Nhớ Yến Lan, người về với trăng

Phòng lưu niệm nhà thơ Yến Lan tại nhà riêng ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định - Ảnh: Đình Phú
Phòng lưu niệm nhà thơ Yến Lan tại nhà riêng ở thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định - Ảnh: Đình Phú

Câu nói không hẳn chỉ là sự chiêm nghiệm của ông khiến tôi lạnh người. Người già thường sợ cô đơn, hoặc sợ lú lẫn làm phiền con cháu. Với ông - một thi sĩ, sự tỉnh táo của tuổi già còn đáng sợ hơn. Cũng lần này, hỏi thăm ông về mấy năm tháng buồn vì tai nạn nghề cầm bút, ông im lặng nói lảng sang chuyện khác. Ôi cái sự tỉnh của ông, sao nghĩ tới thấy buồn thương.

Linh Lân Yến Lan lành hiền và từng chói sáng trên thi đàn với "Nhóm thơ Bình Định" và "Trường thơ loạn", ít nhất tới giờ mọi người vẫn ngưỡng mộ với Bến My Lăng và Bình Định năm 1935. Riêng Bến My Lăng, cái bến thơ đẹp lộng lẫy và kỳ ảo không thể thiếu trong danh mục những bài thơ hay nhất Việt Nam thế kỷ XX! Thử đọc lại vài đoạn: "Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu/Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/Ông lái buồn để gió lén mơn râu/… Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly/Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi/Ông lão vẫn say trăng nằm gối sách/Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng/Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng". Ông đã về với cái bến trăng huyền ảo của ông cách đây đúng 10 năm. Lạ lùng thay lại nhằm vào đêm trăng đẹp nhất trong năm: trung thu. Ông lặng về với trăng trong niềm hân hoan lớn của trẻ nhỏ tùng cắc múa lân, ông, con linh-thú-lân lành hiền đi không làm đau cỏ!

Kỷ niệm sinh nhật thứ 73 của ông, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn tặng ông câu đối: "Nẫm niên dư bắc thượng nam quy tứ hữu thi đàn do lưu văn nghệ sử/Thất tuần ngoại triêu ngâm mộ vịnh nhứt sinh hoa bút trường thán nguyệt vân thiên". Một đời ra bắc về nam có mặt với thi đàn, một đời "hoa bút" để rồi "trường thán nguyệt vân thiên". Sau khi nhận quà tặng, Yến Lan cười buồn nói nhỏ nhẹ: "Ông phê tui!". Ngửa mặt mà than dài với trăng mây, xét cho cùng cũng là chỗ bấu víu của văn nghệ sĩ mọi thời.

Nhưng cũng chỉ là cách nói có tính chia sẻ. Bằng cách của mình, bằng "sự tỉnh táo" đáng sợ cuối đời, Yến Lan cứ lặng lẽ "nhả" những sợi tinh tơ bằng thơ tứ tuyệt. Có lẽ khi văn học sử ghi nhận Yến Lan thời Thơ Mới thì đến nay, tài thơ tứ tuyệt, nhất là chuỗi thơ mấy chục năm về hưu của ông chưa được nhìn nhận đúng tầm. Tôi xin bắt đầu phần này bằng bài thơ cách ngày ông mất vài tháng (xin lưu ý, 2 năm cuối đời, ông chỉ nằm, đọc cho bà Lan, người vợ, người bạn đời của ông ghi lại): "Nghe báo trên trời thiếu một sao/Đàn chim kinh ngạc hoảng nhìn nhau/Có người đã thức nhiều đêm trắng/Tìm mãi không ra trống chỗ nào" (Mất sao). Bài thơ ghi ngày 9.7.1998. Cùng mạch chiêm nghiệm này, xin trích thêm một số nữa: "Vò rối tơ rồi gỡ rối tơ/Gỡ không ra mối lại đem vò/Nàng Vân giả dại nàng Vân dại/Vân dại nên đời cũng ngẩn ngơ" (Chèo); "Trưa đọc Nam Hoa kinh/Tối nằm không hóa bướm/Mừng mình chủ được mình/Dậy thổi nồi khoai sớm" (Đọc Trang Tử); "Tay bưng thuốc đắng nhìn xuyên chén/Năm tháng còn trên mấy đốt tay" (Hẹn); "Lắc chiếc lọ sành còn rượu nhín/Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly" (Xuân tảo)... Nhiều, nhiều lắm lắm những bài thơ câu thơ tứ tuyệt hay như thế trong hơn 500 bài. Nỗi ám ảnh về thời gian và kiếp nhân sinh là nỗi chung của thi sĩ. Nhưng ông có cách thể hiện rất riêng, độc đáo: "Em đến xin hồng, hồng mới nụ/Hôm nay hồng nở bóng em xa/Cầm em bữa trước em không ở/Giờ biết làm sao cầm được hoa" (Cầm chân em cầm chân hoa); "Mùa chim di cư, mồng két ra đi/Chiều thị trấn khói nhòa mây tiễn/Thoảng nghe tự đàn chim rơi một tiếng/Cái nghẹn ngào mắc kẹt giữa chia ly" (Mùa chim di cư - tặng Phùng Quán).

Bây giờ ông đang nằm trong nghĩa trang huyện, hiu quạnh bên chân núi. Thỉnh thoảng tới ngày giỗ, tết chỉ có mấy người thân của ông tới đốt hương, nhổ cỏ. Bạn cùng thời ông, các thi sĩ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên... vẫn ít nhiều có may mắn hơn ông. Người được xây đắp mộ phần nhiều lần khang trang, người được dựng tượng, làm nhà lưu niệm, đặt tên đường phố... Với bài viết này tôi không hề có ý so sánh văn tài hay chế độ đãi ngộ mà chỉ nêu chút chua xót hậu sinh, rằng, số phận của một thi sĩ có thể bi đát hay được tôn vinh lúc còn sống nhưng giá trị thực của một thi sĩ chắc chắn sẽ còn lại với muôn đời.

Năm tháng đời người còn trên mấy đốt tay? Không, còn trong sự tưởng vọng nhiều đời dành cho những giá trị chân chính!

Theo Lê Hoài Lương (Thanh Niên)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm