Nguyễn Sự: Người có văn hóa bẩm sinh

Công lao của ông Sự và các cộng sự của ông đối với Hội An đã được khẳng định và nói đến nhiều. Nhân cách và tư cách của ông ở cương vị một người lãnh đạo cao nhất Hội An, trước đây là chủ tịch, bây giờ là bí thư, đã được khen ngợi, đề cao. Có thể nói một cách đơn giản nhất, Hội An là Nguyễn Sự và ngược lại, cũng như Đà Nẵng là Nguyễn Bá Thanh và ngược lại. Hội An với diện mạo và đời sống của nó như hiện nay là sự nghiệp của Nguyễn Sự, là tác phẩm của Nguyễn Sự, đó chính là giá trị để giải thưởng Phan Chu Trinh vinh danh ông.

Thế nhưng từ đây tôi có một nỗi lo bên cạnh niềm mừng. Hội An sẽ thế nào khi Nguyễn Sự thôi làm lãnh đạo, nghĩa là hết quyền quyết định chính các việc liên quan đến TP? Nói cách khác, khi Nguyễn Sự thôi chức, nghỉ hưu, người lên thay ông ở cương vị lãnh đạo chủ chốt của Hội An sẽ có kế tục được ông đưa TP tiếp tục phát triển theo hướng văn hóa du lịch đẹp và hay như đang có? Tôi lo vậy vì ở ta thường hay có sự gián đoạn, gãy khúc trong quá trình phát triển do sự thay đổi lãnh đạo, nhất là trong lĩnh vực văn hóa. Người lên thay chức thì không thiếu nhưng người kế tục thì ít. Bởi vì lực lượng bổ nhiệm kế cận, hay còn gọi là “cán bộ nguồn”, ít được chú ý về mặt văn hóa. Xin hiểu văn hóa nói đây không phải là trình độ học vấn bằng cấp, không phải tri thức chuyên môn ngành nghề. Văn hóa của người lãnh đạo, bên cạnh sự sâu sát cuộc sống của người dân là sự hiểu biết các giá trị tinh thần, giá trị truyền thống, cảm nhận được năng lượng vô hình nhưng có thật của những giá trị phi vật chất hiện diện cụ thể trong đời sống hằng ngày của nhân dân.

Nguyễn Sự có mẫn cảm của một người có văn hóa bẩm sinh. Và sự mẫn cảm văn hóa đó ở ông đủ mạnh để giữ cho ông không bị tha hóa bởi quyền lực. Mặt khác, khi ở vị trí quyền lực ông lại biết sử dụng nó trong giới hạn của mình để biến sự mẫn cảm văn hóa thành hiện thực văn hóa. Xét ở góc độ này, ông Sự là cá biệt, nghĩa là không có hai Nguyễn Sự Hội An. Nhưng xét ở góc độ lãnh đạo và văn hóa như điều kiện cần và đủ cho một cương vị chủ chốt của một đơn vị, một ngành, một địa phương thì Nguyễn Sự không nên bị/được cho là cá biệt. Tại sao ở ta lại hiếm hoi đến vậy những người có những đức tính mà lẽ ra ở một cương vị nào đó, một chức vụ nào đó họ cần phải có, mà nếu không có thì họ không được ở chức vụ, cương vị đó? Tại sao trong một xã hội những phẩm chất, đức tính lẽ thường của con người lại thành ra bất thường, khác thường? “Sống cái đời gì kỳ cục quá thôi/ Chỉ lương thiện với mình cũng đủ thành dũng cảm” (E. Evtushenko).

Ông Sự khi nghĩ và làm những việc rồi ra sẽ biến ông thành anh hùng lao động và người được giải thưởng Phan Chu Trinh không tính là để được vinh danh như vậy. Ông cũng không nghĩ bằng những việc làm đó ông biến mình thành một người cá biệt, một trường hợp khác thường, một “ông quan” hiếm hoi, khó ai làm được. Ngược lại, nếu ông bị/được coi là vậy thì mới là điều đáng buồn và lo không phải cho ông Sự, mà cho xã hội.

Góc của PHẠM XUÂN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm