Phát ấn Đền Trần (Nam Định): Muốn nhận ấn, phải đặt tiền công đức (!)

7 giờ sáng 6-2, ấn đền Trần đã chính thức được phát rộng rãi cho người dân về dự hội. Trước đó, từ sáng sớm đã có hàng trăm người đứng xếp hàng tại các điểm phát ấn với mong muốn có trên tay những chiếc ấn đầu tiên.

Bớt đông nhưng vẫn hỗn loạn

Do lượng khách đổ về đền giảm đáng kể so với năm 2011 nên việc phát ấn diễn ra khá trật tự. Tại một số điểm phát ấn, có lúc số lượng nhân viên đảm bảo an ninh trật tự nhiều hơn cả số người đến xin ấn. Chỉ sau khoảng 15 phút kể từ khi ấn được phát ra, lượng khách đã bắt đầu vãn, nhiều người đã cầm được chiếc ấn mà không phải vất vả chen lấn như mọi năm. “Trong mấy năm làm nhiệm vụ tại Lễ hội đền Trần, đây là năm đầu tiên chúng tôi thấy nhàn như thế” - một chiến sĩ công an đang làm nhiệm vụ tại khu vực bên trong đền Thiên Trường cho biết.

Cao điểm nhất của mùa lễ hội năm nay có lẽ là lúc khởi hành lễ rước kiệu xung quanh hồ. Khi đó nhiều du khách được cấp thẻ đỏ (được có mặt tại khu hành lễ) đã đuổi theo kiệu lễ để tung tiền lễ vào kiệu; những người có thẻ xanh (có mặt ở bên ngoài khu hành lễ) cũng tìm cách ném tiền vào kiệu hoặc nhờ lực lượng an ninh ném hộ. Lực lượng làm nhiệm vụ đã phải nắm tay nhau tạo thành một đường dây bảo vệ kiệu lễ. Thỉnh thoảng lại có tiếng hét rất to từ khu vực kiệu lễ: “Mọi người trật tự, sập kiệu bây giờ!”.

Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng tỏ ra bức xúc khi trước thời điểm phát ấn theo quy định, trong khi số đông người dân vẫn phải xếp hàng dài chờ đến lượt nhận ấn thì những đơn vị, cá nhân đăng ký ấn từ trước đều đã được nhận. “Đã quy định thời gian phát ấn thì nên phát đúng thời điểm cho tất cả mọi người” - anh Nguyễn Quang Hưng (Hà Nội) bày tỏ.

Phát ấn Đền Trần (Nam Định): Muốn nhận ấn, phải đặt tiền công đức (!) ảnh 1

Nhân viên phát ấn (bìa trái)chỉ tay vào hòm công đức. Sau khi bỏ tiền vào đó, du khách mới được phát ấn theo mệnh giá tương ứng. Ảnh: V.THỊNH

Công đức càng nhiều, được ấn càng nhiều

Mặc dù ban tổ chức đã tuyên bố sẽ không thu tiền phát ấn nhưng theo quan sát của chúng tôi, tại các điểm phát ấn đều bố trí một chiếc hòm công đức khá to và mỗi người dân khi tiến đến khu vực nhận ấn đều được nhân viên ở đây nhắc nhở: “Chúng tôi không bán ấn… Cứ bỏ tiền vào thùng đi rồi lấy ấn”. Khi đã trông thấy người dân bỏ tiền vào hòm công đức, tương ứng với mệnh giá khoảng 20.000 đồng trở lên thì nhân viên phát ấn mới trao ấn cho người dân. Rất nhiều người bỏ vào thùng công đức 100.000-200.000 đồng để được nhận nhiều ấn cùng một lúc dù theo quy định mỗi người dân chỉ được nhận tối đa hai lá ấn. Giá công đức để được nhận ấn cũng không thống nhất: với 50.000 đồng có người nhận được hai lá ấn nhưng có người nhận được đến ba.

Vừa cầm được chiếc ấn trong tay, anh Nguyễn Văn Hưng (ngụ Tiên Lữ, Hưng Yên) nói: “Năm ngoái vật lộn mãi tôi cũng không mua được ấn, năm nay chỉ cần bỏ vào thùng công đức 200.000 đồng là tôi đã có một xấp ấn”.

Ngỡ phóng viên là người muốn xin ấn, nhân viên phát ấn liền chỉ vào thùng công đức rồi bảo muốn bao nhiêu cái cứ bỏ tiền vào đó trước. Khi phóng viên bỏ vào thùng công đức 50.000 đồng thì được nhân viên này đưa ngay hai lá ấn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Cao Thị Tính, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nam Định, Trưởng ban tổ chức Lễ hội đền Trần, giải thích: “Việc người dân công đức bao nhiêu là tùy tâm, còn việc như phóng viên phản ánh là do các cụ ở đền chứ không phải là chủ trương của TP”.

Đột ngột ngừng phát ấn

Vào 15 giờ ngày 15 tháng Giêng, khi phóng viên quay trở lại đền Trần (Nam Định) thì chứng kiến cảnh nhiều du khách đến xin ấn phải ra về tay không. Hỏi thăm nhân viên phát ấn, phóng viên được cho biết rằng đó là do đã hết ấn. Đến thời điểm này, theo quan sát của phóng viên, chỉ còn 1/5 bàn phát ấn còn hoạt động, dành để phát ấn cho các cá nhân, tập thể đã đăng ký trước.

Về “sự cố” này, bà Cao Thị Tính giải thích rằng thật sự thì ấn chưa hết nhưng do hôm nay là ngày đầu tiên phát ấn, sau một thời gian dài chuẩn bị, nhân viên đã mệt, cần được nghỉ ngơi. Việc phát ấn sẽ tiếp tục vào sáng mai…

Chiều cùng ngày, lượng du khách đổ về đền Trần đã tăng nhiều so với buổi sáng. Nhiều du khách rất bức xúc vì việc nhà đền đột ngột ngừng phát ấn mà không thông báo trước.

Lễ hội chùa Bà Bình Dương: Đông nhưng bình yên

Từ ngày 11 đến 15 tháng Giêng, Lễ hội chùa Bà Bình Dương đã diễn ra tại chùa Bà Thiên Hậu (Thủ Dầu Một, Bình Dương).

Lượng khách viếng chùa trong những ngày này luôn đông kín từ sáng đến khuya. Dẫu vậy, tại đây không diễn ra cảnh chen lấn quá mức khiến nhiều người bị mất dép, móc túi, thậm chí ngất xỉu như các năm trước. Ngay từ đầu thị xã Thủ Dầu Một, nhiều chốt an ninh đã được lập ra để đảm bảo việc lưu hành giao thông thông thoáng. Lối dẫn vào chùa Bà cũng được nhiều chốt chặn xe bao quanh, không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Trước chùa Bà không còn tệ nạn ăn xin hay chèo kéo du khách mua đồ cúng lễ một cách quá đáng. Lực lượng bảo vệ cũng kiên quyết chỉ cho mỗi khách mang một cây nhang vào thắp trong chùa, không cho mang nhang lớn đã đốt vào trong chính điện. Thế nên vấn đề ngộp thở vì khói nhang hay nguy cơ cháy nổ cũng giảm rất nhiều.

Xung quanh chùa, nhiều quán ăn và gian hàng đặc sản địa phương cũng có bảng kê giá một cách rõ ràng. Do đó, nhìn chung Lễ hội chùa Bà Bình Dương tuy đông đúc nhưng khá bình yên.

Tuy nhiên, ở chùa Bà Bình Dương vẫn thấy cảnh một dãy thùng đựng tiền quyên góp to bày sừng sững với nhiều người cầm một mớ bao lộc may mắn ngồi canh. Nhiều khách viếng chùa rất dễ tưởng nhầm đây là nơi phát lộc may mắn của chùa nên đến xin nhưng không được cho. Do vậy có rất nhiều khách đã phải bỏ tiền vào các thùng này để lấy được lộc may mắn. Trong khi đó, lộc chính thức của chùa được phát ở một chái phía bên hông chùa và không phải du khách nào cũng biết.

Còn ở chùa Ông, gần chùa Bà, du khách cần cảnh giác trước những người mời nhận lộc là những cây phát tài. Thật ra sau khi nhận những cành lộc này, khách sẽ ngay lập tức bị đòi tiền “lì xì” và bắt buộc phải trả tiền cho “lộc” như một cách ép mua.

HÒA BÌNH

V.THỊNH - T.LƯU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm