Nghệ sĩ rơi nước mắt trong tang lễ NSND Trọng Khôi

Lễ viếng bắt đầu từ 7h nhưng những đoàn nghệ thuật từ các tỉnh Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Ninh… đã có mặt từ sớm. 8h, toàn bộ khoảng sân rộng trước cửa nhà truy điệu không còn chỗ trống. Các đoàn viếng của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội nhạc sĩ Việt Nam… đều tề tựu đông đủ. Các thế hệ nghệ sĩ, diễn viên Việt Nam đến vĩnh biệt NSND Trọng Khôi, từ những vị lão thành phải nhờ người dìu như Giáo sư Vũ Khiêu, Phạm Bằng…, những NSND cùng thế hệ như Trần Tiến, Lê Hùng, Trần Bình, đến thế hệ trẻ như NSƯT Thu Huyền, NSƯT Vĩnh Xương, NSƯT Trần Lực, Đức Khuê… Gia đình cố nhà thơ Thế Lữ, gia đình cố biên kịch Lưu Quang Vũ cũng đến tiễn đưa ông.

Nghệ sĩ rơi nước mắt trong tang lễ NSND Trọng Khôi ảnh 1
NSND Lê Tiến Thọ bật khóc khi đọc điếu văn trong lễ truy điệu của NSND Trọng Khôi.

NSND Trọng Khôi mất sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Sự ra đi của ông không đột ngột nhưng vẫn khiến toàn thể giới nghệ thuật xót xa vì mất đi một tài năng lớn. Hương Dung, Phan Hòa, Hoàng Lan, Kim Oanh nức nở. Quốc Khánh, Quốc Anh mắt đỏ ầng ậng nước. Bùi Thạc Chuyên mấy lần lấy tay áo quẹt nước mắt. “Sự ra đi của NSND Trọng Khôi là một tổn thất cực kỳ lớn cho sân khấu Việt Nam. Ông không chỉ là một trong những cây đại thụ - một người anh cả, một tấm gương tiêu biểu để thế hệ nghệ sĩ sau hướng tới mà còn là người chúng tôi vô cùng kính trọng bởi sự hòa nhã, tấm lòng nhân ái. Không dễ để có một Trọng Khôi thứ hai. Tôi cho rằng, phải hàng trăm năm nữa, các lớp khán giả mới có thể quên được anh” - NSƯT Quốc Anh nghẹn ngào.

Phạm Bằng buồn bã khôn xiết khi nhắc về người bạn đã cùng ông làm nên vở kịch bất hủ Hồn Trương Ba, da hàng thịt: “Tôi với Trọng Khôi là anh em đồng cam cộng khổ. Khi đem Hồn Trương Ba, da hàng thịt sang Mỹ, chúng tôi đã phải đấu trí cùng những người phản đối chuyến lưu diễn hữu nghị này. Bằng thái độ mềm mỏng cùng tài năng xuất chúng, anh Khôi đã chinh phục được họ. Trong mắt tôi, Trọng Khôi là diễn viên siêu việt”. Hơn Trọng Khôi hàng chục tuổi nhưng Phạm Bằng khiêm nhường cho biết, bản thân ông học được rất nhiều ở Trọng Khôi về thái độ trân trọng của người nghệ sĩ với nhân vật, dù khó khăn đến mấy.

Nghệ sĩ rơi nước mắt trong tang lễ NSND Trọng Khôi ảnh 2
NSƯT Vương Duy Biên - Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, NSND Trần Bình ngậm ngùi trong giờ truy điệu.

Viết vào cuốn sổ tang, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đề những dòng đầy trang trọng: “Vô cùng thương tiếc người anh lớn của giới văn học nghệ thuật Việt Nam. Tài năng và đức độ của NSND Trọng Khôi còn mãi trong tim đồng nghiệp và người yêu nghệ thuật”. NSND Trần Bình thì xót xa: “Mới đó mà anh đã ra đi mãi mãi. Còn nhớ hôm nào, em, anh, Văn, Thanh ngồi uống rượu nói về sức khỏe của anh, về việc Hội. Thế mà… Thương nhớ anh vô cùng. Mong anh thanh thản nơi chân trời mới”. NSND Lan Hương ngậm ngùi: “Chú Khôi ơi, cháu và anh Bình (đạo diễn Đặng Tất Bình - chồng Lan Hương) luôn nhớ tới chú. Đoàn kịch đoàn thể mãi mãi nhớ đến công lao của chú đối với đoàn”. Trong khi đó, nhạc sĩ Phú Quang chỉ viết được một câu: “Anh Khôi ơi, vĩnh biệt” đã xúc động phải ngừng bút.

NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch - được trao trọng trách đọc điếu văn của NDND Trọng Khôi. Sau phần tiểu sử và thành tích, đến phần nói lời vĩnh biệt, NDND Tiến Thọ bỗng nghẹn ngào bật khóc không nói nên lời. Một lúc lâu sau, ông mới lấy lại bình tĩnh để hoàn thành công việc của mình: "Vẫn biết sinh ly, tử biệt là bình thường nhưng khi anh bỏ chúng tôi đi vào cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn. Mong anh siêu thoát". Sau khi cầm tờ điếu văn vừa đốt vừa đi vòng quanh quan tài, bàn thờ NSND Trọng Khôi và kính cẩn chắp tay vái, vị chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu lùi lại đằng sau, rút khăn mùi xoa ra lau nước mắt.

Nghệ sĩ rơi nước mắt trong tang lễ NSND Trọng Khôi ảnh 3
NSND Lê Tiến Thọ cùng người thân NSND Trọng Khôi khiêng quan tài ông ra xe đến Đài Hóa thân Hoàn vũ.

Hàng nghìn nghệ sĩ và người thân nghiêm trang trong giờ truy điệu và cùng nhau nhìn NSND Trọng Khôi lần cuối trước khi thi thể ông được đưa về hóa tại Đài Hóa thân Hoàn vũ. Khi quan tài ông được đưa lên ôtô, rời khỏi nhà tang lễ, những người bạn, những đồng nghiệp của NSND Trọng Khôi vẫn đứng lại trong sân ôm nhau nức nở.

NSND Nguyễn Trọng Khôi sinh năm 1943 tại Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật Sân khấu năm 1964, ông đầu quân cho Nhà hát kịch Việt Nam. Năm 1970, ông được đề bạt làm Phó đoàn biểu diễn của nhà hát. Đến năm 1972, ông làm trưởng đoàn. Năm 2000, Nguyễn Trọng Khôi được phong tặng danh hiệu NSND và giữ chức vụ Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang công tác Hội, giữ chức Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

NSND Trọng Khôi có nhiều vai diễn lớn cả trên sân khấu và màn ảnh nhỏ. Hai vai để đời của ông là anh hàng thịt trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt và Nghị Hách trong Giông tố. Những ngày cuối đời, dù phải chống chọi với căn bệnh tiểu đường, Trọng Khôi vẫn dành thời gian viết sách dạy diễn xuất cho các thế hệ diễn viên trẻ. Ông từ trần vào hồi 5h45 ngày 14/3 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, hưởng thọ 69 tuổi.

Theo Ngọc Trần Ảnh: Hoàng Hà (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm