Người vẽ dưới đạn bom

Với ưu thế là một nhà báo chiến trường, họa sĩ Phạm Thanh Tâm đã có mặt tại các chiến trường sôi động nhất, các mặt trận ác liệt nhất của cả hai cuộc kháng chiến. Các bức ký họa của ông không chỉ ghi chép các sự kiện lịch sử mà còn khắc họa nét đẹp của các đồng chí, đồng đội của ông trên chiến trường và cả những quân dân ông gặp bất chợt nơi hậu phương.

Học vẽ trong lán tản cư

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm sinh ra tại TP Hải Phòng, thời niên thiếu ông đã theo cha mẹ rời thành phố tản cư. Nhờ có cha làm ở một cơ quan tuyên truyền, cậu bé Tâm được các cô chú giao cho công tác đem tờ báo của cơ quan đến nhà in. Đường đến nhà in dẫn đến một ngôi làng nhỏ. Con đường dù bị bom đạn, pháo kích của máy bay địch tàn phá nhưng thi thoảng vẫn bắt gặp vẻ đẹp của những khoảnh ruộng vàng trĩu hạt, các khóm hoa dại rập rờn ven đường khiến cậu giao liên trẻ hào hứng.

Lúc này cơ quan tuyên truyền cũng có vài họa sĩ kháng chiến công tác. Cậu bé Tâm luôn lân la xem các họa sĩ vẽ để học lỏm. Sau đó cậu say sưa vẽ lại những cảnh đẹp đã bắt gặp trên đường đi in báo. Các nét vẽ đầu tiên tuy còn vụng về, thô sơ nhưng đã thể hiện năng khiếu của một họa sĩ tương lai khiến các họa sĩ của cơ quan tuyên truyền chú ý dạy vẽ cho Phạm Thanh Tâm hơn.

Sau đó ông được cử đi học lớp huấn luyện chuyên môn vẽ sáu tháng rồi phân về Ty thông tin Hưng Yên với công việc viết khẩu hiệu và vẽ tường tuyên truyền kháng chiến. Nhìn lại khoảng thời gian này, họa sĩ Phạm Thanh Tâm thẳng thắn: “Lúc này tay nghề còn non nớt nhưng công việc đòi hỏi nên vẫn gắng sức vẽ, vừa làm vừa học thêm”. Có những lúc, trên giao cho vẽ tuyên truyền ở bức tường đồn địch, ông phải phục cả ngày chờ thời cơ chỉ vài phút là lao ra vẽ, kẻ khẩu hiệu. Những bức vẽ thình lình “mọc” lên chễm chệ ngay tường đồn địch như vậy luôn làm quân dân thích thú, còn quân địch kinh ngạc.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm hướng dẫn Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem triển lãm tranh. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Khoảng thời gian quý trong sự nghiệp của họa sĩ Phạm Thanh Tâm là lúc ông vào bộ đội và theo học lớp vẽ ngắn hạn của các họa sĩ nổi tiếng: Bùi Xuân Phái, Lương Xuân Nhị… Từ đó chàng trai trẻ Phạm Thanh Tâm mới thực sự biết vẽ các bức ký họa bài bản đầu tiên về các đồ vật, con người, phong cảnh…

“Quan trọng hơn cả là tôi trưởng thành hơn về nhận thức cái đẹp. Không chỉ học vẽ, tôi còn được rèn luyện về lý tưởng và rung cảm với nét đẹp của tình đồng chí, đồng đội với tình cảm của các bà mẹ chiến sĩ và người dân giúp đỡ kháng chiến. Càng học vẽ, càng thêm yêu thương từng mái nhà, bờ ruộng, ụ rơm, làng mạc đến tha thiết và luôn tranh thủ lưu lại bằng các ký họa chớp nhoáng” - họa sĩ Phạm Thanh Tâm nhớ lại.

Ký ức lịch sử trong từng bức ký họa

Một trong các tác phẩm chính của họa sĩ Phạm Thanh Tâm là “Xuân trong hầm pháo Điện Biên”. Tác phẩm đoạt giải thưởng Mỹ thuật toàn quốc (1954). Bức tranh vẽ một căn hầm pháo dưới 3 m đất lưng chừng núi, chỉ để hở ra lỗ châu mai đủ xoay nòng pháo hướng về phía địch. Nhưng chính giữa bức tranh, nơi có hai nòng pháo là khoảng sân khấu nhỏ để các cô văn công trong tà áo tứ thân dịu dàng múa hát. Xung quanh hầm, các chiến sĩ người ngồi, người đứng háo hức xem. Các tà áo tứ thân vấn vít vương trên tay, trên đầu chiến sĩ. Bức tranh có sắc màu quê hương tươi mát đối chọi với khung cảnh căn hầm pháo chứa đựng sự quyết liệt, căng thẳng với những tiếng nổ, khói lửa và thương vong. Họa sĩ kể đây là khung cảnh có thật tại căn hầm 804 mà ông đã ở đó.

Sau khi vẽ ký họa cảnh ấm cúng về những ngày có văn công lưu trú tại hầm, tác giả đi công tác. Văn công cũng rời đi phục vụ nơi khác.

“Dăm hôm sau, tôi quay lại 804. Ở chiến trường, dăm hôm cũng là rất lâu. Vì chiến đấu luôn luôn có biến cố, biến chuyển tình thế. Thật không thể ngờ “mái nhà ấm cúng” của khẩu đội đã bị một viên đạn pháo vô tình lọt vào nổ tung. Ba đồng chí Tý, Lộc Giao hy sinh, Ngọ bị thương nặng, càng pháo bị gãy. Tôi đã qua mấy trận địa, nơi nào cũng có các đồng chí hy sinh. Nhưng đêm đó tôi ngủ lại trong hầm pháo - ngôi nhà cũ thân thương với giấc ngủ nặng nề, trằn trọc. Tôi có điều kiện để khóc. Tôi đã khóc như chưa từng được khóc.

Đại đội lập tức cho củng cố lại công sự, từ nóc tới cột và lỗ châu mai miệng hầm. Đại đoàn phái người xuống sửa, thay càng pháo, bánh xe, máy ngắm. Một biên chế các pháo thủ mới được bổ sung.

1 giờ sáng, lệnh chuẩn bị đi tức khắc, vùng dậy trong mờ tối. Tiếng khẩu đội trưởng: “Phá cửa hầm, cho pháo ra!”. Pháo thủ vác đạn ra trước, rồi tới cọc, vồ, bó trúc, chèn, hòm phụ tùng và các thứ lỉnh kỉnh khác cùng với ba lô. Khi pháo vừa ra, đã có tới 20 chiến sĩ bộ binh, cao xạ tới giúp. Mây, sương mờ trắng xóa từ lưng chừng núi xuống cánh đồng. Pháo sáng vẫn lập lòe rực lên từng lúc rồi tắt ngấm. Dáng dấp người lính in trên nền trời Điện Biên ảm đạm. “Này, hai, ba… này”. Tời kêu kìn kịt. Pháo được kéo vào Tung Thâm, tiến sâu vào sát địch hơn” - họa sĩ Phạm Thanh Tâm hồi tưởng.

Phòng tranh trong… ba lô

Hầu hết các bức ký họa của họa sĩ Phạm Thanh Tâm được vẽ ở chiến trường trong khung cảnh bom rơi, pháo kích địch cày xới từng mét đất. Trong điều kiện gian khó và vô cùng hiểm nguy, họa sĩ vẫn cố gắng mang theo những dụng cụ cần thiết cho nghề nghiệp và cả những vật liệu “xa xỉ” theo ba lô như sơn dầu. Vì mang sơn dầu đi xa hành quân là rất bất tiện và không dễ sử dụng.

Nhờ đó ông mới thể hiện được một “mảng màu gian khổ” trong tác phẩm “Thời gian khổ”. Bức tranh được vẽ sơn dầu bằng dao vội vàng trên mảnh bìa đã hồ nền, mô tả hình ảnh một chiến sĩ mà tác giả đã đi cùng qua cuộc hành quân. Bộ quân phục màu xanh bạc phếch, anh bộ đội đeo ba lô phủ dù ngụy trang, một tay cầm bát nước, tay kia vẫn cầm súng ở tư thế sẵn sàng tập hợp dù đang trong phút nghỉ ngơi. Bức tranh này đang được Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lưu giữ cùng với nhiều tác phẩm khác của ông.

Con dao vẽ bức ảnh này nhỏ, dài cỡ 15 cm, tác giả đã dùng nó để vẽ cho tới sau giải phóng. Gần 30 năm, dao đã vẹt đầu nhọn, cán dao phải cột lại bằng thép. Tác giả đã tặng dao cho Bảo tàng TP.HCM.

Vẽ ký họa chớp nhoáng đã khó, lưu giữ các bức vẽ còn gian khổ hơn. Tất cả phải được sắp xếp gọn gàng, gói gọn trong ba lô trên mọi nẻo hành quân. Bí quyết gìn giữ tư liệu, tác phẩm của họa sĩ là “phải có tính ve chai một tí”. Nghĩa là bất cứ đâu, thấy một tấm nylon hay vải dù là phải lượm lặt, cóp nhặt để bao biện tác phẩm phòng khi mưa gió làm hỏng tác phẩm.

“Hoàn cảnh tác nghiệp càng khó khăn, càng tôi luyện cho tôi niềm say mê và bản lĩnh nghề nghiệp” - tác giả khẳng định.

Hàng ngàn bức ký họa được vẽ ngay chiến trận khói lửa, bom đạn như một nhật ký hình ảnh quý giá về chiến tranh cho người xem hiểu hơn về lịch sử.

Ở độ tuổi trên 80 tuổi, trong một năm qua, họa sĩ mới chịu dừng sáng tác do sức khỏe không cho phép. Nhưng ông vẫn dự định: “Chờ ít bữa mà cái tay khỏe khỏe thì tôi tiếp tục vẽ”.

TRÀ GIANG

 Bà MÃ THANH CAO, Giám đốc Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM:

Hàng ngàn ký họa về chiến tranh

Là một họa sĩ quân đội, họa sĩ Phạm Thanh Tâm sống và chiến đấu trong cả hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã vẽ hàng ngàn ký họa ghi lại không khí kháng chiến với hình ảnh về đồng đội, nhân dân và cả kẻ thù… một cách chân thực nhất. Với bút danh Huỳnh Biếc, trong suốt những năm chống Mỹ, nhiều ký họa chiến trường cùng nhiều tranh châm biếm, đả kích địch của ông trên mặt báo đã cổ vũ, động viên tinh thần chiến sĩ và nhân dân quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm