Nghệ sĩ Việt phải "phồng" lên cho... đỡ tủi?

Ứng xử nhếch nhác...

Họa sĩ Trịnh Cung: Văn hoá ứng xử của người Việt, chỉ nói riêng ở TP Hà Nội và TP.HCM, đều nhếch nhác. Tình trạng nhếch nhác biểu hiện ở thái độ tiếp xúc nơi công cộng thì ai cũng thấy. Ví dụ: Lễ hội hoa, người dân Hà Nội thi nhau bẻ hoa, cướp hoa; chuyện chen lấn không nhường đường, nhường chỗ cho người già, em bé; chen lấn để gửi xe khi vào siêu thị...

Ứng xử kém văn hóa bắt nguồn từ hệ thống giáo dục. Nếu hệ thống này nhiều lỗ hổng căn bản thì con người được " vun trồng" chắc chắn sẽ... què quặt!

Họa sĩ Trần Nhật Thăng: Con người hiện nay ứng xử với nhau rất hình thức và thực dụng. Phần lớn quan hệ xã hội hiện nay là quan hệ của công việc, các bữa tiệc đặt ra mục đích công việc, cưới xin là cư xử qua lại vv... nên mối quan hệ bị thực dụng và cằn cỗi.

Giới nghệ sĩ ít thực dụng hơn. Họ không có sự chia sẻ đã đành mà nói xấu nhau thì rất nhiều, nhất là bọn cùng nghề. Như tôi, tôi chơi lệch với mấy ông nhà văn, một ông nhạc sĩ thì thấy hay ho hơn. Mấy tay nghệ cùng nghề thì ít chia sẻ, ít ngồi cùng nhau. Nếu có nói về tranh của nhau, thì thái độ hơn thua chứ không có thái độ hồ hởi.

Hoạ sĩ Phương Vũ Mạnh: Tôi không quan tâm đến chuyện ứng xử của người trong giới với nhau, ai có việc của người đó. Hợp với ai, tôi gặp người đó cà phê cà pháo nói chuyện nghệ thuật.

Nhưng tôi cũng biết có nhiều nghệ sĩ thích nói xấu người khác, nói xấu cả bạn của mình. Có khi ngồi với bạn mình thì nói xấu người khác, và ngược lại. Nghệ sĩ nó vậy. Nhưng thôi, đấy là chuyện của người ta, là quyền tự do của mỗi người, không thể can thiệp được. Có điều, tôi không thích cách sống đấy thì tôi không sống như vậy và tôi cũng chả mất thời gian đi tìm hiểu tại sao họ sống như vậy.

Giới nghệ sĩ tiền bối chơi với "gái ăn sương" cũng sang

Nghệ sĩ Việt phải "phồng" lên cho... đỡ tủi? ảnh 1Trịnh Cung: Tôi thấy nghệ sĩ ứng xử tuỳ từng thời kỳ và chia thành nhiều nhóm. Nếu họ chơi với nhau thì ứng xử theo nhóm với nhau, cái này mang tính cảm tính.

Ví dụ như trong văn chương, có những người cho mình cái quyền “canh cổng văn hóa” thích mạt sát những cái mới là lai căng, thích chỉ trích, trấn áp... ứng xử ấy mang tính đàn áp không mang tính xây dựng. Hay có những kẻ thích đãi bôi, ưa nịnh: đãi nhau chầu rượu để nhận lại sự tán tụng trong tác phẩm của mình.

Người trẻ trong nghề hiện nay thường thất vọng ở lớp người đi trước. Họ không có gì để tin ở lớp người đi trước. Khi chúng tôi còn trẻ, chúng tôi biết tôn trọng người trước. Chúng tôi gặp những người mình ái mộ sẽ lân la tiếp cận bằng cách nào đó và có tinh thần thầy trò rõ ràng. Lớp trẻ nghệ sĩ hiện nay không có điều này và họ không cần biết có một lớp đàn anh đi trước rất tích cực.

Nghệ sĩ Việt phải "phồng" lên cho... đỡ tủi? ảnh 2Trần Nhật Thăng: Trước đây, lớp nghệ sĩ tiền bối chơi với nhau như anh em một nhà. Bây giờ ít hơn và không sang trọng bằng các cụ ngày xưa. Ngày xưa, các cụ ứng xử với gái ăn sương còn sang trọng nữa là. Có lần, hoạ sĩ Dương Bích Liên đi chơi với Hào Hải buổi đêm, cả hai uống đã say. Liên muốn vẽ, mà phải mẫu nude, vậy nên ra ga bắt “gái ăn sương” về vẽ.

Hai ông dốc túi hết sạch tiền đưa cho cô gái, như lời Hào Hải nói: “Số tiền đó đã thừa một ít rồi”. Nhưng Liên vẫn xót xa cho mẫu khoả thân trong đêm đông lạnh như vậy. Liên cởi chiếc áo ba-đờ-suy mà Hào Hải vừa mang từ Paris về tặng đắp lên vai cô mẫu ấy và nói rằng: "Để em đỡ lạnh, cảm ơn em". Đấy! Thời xưa nó sang trọng như thế đấy.

Còn thời nay, sinh viên vẽ mẫu nude hàng ngày ấy mà, và mẫu nude thì đầy, nên chả có ứng xử nào cảm động, toàn những chuyện vớ vẩn!

Nghệ sĩ Việt phải "phồng" lên cho... đỡ tủi? ảnh 3Phương Vũ Mạnh: Khi bắt đầu cầm cọ, hoạ sĩ trẻ nào cũng học hỏi lớp hoạ sĩ tiền bối. Vì họ có cách vẽ hay, cách nghĩ hay, con người sống hay. Nhưng sau một thời gian, hoạ sĩ trẻ thấy được lớp tiền bối cũng có những điểm dừng nhất định và mình phải đi tiếp con đường họ chưa đi đến.

Tôi thấy đa phần những người đi trước có nhận định những cái hoạ sĩ trẻ sau này làm không là nghệ thuật, và chỉ có họ mới đang làm nghệ thuật. Thật ra, giới hoạ sĩ tiền bối cũng chỉ tiếp nhận nền hội họa Đông Dương do người Pháp mang sang, còn giới trẻ hiện nay tiếp nhận mọi nền hội hoạ trên thế giới. Họ tiếp nhận tất cả những cái mới, nhưng cái chính, họ "tiêu hoá" như thế nào trong tác phẩm của mình.

Bệnh chung của giới nghệ là... không phục nhau

Trịnh Cung: Người trẻ cho rằng họ muốn tiếp nhận gì thì tiếp nhận. Họ không thích bị áp đặt, hay phải tôn trọng truyền thống hay quá khứ, lớp trước gì gì. Điều này cũng được thôi, nhưng được trong cái mất. Nếu họ tiếp nối được thành tựu của những người đi trước thì sẽ đầy đủ hơn. Chúng tôi không buộc người trẻ tôn thờ hay cúi đầu, hay phải ở chiếu dưới. Mà chỉ muốn họ nhận được ở lớp nghệ sĩ đi trước những kinh nghiệm mà lớp trẻ hiện nay không thể có được. Vì đây cũng là truyền thống tốt đẹp vì lớp trẻ sau nữa cũng sẽ tiếp quản họ như thế nào.

Không phải đám nghệ sĩ già bắt đám nghệ sĩ trẻ phải đến gần với mình, ngay như bản thân tôi cũng phải đi tìm sự tiếp cận đó. Tôi là người già duy nhất chịu đi tiếp cận, kết thân và học hỏi đám nghệ sĩ trẻ. Nhìn chung, người lớp già như tôi họ mặc cảm mình bị gạt qua bên lề, họ cảm thấy bị quên lãng nên họ tự hạn chế việc giao thiệp.

Tôi nghĩ, không có người già nào mà không muốn nói chuyện với người trẻ, được nói chuyện với người trẻ là hạnh phúc của họ.

Trần Nhật Thăng: Bệnh chung của giới nghệ là không phục nhau, bệnh này là bệnh chung của người Việt nhưng điển hình là giới nghệ. Các nghệ sĩ nước ngoài có diễn đàn, có sự tranh luận hồ hởi, chứ Việt Nam làm gì có?

Thấy một tay hoạ sĩ trẻ vẽ tranh kiểu thương mại thì cũng không nên nói "mẹ thằng đấy kiếm tiền ấy mà" mà nên có những câu nói chia sẻ "ừ thì cuộc sống cần sự thoả hiệp, anh ấy có tiền cũng khổ, anh ấy vẽ không hết mình, đó cũng là cái khổ của anh ấy”.

Phương Vũ Mạnh: Khi thấy một số hoạ sĩ bán được tranh huênh hoang, khoe mình bán được nhiều tranh, được nhiều tiền và mua được đất đai, ô tô. Tôi nói thẳng vào mặt những nghệ sĩ đó: "Ông bán tranh chỉ nhằm hợp mắt chủ gallery, bán tranh kiểu souvenir, loại tranh đấy chả có gì là nghệ thuật. Ông đang làm tiền chứ chẳng có gì là nghệ thuật cả."

Trần Nhật Thăng: Tôi còn thấy thói quen của nghệ sĩ Việt là không chia sẻ. Mason Des Art của chị Nguyễn Nga có nhã ý tổ chức những cuộc trò chuyện của những nhà văn, điêu khắc nước ngoài với các nghệ sĩ trong nước, nhưng chị thất bại thảm hại. Vì người Việt Nam không có thói quen chia sẻ, nên không thể ra một cuộc toạ đàm nghệ thuật được. Nhưng nếu chị Nguyễn Nga muốn có một triển lãm và mời vài nghệ sĩ Việt tham dự chẳng hạn, thì các nghệ sĩ ấy lại rất … nhiệt tình.

Phương Vũ Mạnh: Thi thoảng những hoạ sĩ nghèo chúng tôi cũng có sự chia sẻ đấy chứ. Chúng tôi gặp nhau, an ủi là mình làm nghệ thuật, mình không theo dòng tranh thương mại nên cuộc sống có nghèo vậy.

Thật ra, tiền ai chả cần, nhưng nếu xác định làm nghệ thuật thì phải chấp nhận gian truân rồi. Còn nếu thật sự nghệ sĩ cần tiền thì thiếu gì cách để kiếm, đi làm xe ôm chẳng hạn. Còn tôi không thoả hiệp được vì tranh của tôi không nịnh mắt, nên có lúc một năm tôi bán được có một bức tranh.

Nghệ sĩ rởm thường “phồng” lên cho đỡ tủi

Trịnh Cung: Điều này thuộc về vấn đề bản năng và văn hóa. Chúng ta không có văn hoá nữ quyền. Ở Việt Nam, tính gia trưởng còn phổ biến từ thành thị đến nông thôn. Đàn ông Việt tự cho mình quyền yêu đương và đối xử tệ hại với phụ nữ. Nguyên nhân do bản năng, tập quán của vùng lãnh thổ Việt, khiến văn hóa dân chủ không đến được. Thế nên người đàn ông đầy rẫy hành vi xúc phạm phụ nữ. Ví dụ như: Đem phụ nữ ra làm trò chơi, bạo lực với phụ nữ, không lịch sự với phụ nữ... Nếu người đàn ông có văn hoá cao, đối xử kính trọng người đàn bà trong gia đình thì người phụ nữ đâu đòi nữ quyền?

Nhiều người đàn ông đã có vợ vẫn có thêm tình nhân và đối xử với vợ hay bồ đều không đẹp. Trong xã hội tiêu thụ, khuyến khích ăn xài thế này thì phụ nữ trở thành hàng hoá. Và bản thân phụ nữ không có văn hóa tốt, họ cũng dễ bị sa ngã chạy theo cuộc chơi như vậy. Điều này cũng phổ biến. Nói chung, con người bị bản năng chi phối, nếu văn hóa thấp, bản năng sẽ mạnh lên, còn người có văn hóa cao thì sẽ chọn lựa cho bản năng một cuộc sống đàng hoàng.

Trần Nhật Thăng: Có hai loại: loại thứ nhất cho mình được quyền như thế; loại thứ 2 tự thân nó lãng mạn. Nói một cách trực quan và thiếu chặt chẽ thì tôi gặp nhiều nghệ sĩ cho mình có quyền yêu cái đẹp và thăng hoa... linh tinh! Đấy là bọn nghệ đểu và bất tài, vẽ cả đời chẳng được cái tranh nào hay được vài cái thì chẳng đâu vào đâu. Số lớn nghệ sĩ đó hay ngồi lê la quán nước và cho mình cái quyền là nghệ sĩ, được bốc phét và khinh mạt người khác…

Có một thế hệ nghệ đểu, nghệ hỏng là như thế nhưng nó lại chiếm số đông. Muốn là nghệ sĩ nhưng có phải ai cũng vẽ tốt được đâu? Còn nhiều yếu tố như tài năng trời cho, nỗ lực của bản thân nữa chứ. Một năm cho ra trường 100 thằng hoạ sĩ, 10 năm vừa rồi có 1000 hoạ sĩ. Tôi nhìn lại đếm được 5 đứa kha khá, còn lại cũng đến vài trăm thằng nghệ linh tinh và rất cáu bẳn.

Bọn nghệ này bốc phét, cho mình quyền này quyền kia. Nhưng nó phải "phồng" lên như vậy cho bản thân nó đỡ tủi. Hay là nó đang buồn vì vợ bỏ hay người yêu đá thì lại "phồng" lên vài cái "mùa thu” với “lá vàng", rồi mấy em sinh viên trong trường thấy thế lại tít mắt lên, cho nên cơ hội để họ đến với nhau cũng dễ.

Phụ nữ là... mồi nhạt của giới nghệ sĩ nửa mùa

Trịnh Cung: Tôi đã ngồi những cuộc nhậu với các cuộc tán dóc mà đôi khi phụ nữ là đề tài bị đem ra cười cợt. Tôi không đánh giá những người tán dóc đó, cũng không thêm vào câu chuyện. Vì trong phạm vi cá nhân tôi không cho phép mình tham gia và tôi cũng không thể làm gì để thay đổi họ. Điều này cũng tạo ra thói xấu là bàng quan trước cái xấu.

Trần Nhật Thăng: Cũng là ứng xử với gái của giới hoạ sĩ ngày xưa. Ông Dương Bích Liên cùng Hào Hải đi uống bia hơi, ông Liên nghĩ mãi đến một khuôn mặt của cô gái để vẽ tranh. Đúng lúc đang uống bia có cô bán bún đậu mắm tôm đi qua, Liên nhờ Hào Hải ra tán cô bán bún đó để hẹn sáng hôm sau đến nhà Liên vẽ.

Sáng hôm sau cô ấy đến nhà, Liên hé mở cửa thấy khuôn mặt cô gái đó đẹp nhưng không giống như khuôn mặt ông đã nghĩ hàng đêm. Liên đã không mở cửa và xấu hổ vì sự lỡ hẹn. Từ đó đến cuối đời, ông Liên không bao giờ đi qua quán bia hơi đó nữa vì sợ gặp lại cô bán đậu rán.

Phương Vũ Mạnh: Có nhiều nghệ sĩ chơi theo nhóm, nhưng tôi thích làm việc độc lập. Thỉnh thoảng, tôi cũng cà phê và gặp đám nghệ sĩ nào đó, chúng tôi cũng ngồi và nói mọi chuyện trên trời dưới biển về nghệ thuật. Hết nghệ thuật thì lại bàn về phụ nữ. Và đàn ông thì khi bàn đến phụ nữ thì sẽ bàn mọi thứ trên thân thể phụ nữ rồi. Bàn chán về phụ nữ thì đi về.

Nhưng có một số nghệ sĩ thích tô vẽ lên mình một câu chuyện "tôi có nhiều người yêu" hoặc khoe khoang "tôi đào hoa". Họ chứng minh bằng cách đi với cô này hay cô kia. Tôi thấy đó không phải là đời sống nghệ thuật.

Trịnh Cung: Ứng xử hay dở phụ thuộc vào nền tảng văn hoá sống của từng người. Nhìn vào hành vi ứng xử ta biết họ tốt hay không tốt. Chứ ta không nên huyễn hoặc mượn danh nhà sáng tạo, nghệ sĩ hay bất cứ một danh hiệu nào để cho rằng mình ứng xử thế nào cũng đẹp. Quan trọng vẫn là chất lượng hành động, cư xử mới xác định anh là ai.

Theo VietNamNet

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm