Nghệ sĩ kiện trang tin: Áp luật nào?

Đang thu hút sự quan tâm của dư luận là hai vụ kiện của diễn viên Ngân Khánh và Á hậu xế độ Nguyễn Thị Tuyết Nhung. Sẽ không có gì đáng nói nếu như bị đơn trong các vụ kiện này là một cơ quan báo chí chính danh. Nhưng đây lại là các trang tin điện tử thuộc các công ty cổ phần. Trong khi đó pháp luật hầu như chưa có quy định cụ thể nào về việc xét xử các vụ kiện liên quan đến các trang tin điện tử.

Trang tin kenh14 không phải là cơ quan báo chí

Sau khi diễn viên Ngân Khánh đưa đơn kiện đến TAND quận 10, ngày 12-7, trang tin điện tử http://plo.vn (thuộc Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam - VC Corp) đã đăng bài cải chính về nội dung bài viết ám chỉ Ngân Khánh tham gia đường dây bán dâm. Tuy nhiên, người đại diện của Ngân Khánh cho biết vẫn không đồng ý với nội dung cải chính của kenh14 và sẽ tiếp tục nhờ tòa án giải quyết vụ kiện. Tương tự, ngày 13-7, TAND quận Phú Nhuận tiếp tục nhận hai đơn khởi kiện của Tuyết Nhung trong đó có kiện trang tin điện tử diendan.phununet.com (thuộc Công ty Cổ phần Việt Nam online group). Theo đó, Tuyết Nhung yêu cầu hai bị đơn ngoài việc cải chính, công khai xin lỗi trên báo còn phải bồi thường 20 triệu đồng.

Vấn đề đặt ra là việc cải chính của kenh14 dựa trên quy định nào và liệu diendan.phununet.com có thể cải chính theo yêu cầu của Tuyết Nhung không khi mà quy định về cải chính hiện nay chỉ dành cho đối tượng là báo chí. Cụ thể hiện nay chỉ có quy chế cải chính trên báo chí được Bộ Văn hóa Thông tin (cũ) ban hành năm 2007. Mặc dù theo khoản 2 Điều 25 Bộ luật Dân sự về quyền nhân thân có quy định: Khi quyền nhân thân của cá nhân bị xâm phạm thì người đó có quyền yêu cầu người vi phạm hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền buộc người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai.

Nghệ sĩ kiện trang tin: Áp luật nào? ảnh 1

Trong thời gian xảy ra những lùm xùm quanh lời khai của hoa hậu Mỹ Xuân về người mẫu bán dâm có liên quan nhân vật tên NK, Ngân Khánh đang quay phim tại Úc chứ không "trốn" dư luận như báo chí đăng tin. Ảnh do Ngân Khánh cung cấp

Đến đây thì vụ việc lại liên quan đến Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2011, Điều 25 quy định về những tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án không có quy định nào về việc tòa án giải quyết các vụ kiện liên quan đến các trang tin điện tử mà tòa chỉ xử những vụ tranh chấp liên quan đến hoạt động nghiệp vụ báo chí. Rõ ràng kenh14 và diendan.phununet.com không phải là hoạt động báo chí. Vì vậy, vụ kiện của Ngân Khánh và Tuyết Nhung tòa khó có thể xét xử theo Bộ luật Dân sự. Và việc cải chính của hai trang này chẳng có ý nghĩa pháp lý gì!

Quản lý trang tin điện tử còn lỏng lẻo

Vấn đề nữa đặt ra: Vậy tòa án sẽ xét xử các vụ kiện này theo quy định nào? Khi thụ lý vụ kiện, tòa phải xem xét phương tiện mà đương sự sử dụng để có phán quyết phù hợp. Cả hai trang tin bị kiện vi phạm bằng phương tiện thông tin, dưới thể thức là một tác phẩm báo chí, thì liệu tòa có thể căn cứ vào Luật Báo chí để xét xử? Tuy nhiên, hai trang tin này không phải là báo chí mà chỉ được cấp giấy phép theo Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Vậy Luật Báo chí không thể là căn cứ để tòa án xét xử trong các vụ kiện như thế này.

Theo Điều 6 của Nghị định 97 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong đó có nội dung: Đưa các thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm của công dân. Như vậy hai trang tin điện tử bị khởi kiện đã vi phạm vào Điều 6 của Nghị định 97. Song việc xử lý vi phạm theo nghị định này cũng chỉ quy định chung chung: “Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Thêm vào đó, Điều 19 về nguyên tác quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin điện tử lại có quy định: Các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử và sử dụng Internet để cung cấp dịch vụ ứng dụng chuyên ngành trên Internet thực hiện theo các quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định liên quan tại nghị định này.

Đến đây vụ việc lại chuyển qua luật chuyên ngành, đó là Luật Công nghệ thông tin năm 2006. Nhớ lại vụ kiện Trà - Chanh ba năm trước cũng có tính chất tương tự như hai vụ kiện này, tòa án đã căn cứ vào Luật Công nghệ thông tin để xét xử và kết quả là nguyên đơn bị thua kiện. Bởi lẽ luật này cũng chỉ quy định chung chung: “Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính, bị đình chỉ hoạt động hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật” (Điều 77). Còn Bộ luật Hình sự thì chưa bổ sung điều khoản về loại tội phạm này.

Rõ ràng việc quản lý các trang tin điện tử hiện nay còn quá lỏng lẻo. Việc chế tài gần như bị bỏ ngỏ khi nghĩa vụ cải chính cũng như khả năng đương đầu với các vụ kiện dân sự và xử lý hình sự dường như là không thể. Các công ty cổ phần hoàn toàn có thể hoạt động như báo chí, có quyền lấy tin, xử lý thông tin, xuất bản và chịu chế tài. Nhưng “vòng kim cô” để trói các trang tin điện tử loại này lại quá nhẹ so với sự kìm chế mà các cơ quan báo chí đang phải chịu.

Xào nấu lẫn nhau nên chưa rõ trắng đen

Liên quan đến bài viết mà Ngân Khánh khởi kiện kenh14, vào thời điểm đó hai báo điện tử Vietnamnet VTC News cũng có đăng tải bài viết này. Riêng VietnamnetVTC News sau khi tiếp nhận khiếu nại của Ngân Khánh đã có văn bản xin lỗi, cải chính ngay và được Ngân Khánh chấp nhận nên không khởi kiện mà chỉ khởi kiện kenh14. Tuy nhiên, trong bài cải chính của kenh14 lại cho rằng bài viết có thông tin không chính xác về Ngân Khánh được đăng tải nguyên văn từ website của báo điện tử VTC News. Sau khi bị Ngân Khánh khởi kiện, bài viết đó đã được gỡ bỏ trên tất cả các trang này. Như vậy đến giờ này vẫn chưa rõ bài viết mà Ngân Khánh kiện là do trang điện tử nào đăng tải đầu tiên. Nếu có nộp lưu chiểu điện tử ắt hẳn trắng đen sẽ rõ ràng. Về phía Ngân Khánh, để có chứng cứ trong vụ kiện này, người đại diện của Ngân Khánh đã nhờ Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình lập bằng chứng về các bài viết xúc phạm Ngân Khánh mà kenh14 đã cho đăng tải vào các ngày 6 và 7-6-2012.

GIA NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm