bây giờ 

“Ra đường, ai cũng gọi tôi là Tào Tháo!” ảnh 2
Chân dung Bào Quốc An.

Sau vai diễn để đời đó, Bào Quốc An thường xuyên nhận được các vai chính trong các phim truyền hình, phim truyện nhưng tất cả các vai này đều là đế vương, khanh tướng hay cán bộ thời hiện đại. Người ta thấy toát lên ở diễn viên này một khí khái đại trượng phu hào hiệp, trượng nghĩa. Tuy nhiên, ít ai biết rằng với “Tào Tháo” đương thời này, gia đình là tất cả.

Trong làng điện ảnh Trung Hoa nói riêng, thế giới nói chung, hiếm có trường hợp nào đưa cả mẹ già đã 86 tuổi cùng theo đoàn làm phim như Bào Quốc An. Thậm chí người cha đã tuổi cao sức yếu vẫn cùng với con mình xuống miền nam quay phim, và ông đã ra đi mãi mãi. Lúc đi, “Tào Tháo” đẩy cha trên xe đẩy ra sân bay, lúc về “Tào Tháo” cũng đẩy xe, nhưng là xe chở tro cốt người cha về Bắc Kinh.

Bây giờ, mặc dù đã lên ông, nhưng Quốc An vẫn nhận được rất nhiều lời mời đóng phim, nhưng nhiều lần ông phải từ chối khéo, bởi với ông, gia đình là tất cả. Những khi đạo diễn nài nỉ, thậm chí thuê cả phòng khách sạn để ông đưa gia đình theo Bào Quốc An đã không thể cưỡng lại tấm thịnh tình đó. Ông không hề nghĩ rằng mình lại được ưu ái đến thế.

Hiện tại, ông là Giáo sư của Học viện Hý kịch trung ương Trung Quốc và chủ yếu làm công tác giảng dạy. Thỉnh thoảng “ngứa nghề” khi các đạo diễn có mời, ông chỉ nhận vai phụ. “Phải để đất diễn cho các bạn trẻ chứ!” – Quốc An chia sẻ.

Khi nhận xét về những diễn viên đóng vai Tào Tháo sau này, Trương Phong Nghị với Tào Tháo trong “Xích Bích” hay Trần Kiến Bân với Tào Tháo trong “Tam Quốc diễn nghĩa” phiên bản mới, Quốc An nhận xét: “Sự nỗ lực cố gắng của hai bạn là để vượt qua chính bản thân hai bạn, không thể nói Kiến Bân hay Phong Nghị có thể vượt qua Bào Quốc An. Không bao giờ có chuyện đó. Tào Tháo là một nhân vật nội tâm cực kì phức tạp, bản thân tôi cũng là người phức tạp.”

Theo Bình Nguyên (Bee.net)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm