Ngàn mặt trời rực rỡ: Đau thương không tuyệt vọng

Đó là Afghanistan, bối cảnh của tập truyện Ngàn mặt trời rực rỡ (Tác giả Khaled Hosseini, sinh năm 1965 tại Afghanistan, hiện là đặc phái viên của Mỹ ở Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn).

Số phận của hai người phụ nữ cách nhau gần 20 tuổi được kể đan xen trong truyện như hình ảnh của người phụ nữ đất nước này. Mariam về làm vợ Rasheed khi mới 15 tuổi, lứa tuổi mà rất nhiều cô gái Afghanistan đã phải làm vợ, làm mẹ khi chưa từng một lần yêu và được yêu. Một thời gian sau, cô gái trẻ Laila bỗng trở thành người chung nhà với Mariam vì có chung ông chồng Rasheed và chung nghĩa vụ sinh con cho chồng. Laila về nhà Rasheed khi cô không còn cha mẹ và đang mang trong mình giọt máu với người tình đã chết nơi chiến trường. Laila phó mặc cuộc đời mình cho Rasheed để có cơ hội chăm sóc và nuôi dưỡng đứa con. Ban đầu, giữa hai người phụ nữ cũng chỉ là khối im lặng đông đặc, thờ ơ. Nhưng sau đó, tìm thấy ở nhau một sự đồng cảm lớn lao khi cùng chịu đựng sự hành hạ tàn bạo của chồng. Hai người phụ nữ, một già, một trẻ lặng lẽ sưởi ấm tâm hồn nhau. Đối với Mariam, những tình cảm của Laila dường như là tình thương nhỏ bé hiếm hoi cuộc đời này dành cho cô. Bởi cuộc đời của cô dường như gắn với tội lỗi: Ra đời từ mối quan hệ không được thừa nhận giữa một ông chủ giàu có với mẹ cô: người quản gia. Khi đi lấy chồng bị chồng dằn vặt, hành hạ, đánh đập tàn nhẫn vì không thể sinh con.

Hai người phụ nữ, chung số phận đau thương, bị đè nén đến cùng cực đến mức Mariam buộc phải giết người chồng chung để cứu người phụ nữ cùng cảnh ngộ cũng là cứu chính mình. Mariam bị xử bắn. Bước ngoặt đó đem đến kết cục khác nhau cho số phận của hai người phụ nữ nhưng dù sao họ cũng đã tìm thấy hạnh phúc và sự thanh thản theo cách của riêng mình.

ĐỨC HẠNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm