Nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan đã ra đi

Ông Nguyễn Tôn Nhan sinh ngày 1-2-1948 tại Cẩm Giàng, Hải Dương, ông lớn lên ở Sài Gòn và chuyên nghiên cứu Hán học, làm thơ, dịch sách, soạn các bộ từ điển quan trọng như: Từ điển thành ngữ điển tích Trung Quốc, Từ điển văn học cổ điển Trung Quốc, Từ điển danh nhân Trung Quốc, Từ điển Hán Việt văn ngôn dẫn chứng.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan đã ra đi ảnh 1

Nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan - Ảnh: TL

Đặc biệt bộ Nho giáo Trung Quốc dày hơn 2.000 trang ra mắt độc giả cách đây 6 năm đã gây được tiếng vang lớn trong học giới Việt Nam về một công trình dịch và chú giải công phu, nghiêm túc. Ngoài ra còn phải kể đến bộ sách Bách khoa thư văn hóa cổ điển Trung Quốc, cũng là một công trình biên soạn đồ sộ, đóng góp rất nhiều cho học giới chuyên ngành nghiên cứu Trung Quốc và văn hóa phương Đông. Ông cũng dịch một số tác phẩm lĩnh vực văn học, triết học như Hoài Nam Tử (1.400 trang), Đại từ điển thơ Đường, Đạo Đức kinh, Nam Hoa kinh…

Bạn bè văn chương và học giới đều ngỡ ngàng trước sự ra đi đột ngột của nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan, có người bàng hoàng vì mới hai tuần trước đây còn ngồi với ông trong bữa sáng tại quán ăn hương vị Quảng Nam ở Sài Gòn. Nay học giới Việt Nam mãi mãi mất ông, đây thực sự là một niềm đau dù trước tác của ông để lại thật đồ sộ.

Hiện linh cữu nhà nghiên cứu Nguyễn Tôn Nhan được quàn tại nhà riêng: 347/22 Bùi Đình Túy, phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ sáng 1-2-2011, đến 6 giờ ngày 2-2-2011, lễ động quan và đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Bình Hưng Hòa.

Theo Lam Điền (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm